Xã Đông Phương

UBND xã Đông Phương
 

Số điện thoại: 3660501
Hộp thư cơ quan: xadongphuong@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Tô Văn Cương - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã

 

 1. Địa giới hành chính

Xã Đông Phương nằm về phía Bắc huyện Kiến Thụy. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 401 dài 3,5 km. Bắc giáp các phường Anh Dũng, Hưng Đạo (quận Dương Kinh); Đông giáp phường Hoà Nghĩa; Nam giáp xã Đại Đồng; Tây giáp sông Đa Độ với chiều dài 2,2 km. Tổng diện tích tự nhiên 458,88 ha.

Trước năm 1945, vùng đất này thuộc tổng Đại Trà. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Đại Đồng được thành lập trên cơ sở tổng Đại Trà cũ gồm các thôn Đại Trà, Lạng Côn, Đức Phong và Phong Cầu. Vào thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956 xã Đông Phương tách ra thành 2 xã là xã Đông Phương và xã Đại Đồng. Đông Phương ổn định từ đó đến nay gồm các thôn Đại Trà 1, Đại Trà 2 và Lạng Côn, dưới thôn là 12 xóm.

Theo số liệu thống kê ngày 1/4 năm 2009, số dân xã Đông Phương là 6.411 người . Cả xã có 28 dòng họ và 1895 hộ. Mật độ dân số trung bình 1399 người/ km2. Số dân trong độ tuổi lao động 3250 người, chiếm 50% tổng số dân. Trong đó lao động nông nghiệp chiếm 50 %; lao động trong các doanh nghiệp 30% còn lại là lao động trong các ngành nghề khác. Về tôn giáo, số đông dân Đông Phương theo đạo phật. Người dân nơi đây vốn có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời chung sức bảo vệ và xây dựng quê hương giàu đẹp.

2. Lịch sử - truyền thống

Theo thần tích, vào thế kỷ thứ X có ngài Chu Xích là người Hán đến trang Đại Trà dạy học, bốc thuốc. Do tài giỏi và có công với nước vào thời vua Lê Đại Hành (980-1005), ông là trạng nguyên và được phong chức Thượng thư Bộ lại. Ông đã có công lớn giúp vua Lê đánh dẹp quân Chiêm Thành. Trong đội quân đánh giặc của ông có rất nhiều trai tráng trong vùng, thần tích còn lưu tên 10 người ở trang Đại Trà.

Vào thế kỷ thứ XIII ở thái ấp Đại Trà  có Phò mã Đô uý Văn Định Vương Trần Quốc Thi tổ chức huy động lương thực chiêu tập binh mã trong vùng theo Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương đánh giặc Mông- Nguyên.

Thời vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540), ông Nguyễn Như Quế người Đại Trà trang đã có công giúp nhà Mạc dựng Vương triều, là một trong những công thần khai quốc. Ông làm quan đến chức Thái uý Trung Quốc công. Cùng thời ở Đại Trà còn có ông Nguyễn Đức Cao làm quan triều Mạc, được phong Thái Bảo.

Hưởng ứng phong trào Mạc Thiên Binh (1897), ở tổng Đại Trà có Chánh Lãnh binh Vũ Đình Đào. Các thủ lĩnh nông dân Cai Mon, Quyền Tâm (cuối thế kỷ 19) và Phạm Mạc, Lương Văn Tánh (năm 1928-1929) đều là những người yêu nước, gan dạ, dũng cảm nổi tiếng trong vùng.

Tư tưởng yêu nước chống thực dân phong kiến của lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học truyền bá vào tổng Đại Trà được một bộ phận dân chúng hưởng ứng. Nơi đây có các cơ sở mạnh của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng.

Thời kỳ 1932-1935, Trung ương Đảng cử ông Hoàng Đình Dong cán bộ Xứ uỷ Bắc kỳ về Hải Phòng chỉ đạo phong trào khôi phục tổ chức Đảng, gia đình bà Nguyễn Thị Muôn ở làng Đại Trà trở thành cơ sở bí mật nuôi giấu ông Hoàng Đình Dong, ông Trần Cung và ông Đỗ Duy Mạc hoạt động. Gia đình bà Muôn đã được Chính phủ tặng Bằng có công với nước.

