Xã Minh Tân

UBND xã Minh Tân

Số điện thoại: 3680803
Hộp thư cơ quan: xaminhtan@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Ngô Quang Áng - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Nguyễn Văn Nhạt - Phó Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Vũ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã

 

1. Địa giới hành chính

Xã Minh Tân nằm về phía đông huyện Kiến Thụy. Bắc giáp xã Đại Đồng; Nam giáp xã Tân Phong và xã Ngũ Đoan (bằng gianh giới là đoạn sông Đa Độ với chiều dài 1,5 km); Đông giáp phường Hoà Nghĩa thuộc quận Dương Kinh; Tây giáp thị trấn Núi Đối. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 402 dài 2 km.

Tổng diện tích tự nhiên của xã 606 ha.

Minh Tân xưa có tên là Minh Liễn, được bao bọc bởi các sông Đa Độ, sông Tập, sông Sàng. Đời vua Thành Thái (1890) đổi tên xã  Minh Liễn thành Cốc Liễn và đặt Phủ lỵ Kiến Thuỵ tại đây.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 vùng đất này là tổng Sâm Linh. Tổng Sâm Linh có 4 xã: Cốc Liễn, Sâm Linh, Thấp Linh, Thù Du. Trước kia Thù Du bao gồm cả một phần đất thuộc xã Ngũ Đoan ngày nay, khi đào con sông Đa Độ, một nửa đất thuộc làng Thù cắt về Ngũ Đoan.  Nguời dân trong các làng xã tổng Sâm Linh còn mở mang điền trạch sang lập ấp ở Đồng Mộc (Hoà Nghĩa), Thái Lai (Tân Phong). Năm 1946, xã Minh Tân được thành lập trên cơ sở địa dư hành chính của tổng Sâm Linh gồm 6 thôn: Sâm Linh, Cốc Liễn, Vũ Vị, Thấp Linh, Thọ Linh, Thù Du và ổn định từ đó.

Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân xã Minh Tân là 7483 người. Cả xã có 49 dòng họ và 2190 hộ. Mật độ dân số trung bình 1234 người/ km2. Số dân trong độ tuổi lao động chiếm 44 % tổng số dân, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 57%; lao động trong các doanh nghiệp 28% còn lại là lao động trong các ngành nghề khác.

Về tôn giáo, số đông dân Minh Tân theo đạo Phật. Một bộ phận theo đạo Thiên chúa giáo (ở xóm 5 làng Sâm Linh).

2. Lịch sử, truyền thống

Đời vua Thành Thái thấy nơi đây có vị trí quân sự trọng yếu đã cho đặt bến thuyền tuần tiễu và phủ lỵ Kiến Thuỵ (phủ lỵ đặt ở thôn Cốc Liễn ngày nay). Hưởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh, Tiến sĩ Phạm Huy Du tri phủ huyện Kiến Thuỵ đã giao toàn bộ phủ thành cho nghĩa quân làm căn cứ kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa thất bại, phong trào bị đàn áp, Phạm Huy Du bị thực dân Pháp bắt đày ở Côn Đảo và mất ở đó.

Tháng 3 năm 1945, nhân dân Minh Tân đã tham gia phá kho thóc của Huyện Thọ, kho thóc Đoan Xá của con gái Hoàng Trọng Phu, kho thóc Bá Chín Sầu ở Tư Sinh, Tư Thuỷ chia cho dân nghèo.

Ngày 4/8/1945, quân Nhật từ Kiến An kéo về đàn áp nhằm xóa bỏ chính quyền cách mạng ở Kim Sơn, chúng vấp phải sự chiến đấu ngoan cường của tự vệ và nhân dân Kim Sơn nên buộc phải rút lui. Trên đường rút chạy, chúng đã bị lực lượng tự vệ Minh Tân chặn đánh ở cống Đối, anh Vũ Văn Hiểu người làng Sâm Linh dũng cảm cầm mã tấu nhảy lên xe chém giặc bất chấp nguy hiểm. Địch bị chặn đánh bất ngờ, hoảng sợ bắn bừa bãi để chạy về Kiến An.

