Xã Đại Hà

Xã Đại Hà

Số điện thoại: 3881227
Hộp thư cơ quan: xadaiha@haiphong.gov.vn

Lãnh đạo cơ quan:
- Đ/c Nguyễn Duy Mùi - Chủ tịch UBND xã
- Đ/c Bùi Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã

 

1. Địa giới hành chính.

Xã Đại Hà nằm ở phía Nam huyện, Bắc giáp xã Thanh Sơn, Nam giáp xã Tân Trào, Tây giáp xã Kiến Quốc và xã Thụy Hương, Đông giáp xã Ngũ Đoan. Từ trung tâm xã theo đ­ường 404 và 402 về đến trung tâm huyện lỵ 3 km. Tổng diện tích tự nhiên của xã: 371,88 ha.

Vùng đất này xưa thuộc tổng Cổ Trai. Đến năm 1946, cả 3 thôn Ngọc Liễn, Cao Bộ, Nhân Trai của xã đều thuộc xã Ngũ Đoan Hưng. Tháng 7 năm 1956, xã Đại Hà được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Ngũ Đoan Hưng. Xã Đại Hà hiện nay có 4 thôn là Nhân Trai, Ngọc Liễn, Cao Bộ, Cao Tiến và 1 cụm dân cư.

Theo số liệu thống kê ngày 01/4/2009, số dân của xã Đại Hà là 6.664 người. Mật độ dân số 1.796 ng­ười/km2. Cả xã có 64 dòng họ và 1.985 hộ dân. Lực lượng lao động chiếm 54% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 40%, lao động TTCN chiếm 11%, thương mại và dịch vụ chiếm 3%, còn lại là các ngành nghề khác. Đa số dân Đại Hà theo đạo Phật.

2. Lịch sử, truyền thống

Các làng của xã Đại Hà xưa đều thuộc tổng Cổ Trai, là nơi phát tích Vương triều Mạc (1527-1582). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ 3 (năm 1288), nơi đây vừa là hậu phương vừa là nơi cung cấp cho tướng Vũ Hải của nhà Trần nhiều nhân tài vật lực, góp phần đánh thắng đoàn thuyền chiến của giặc trên cửa biển Đại Bàng (biển phía nam Đồ Sơn ngày nay). Dưới triều nhà Mạc, nhân dân các làng Nhân Trai, Ngọc Liễn đã hết lòng góp sức cùng với Vương triều xây dựng kinh đô “Dương Kinh” và chấn hưng đất nước.

Trải qua các triều đại, các thế hệ ngư­ời dân “đất đế đô” luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của phong kiến và thực dân. Nổi bật là vào những năm cuối thế kỷ thứ 19, nhân dân trong làng đã đi theo Lãnh Kỳ (Vũ Hữu Kỳ người làng Cổ Trai), Lãnh Mộc (ở Kỳ Sơn, Tân Trào) tích cực hưởng ứng phong trào chống Pháp do Mạc Đình Phúc lãnh đạo. Năm 1922, Hoàng Văn Đọc “tức Già Một”- người con ưu tú của làng Cao Bộ làm nghề thuỷ thủ cho tầu buôn Pháp, được giác ngộ cách mạng. Ông được tổ chức bí mật cho gặp Nguyễn ái Quốc, được giao nhiệm vụ hoạt động trong đường dây giao thông vận chuyển tài liệu bí mật từ Pháp về Hải Phòng và được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng từ năm 1929. Ông bị giặc Pháp bắt tù đày ở Côn Đảo; năm 1937, nhờ có phong trào đấu tranh đòi dân chủ trong các nước thuộc địa dâng cao, ông được tha và bị quản thúc tại quê nhà. Phát huy vai trò của người đảng viên Cộng sản, ông tích cực hoạt động tuyên truyền cách mạng tại địa phương; chủ động liên lạc, móc nối với các đồng chí cán bộ Xứ uỷ Bắc Kỳ về xây dựng cơ sở Việt Minh tại huyện Kiến Thụy.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân địa phương đã tích cực cùng với các xã trong huyện nổi dậy cướp chính quyền tay sai thân Nhật tại phủ lỵ Kiến Thụy vào ngày 14/8/1945. Ngày 18/8/1945, các thôn Nhân Trai, Cao Bộ và Ngọc Liễn trong xã thành lập Uỷ ban giải phóng lâm thời. Ngày 24/4/1946, Uỷ ban hành chính xã được thành lập. Ngày 15/10/1946, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã được thành lập, đánh dấu b­ước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương. Suốt chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ hy sinh chống thực dân Pháp xâm lược mặc dù phải nằm trong vòng kiểm soát gắt gao của địch, quân và dân địa phương vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không dời”, dũng cảm chiến đấu để giải phóng quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu n­ước, nhân dân Đại Hà “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, tích cực chi viện “sức ng­ười, sức của” cho tiền tuyến, góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và thực hiện công cuộc đổi mới, xã Đại Hà đẩy mạnh việc phục hồi và phát triển kinh tế, cải tiến mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tiếp thu tiến bộ KHKT, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”... nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Xã Đại Hà đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương kháng chiến hạng Ba về thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác quốc phòng địa phương. Bằng khen của Chính phủ về thành tích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xã có 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 157 gia đình được Chính phủ tặng Bằng có công với nước; 186 cá nhân đ­ược tặng thưởng Huân, Huy ch­ương các loại. Xã có 815 ng­ười tham gia quân đội, 56 người là thanh niên xung phong, 155 liệt sỹ, 29 thư­ơng binh, 9 bệnh binh.