 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng lâm thời và Uỷ ban hành chính xã được thiết lập. Ngày 20/12/1946, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân dân địa phương đã trực tiếp chiến đấu 12 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 137 tên địch, binh vận gần 500 lính nguỵ đảo ngũ, quyên góp 30 đồng cân vàng, 100 kg đồng, 8000 m vải, 12 tấn thóc, 4,5 tấn gạo...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Đông Phương kiên cường dũng cảm vừa sản xuất và chiến đấu giỏi, tích cực chi viện cho tiền tuyến lập công xuất sắc bắt sống giặc lái Mỹ, thu gom xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên địa bàn.

 Trong lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, Đông Phương là điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, xoá đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm.

Quân và dân xã Đông Phương đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba (1968), Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1969), Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1972). Cả xã có 302 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại, 8 cá nhân được tặng Huy chương thành đồng Tổ quốc, 15 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hai bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cả xã có 1050 người tham gia quân đội, thanh niên xung phong; 119 liệt sỹ, 24 thương bệnh binh.

3. Kinh tế

Kinh tế Đông Phương hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, năm 2008, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 55 %, còn lại là tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm gần đây 11,9%

Những năm gần đây do tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất, năng suất lúa không ngừng tăng. Năm 2007 là năm có năng suất cao nhất so 10 năm gần đây, đạt 127 tạ/ha, tăng 30 % so với năm 2000. Giá trị đạt được trên một ha canh tác là 70 triệu VND

Kinh tế trang trại, gia trại đang hình thành: trang trại 15, gia trại 20, bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế.

Chăn nuôi khá phát triển, năm 2007 là năm đạt cao nhất so với 10 năm gần đây. Tổng đàn lợn 5.100 con, tăng 40 % so với năm 2000, đàn gia cầm 30.000 con, tăng 50% so với năm 2000.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2008: 10 ha, sản lượng đạt 22 tấn , giá trị đạt được  450 triệu VND, tăng 50 % so với năm  2000. Xa xưa nghề đánh bắt hải sản khá phát triển, nay không còn.

 Ngành nghề ở Đông Phương có từ lâu đời và khá phong phú. Các nghề làm củi trang, đánh bắt và chế tác đồi mồi, khảm trai có từ lâu đời, nay đã mai một. Các nghề đan lát, mộc, nề vẫn duy trì. Nghề thảm len xuất khẩu tồn tại một thời. Nghề rèn thủ công với kỹ thuật tôi thép sắc ngọt và bền nổi tiếng trong vùng còn lưu truyền đến nay. Nghề chế biến các loại bún, bánh từ gạo ở Đông Phương có từ lâu đời nay vẫn khá phổ biến. Gần đây, nghề làm cây cảnh bắt đầu phát triển.

Mạng lưới thương mại dịch vụ phủ khắp các thôn xóm, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân. Chợ ở trung tâm xã có quy mô 603 m2, theo quy hoạch sẽ mở rộng và nâng cấp. Tổng số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ 240 hộ, doanh thu đạt được năm 2008: 22.550,44 triệu VND, tăng 222% so với năm 2000.

Đường 401 qua địa phận xã Đông Phương dài 1,2 km. Đường kênh Hoà Bình đi qua địa phận xã Đông Phương dài 5,4 km. Hệ thống đường liên thôn được quy hoạch tổng thể trên bản đồ thể hiện như những đường ô vuông bàn cờ, hoàn thành nhựa hoá 100% với chiều dài 11 km. Bê tông ngõ xóm đạt 100%. Cả xã có 3 ôtô vận tải. Phương tiện vận chuyển bằng xe cải tiến, thuyền gỗ còn khá phổ biến.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2008: 10,9 triệu VND, (chưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa), tăng hơn 2 lần so với năm 2000.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn  10,2% theo tiêu chí mới.