Tháng 8 năm 1945 chính quyền cách mạng lâm thời xã ra đời. Ngày 6/11/1946, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Minh Tân được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân, dân địa phương đã đắp ụ, rào làng kháng chiến, trực tiếp chiến đấu 16 trận, 37 lần chặn đánh đẩy lùi các đợt càn quét của địch vào xã, 9 lần diệt tề trừ gian (giết chết 4 tên, bắt sống 3 tên), diệt 2 đồn địch (đồn tổng Dũng, đồn bà Quạnh), phá huỷ đồn Bang Tá; binh vận 1 đại đội lính chính quy Pháp về với mặt trận Việt Minh. Nhân dân trong xã quyên góp 30 đồng cân vàng, 100 kg đồng, 8000 m vải, 12 tấn thóc, 4,5 tấn gạo. Người dân Minh Tân luôn tự hào với câu ca "Hoan hô du kích Minh Tân, giặc đến bẩy lần đều phải rút lui".

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Minh Tân là địa bàn đóng quân của lực lượng bộ đội phòng không xây dựng trận địa bảo vệ thành phố. Nhiều lần máy bay Mỹ ném bom, bắn phá dã man vào xã. Vượt qua bom đạn, nhân dân Minh Tân dũng cảm, kiên cường vừa tham gia chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường vừa lao động sản xuất giỏi. Lực lượng dân quân Minh Tân lập công xuất sắc bắt sống giặc lái Mỹ.

 Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Minh Tân luôn vượt khó, tìm tòi vươn lên, là một trong những địa phương đi đầu thực hiện khoán mới. Thực hiện công cuộc đổi mới, Minh Tân là một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm.

Với những thành tích xuất sắc qua các thời kỳ cách mạng, quân và dân xã Minh Tân đã được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý qua các thời kỳ: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2001), ba Huân chương kháng chiến hạng Nhì về thành tích chống Pháp và chống Mỹ, hai Huân chương Lao động hạng Ba, thời kỳ xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã  hội chủ nghĩa và thời kỳ đổi mới. Cả xã có 400 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại, hàng trăm gia đình được Chính phủ tặng Bằng có công với nước. Hai bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn một nghìn người tham gia quân đội, 147  liệt sỹ, 38 thương binh.

 3. Kinh tế

Kinh tế Minh Tân hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 40%, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản 35%, dịch vụ 25%. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm gần đây10%

Tỷ trọng trồng trọt trong nông nghiệp 35%, chăn nuôi 45%, thuỷ sản 20%. Những năm gần đây do tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất, năng suất lúa không ngừng tăng. Năng suất lúa bình quân 5 năm qua đạt 120 tạ/năm. Giá trị đạt được trên một ha canh tác năm 2008 là 56 triệu VND. Cả xã có 2 trang trại, 123 gia trại, từng bước phát huy hiệu quả.

Xa xưa rất nhiều hộ gia đình ở Minh Tân làm nghề khai thác đánh bắt thuỷ, hải sản nay không còn. Nghề nề, mộc phát triển, nghề làm đậu phụ ở Minh Tân có từ lâu đời đến nay vẫn còn một số hộ duy trì. Số hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ sửa chữa nông cụ, xe máy, đồ dùng dân dụng trên địa bàn xã tăng nhanh.

Mạng lưới thương mại dịch vụ phủ khắp các thôn xóm, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân. Chợ Minh Tân ở trung tâm xã rộng 7200 m2, đã được đầu tư  xây dựng khang trang, chợ họp vào buổi chiều hàng ngày với đủ các mặt hàng tiêu dùng.

Đường ôtô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đi qua địa phận Minh Tân dài gần 1 km, đường 401 qua địa phận xã dài 2 km, đường 402 từ trung tâm huyện qua địa phận xã ra đường 353 dài 2 km. Hệ thống đường liên thôn hoàn thành nhựa hoá 100% với chiều dài 11 km. Bê tông ngõ xóm đạt 100%. Cả xã có 16 ôtô vận tải. Phương tiện vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp bằng xe cải tiến và thuyền còn phổ biến.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 12 triệu VND, (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa), tăng 50% so với năm 2000.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,01% theo tiêu chí mới.

Số hộ có nhà kiên cố 33%; số hộ được dùng nước hợp vệ sinh 70%.  xe máy 3,7 người/xe. Tỷ lệ người dùng điện thoại 30 máy/100 dân. Cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, ngày càng phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng lên.