3. Kinh tế.

Cơ cấu kinh tế của xã Đại Hà hiện nay: nông nghiệp chiếm 70%; ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp 15%, kinh doanh thư­ơng mại và dịch vụ là 15%.

Đến hết năm 2008, toàn xã có 4 trang trại và 12 gia trại. Một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng hoa cây cảnh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề truyền thống lâu đời của các làng như: chài lưới, rèn, nhuộm nâu đều đã mai một. Trên địa bàn hình thành các cơ sở sản xuất, gia công vật liệu xây dựng và dịch vụ vận tải; các nghề tiện, sơn, hàn, sửa chữa phương tiện xe gắn máy, thiết bị điện máy...có xu hướng phát triển mạnh.

Xã có 2 chợ tạm ở khu trung tâm xã và ở thôn Nhân Trai, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân địa phư­ơng. Tại khu vực ngã tư thôn Nhân Trai là điểm giao cắt giữa đường 403 và 404 đang hình thành nên trung tâm dịch vụ thương mại vùng.

Sản phẩm đặc tr­ưng của địa phương là cây thuốc lào, gần đây là một số loại hoa và cây cảnh.

Đ­ường liên huyện 404 qua địa bàn xã dài 2,5 km; phía Bắc giao cắt với đường 402, phía Nam giao cắt với đường 403. Đ­ường phủ nhựa liên thôn 4,7 km, đạt 79%, bê tông ngõ xóm 5,7 km, đạt 69%. Cả xã có 8 xe ô tô vận tải, đang dần từng bước thay thế xe công nông và các phương tiện vận chuyển thô sơ.

Thu nhập bình quân đầu ngư­ời 2008: 9,8 triệu VND (ch­ưa thống kê hết nguồn thu của người đi lao động ở xa). Tỷ lệ hộ nghèo 10,9% theo tiêu chí mới.

Tỷ lệ ng­ười dùng điện thoại 25 máy/100 dân, xe máy 5 người/xe; số hộ có ti vi chiếm 100%, nhà xây mái bằng kiên cố 20% và tỷ lệ hộ dùng n­ước hợp vệ sinh chiếm 90% dân số.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đang từng bước được nâng cao. Xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,2% theo tiêu chí mới.

4. Văn hoá - xã hội.

Theo thần tích, thần sắc của các làng, văn hoá truyền thống vật thể và phi vật thể ở nơi đây khá phong phú dưới thời Nhà Mạc (1527-1592). Dưới thời Lê-Trịnh, các công trình kiến trúc lớn có giá trị đều bị tàn phá chỉ còn lại “phế tích”. Đến thời Nguyễn nhân dân địa phương đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo và xây dựng lại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của làng như: đình, chùa, đền, miếu…Do thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một số công trình đã bị dỡ bỏ để thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Đảng. Hiện tại xã còn lại 3 ngôi chùa; trong đó chùa Trung Linh ở thôn Ngọc Liễn và chùa Phúc Linh ở thôn Nhân Trai được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Thành phố.

Hư­ơng ước của các làng xưa khuyến khích phát huy truyền thống dân tộc và giữ gìn nét đẹp văn hoá. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, 100% các làng và khu dân cư trong xã đều xây dựng nội dung hương ư­ớc mới tiến bộ. Làng văn hoá Nhân Trai đạt danh hiệu cấp thành phố, các làng khác đều đạt danh hiệu cấp huyện. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hoá đã được xây dựng khá đồng bộ, hoạt động hiệu quả.

Dưới thời nhà Mạc, nơi đây có truyền thống về học hành, khoa bảng và tham gia triều Mạc chấn hưng đất nước, đó chính là các bậc Đế Vương và Hoàng thân Quốc thích trong triều. Thời Pháp thuộc, trên địa bàn của xã có một lớp dạy chữ Nho cho con em nhà giàu, vì vậy có tới 95% số người bị mù chữ.

Dư­ới chế độ mới, sự nghiệp giáo dục của  xã Đại Hà không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Xã xoá mù chữ năm 1956, phổ cập tiểu học năm 1991, trung học cơ sở năm 2000, phổ cập trung học và nghề năm 2008. Cả 3 trường: Mầm non, Tiểu học và THCS đều đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện.

Xã có 285 người có trình độ đại học và cao đẳng, 190 người có bằng trung học chuyên nghiệp và nghề (thống kê cả người thoát ly). Năm 2008, xã có 16 em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Trạm y tế đa khoa của xã đảm nhận chức năng khám chữa bệnh cho nhân dân trong cụm (Đại Hà, Ngũ Đoan, Tân Trào); liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Năm 2004 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

5. Định h­ướng phát triển.

Nông nghiệp hướng vào dồn đổi tích tụ ruộng đất, phân vùng kinh tế chuyên canh sản xuất lương thực, thực phẩm và các loại rau màu sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, khu công nghiệp và xuất khẩu. Chú trọng xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nuôi trồng thuỷ sản ở vùng sâu trũng, gắn sản xuất với chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

Xây dựng chợ đầu mối thu mua thuỷ hải sảnphát triển thương mại, dịch vụ vùng ở thôn Nhân Trai.

Viết bình luận