Số hộ có nhà mái bằng kiên cố  20%, nhà xây mái ngói 80%; số hộ được dùng nước hợp vệ sinh 90%.  xe máy 5 người/xe. Tỷ lệ người dùng điện thoại thoại 30 máy/100 dân. Cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo từ thiện phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, ngày càng phát huy hiệu quả. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện nâng lên.

Sản phẩm đặc trưng là bánh đa, bánh đúc Lạng Côn, bưởi Đại Trà, sản phẩm nghề rèn thủ công, cây cảnh.

4. Văn hoá - xã hội

Đông Phương là vùng đất có nhiều nét văn hoá đặc sắc giữ được truyền thống lâu đời. Lễ hội đốt pháo đùng vào ngày 4  tết Nguyên Đán hàng năm để tưởng nhớ thành hoàng làng Chu Xích Công. Các trò chơi dân gian như thả diều, chọi gà, vật, đánh cờ tướng...vẫn được duy trì. Người Đông Phương rất say mê cải lương, chèo, tuồng, có người hát hay nổi tiếng một thời được hâm mộ.

Đông Phương có 3 Di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia là đình Đại Trà, chùa Đại Linh và chùa Trùng Khánh. Từ đường Nguyễn Như Quế, dòng họ Nguyễn Lăng được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Thành phố. Các Di tích trên đều thịnh vượng vào thời nhà Mạc, đến nay đã qua rất nhiều lần tôn tạo vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, bề thế, trang nghiêm.

 Hương ước các làng ngày nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hoá mới vui tươi, lành mạnh. Thiết chế văn hoá đồng bộ. Đài truyền thanh, nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã phát huy hiệu quả hoạt động.

Các thế hệ người Đông Phương rất coi trọng việc học hành. Tuy không có  nhiều người đỗ đạt cao nhưng địa phương cũng có những đóng góp trí tuệ, nhân lực, vật lực cho đất nước. Xa xưa phải kể đến Chu Xích Công mở trường dạy học, không chỉ dạy chữ mà còn dạy biết lẽ sống, biết đóng góp cho quê hương đất nước. Vì vậy thầy trò ông đã thành danh có công lớn với nước với dân. Thời nào địa phương cũng có những người có học, làm nghề dạy học, thày thuốc. Tuy không tiêu biểu, nhưng truyền thống hiếu học, khuyến học vẫn được các gia đình, dòng họ, làng xóm coi trọng, lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Giáo dục Đông Phương dưới chế độ mới không ngừng phát triển. Xã hoàn thành xoá mù chữ năm 1959; phổ cập tiểu học giáo dục năm 1990; phổ cập trung học cơ sở năm 2000; phổ cập trung học và nghề năm 2008. Trường mầm non và trường THCS đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện. Trường tiểu học đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp thành phố.

          Sau Chu Xích Công, vùng đất Đại Trà xưa có nhiều thầy thuốc người Tàu đến hành nghề, chữa bệnh bằng cây thuốc Nam khá phổ biến trong dân gian, đến nay vẫn còn nhiều người dùng và lưu truyền những bài thuốc quý. Dưới chế độ mới, trạm y tế xã được thành lập vào năm 1956, từng bước phát triển về cơ sở vật chất, kỹ thuật phương tiện và chuyên môn, đến nay đã đảm bảo khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân.

          Xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2007. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2008: 0,5

          5. Định hướng phát triển

          Đông Phương ở vào địa thế hai mặt Tây và Bắc giáp quận Dương Kinh với chiều dài 4,5 km. Triền sông Đa Độ thuộc địa phận xã dài 2,2 km. Dải đất bờ Nam kênh Hoà Bình thuộc địa phận xã có chiều dài 5,4 km. Tổng diện tích mặt bằng khu vực này trên 200 ha. Theo quy hoạch đây sẽ là khu vực mở rộng thành phố, phát triển đô thị hiện đại.

          Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động địa phương sẽ có biến động lớn theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư sẽ nhiều thay đổi theo hướng phát triển đô thị. Đông Phương sẽ là điểm đến hấp dẫn với các di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng và làng nghề truyền thống, sản vật đặc trưng.

Viết bình luận