Những năm trước đây Minh tân nổi tiếng với giống cam quả to, mọng nước, ngon nổi tiếng trong vùng, nay giống cam này hầu như không còn do chuyển đổi mô hình kinh tế, nhiều hộ gia đình chuyển trồng hoa và cây cảnh.

4. Văn hoá - xã hội

 Văn hoá tinh thần được biểu hiện qua các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo, tập tục thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng làng...Làng nào cũng có đình, chùa, miếu. Đình Cốc Liễn thờ Chử Đồng Tử hiện còn lưu giữ 21 sắc phong, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố (2007). Hàng năm, cứ vào đầu xuân (10 tháng 2 âm lịch), nhân dân Minh Tân thường tổ chức tế lễ ở đình, chùa cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

Ở xã Minh Tân ngày xưa có lẽ cũng là một trong những nơi có tục lệ dạm hỏi, cưới cheo khắt khe, phiền phức, nhất là đối với nhà trai ở nơi khác đến dạm hỏi, bởi con gái tổng Sâm (Minh Tân) là những người đoan trang, đẹp nết đẹp người.

Các trò chơi dân gian như thả diều, chọi gà, đánh cờ tướng...vẫn được duy trì. Người Minh Tân còn say mê hát tuồng, chèo, xưa mỗi làng đều có đội chèo phục vụ phong trào ca hát và lễ hội của địa phương. Hương ước các làng ngày nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới vui tươi, lành mạnh. Đài truyền thanh, nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã phát huy hiệu quả hoạt động.

 Truyền thống học hành xưa ở các làng xã Minh Tân được chú trọng, có nhiều người đỗ đạt cao. Năm Nhâm Thìn (1772) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 53 đời Lê Hiển Tông, ông Vũ Công Trần người làng Cốc Liễn đỗ tiến sĩ. Vũ Hộ người làng Thù Du giữ chức trấn thủ Sơn Tây đời Lê Chiêu Tông, ông giúp Nhà Mạc lập lên triều chính, là bộ tướng của Mạc Đăng Dung - chức Cực phẩm thái bảo, tước Tĩnh Quốc Công. Ngoài ra còn một số người tài giỏi, học hành đỗ đạt qua các kỳ thi trở thành thầy khoá, thầy đồ dạy học, thầy thuốc chữa bệnh cho dân trong vùng. Phát huy truyền thống hiếu học, dưới chế độ mới, giáo dục Minh Tân không ngừng phát triển. Thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, trường Phổ thông cơ sở Minh Tân là trường điểm học sinh giỏi của huyện. Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1958; phổ cập giáo dục tiểu học năm 1990; phổ cập trung học cơ sở năm 2000; phổ cập trung học và nghề năm 2008.

Trường mầm non đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Trường tiểu học đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố, chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Trường Trung học cơ sở nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến cấp thành phố. Toàn xã có 2 tiến sĩ, 3 thạc sĩ; 270 cử nhân, đại học, cao đẳng (thống kê cả người thoát ly).

          Thời phong kiến có cụ Lang Vì tằng tổ của ông lang Thuần ở thôn Thấp Linh xã Minh Tân có nghề thuốc gia truyền chữa mụn nhọt, lở, ngứa rất hiệu nghiệm. Dưới chế độ mới, trạm y tế xã được thành lập vào năm 1956, từng bước phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật phương tiện và chuyên môn, đến nay đã đảm bảo khám chữa bệnh thường kỳ cho nhân dân.

          Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2006. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008: 1,36%.

          5. Định hướng phát triển

          Minh Tân là một xã có nhiều lợi thế: giáp thị trấn Núi Đối và ven quận Dương Kinh, có vị trí giao thông thuận lợi, có tiềm năng về lao động, đất đai. Địa bàn Minh Tân được bao bọc bởi các sông Đa Độ, sông Tập, sông Cốc, diện tích vùng sâu trũng lớn là lợi thế để nuôi trồng thuỷ sản và phát triển du lịch sinh thái. Theo quy hoạch được phê duyệt nhiều dự án lớn của thành phố và huyện sẽ được triển khai trên địa bàn xã. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương sẽ có biến động lớn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản; du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần

           Nông nghiệp hướng vào phát triển vùng lúa cao sản, gạo chất lượng, cây rau màu sạch có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch vùng  thị tứ, thị trấn và ven đô.

Viết bình luận