VĨNH PHÚC VỚI NHÀ MẠC – NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ VỚI VĨNH PHÚC

VĨNH PHÚC VỚI NHÀ MẠC – NHÀ MẠC VÀ HẬU DUỆ VỚI VĨNH PHÚC

  1. Tài liệu Hán Nôm về Vĩnh Phúc và nhà Mạc ở Vĩnh Phúc

                                                               Đinh Khắc Thuân

Tài liệu Hán Nôm về Vĩnh Phúc và nhà Mạc ở Vĩnh Phúc bao gồm các tài liệu địa phương chí và văn bia của Vĩnh Phúc hiện đang lưu giữ tại viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

Về địa danh hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay chủ yếu là đất phủ Vĩnh Tường xưa, trừ huyện Bạch Hạc cắt sang tỉnh Phú Thọ. Đây là vùng đất cổ, có lịch sử dài lâu, trải nhiều biến động và thay đổi khá phức tạp. Rất may là có tập sách Quận huyện bị khảo đã khảo cứu khá cụ thể địa danh hành chính các phủ huyện của tỉnh Sơn Tây cũ, trong đó có phủ Vĩnh Tường. Phủ Vĩnh Tường bao gồm các huyện Bạch Hạc, huyện Tam Dương, huyện Lập Thạch và phân phủ Vĩnh Tường gồm huyện Yên Lãng và huyện Yên Lạc. Tên gọi các huyện phủ ở đây chủ yếu có từ thời Hồng Đức và khi nhà Lê định cả nước thành 13 đạo thừa tuyên và cho vẽ bản đồ cả nước. Tuy nhiên có địa danh vốn xuất hiện từ rất sớm, thậm chí như Yên Lãng từng là trung tâm hành chính của quận Vũ Bình hay huyện Chu Diên kiêm gồm 7 huyện vào thời Hán.

Tài liệu địa phương chí cũng cho biết số người đỗ đại khoa dưới thời Mạc thuộc đất Vĩnh Phúc ngày nay có 16 vị, trong đó Yên Lãng 5 vị, Yên Lạc 6 vị và Lập Thạch 5 vị.

Văn bia thời Mạc trên đất Vĩnh Phúc hiện biết 8 văn bản, trong đó 2 văn bia ghi về dựng cầu cống, còn lại 6 văn bia ghi về việc tu sửa và xây dựng chùa Phật. Trong việc tham gia tu bổ chùa Phật ở đây có Hoàng gia và đại thần nhà Mạc. Quy mô ngôi chùa khá lớn, thường có cả Tiền đường và Thượng điện. Trong tòa Thượng điện, tượng Phật khá nhiều, có ngôi chùa được làm mới một lúc 14 pho tượng. Ngoài tượng Phật ra, còn có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đây là yếu tố tam giáo hòa đồng trong tín ngưỡng thời Mạc. Tượng thờ thời Mạc ở Vĩnh Phúc hiện còn bảo lưu được hai pho tượng Quan âm quý giá. Đó là một chùa Thượng Trưng hay Bảo Quang tự, thôn Thượng Trưng xã Minh Đức huyện Vĩnh Lạc và một pho ở chùa Hạ, gọi là Hội Hạ xã Hợp Thịnh huyện Tam Dương. Đây không chỉ là di sản quý giá thời Mạc của Vĩnh Phúc mà là sản phẩm đặc sắc trong di sản văn hóa dân tộc.

Cũng từ tư liệu trên cho thấy, Mạc Ngọc Liễn chức Phò Mã, Đô úy Thái bảo, Đà Quốc công và Phúc Thành thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm từng đến đây công đức xây dựng, tu bổ nhiều ngôi chùa Phật. Điều đó cho thấy vùng đất Vĩnh Phúc ngày nay vốn là vùng đất căn bản của nhà Mạc, được nhà Mạc nắm giữ. Vì thế, sau khi thất thủ ở Thăng Long vào cuối thế kỷ XVI, cũng như sau khi thất thủ ở Cao Bằng cuối thế kỷ XVII, nhiều quan quân nhà Mạc từng lánh nạn qua nơi đây, để lại dấu tích lịch sử sống động một thời trong văn minh Đại Việt. Đó là thời kỳ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc.

Chẳng hạn như chùa Diệm Xuân và chùa Sùng Khánh thuộc huyện Lập Thạch. Chùa Diệm Xuân có tới 10 văn bia, trong đó có bia tượng Hậu Phật bà Phan Thị Khang được khắc năm Chính Hòa thứ 24 (1703). Còn chùa Sùng Khánh xã Tiên Lữ có văn bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708), ghi việc các hội chủ hưng công xây tường bao chùa, trong đó có vị tiểu tăng trụ trì chùa là Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái hiệu Huyền Ân. Trong khi chùa Diệm Xuân tương truyền là do Mạc Kính Vũ lánh nạn về đây trụ trì, đổi sang họ Nguyễn, thì chùa Sùng Khánh do người con cả của Mạc Kính Vũ là Nguyễn Hữu Pháp xây dựng, trụ trì. Tại nhà bái đường chùa xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch  có hai cụm tượng ông, tượng bà khá đặc biệt. Tượng ông là một võ tướng, mặc áo bổ tử, có dáng dấp như tượn Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương (Hải Phòng). Rất có thể đây là tượng Mạc Kính Vũ và phu nhân do người con của ông là Nguyễn Hữu Pháp dựng để phụng thờ vau cha. Điều này còn cần được nghiên cứu, song, nơi đây thực sự đang lưu giữ nhiều sự tích và di vật tiềm tàng liên quan đến nhà Mạc lánh nạn về đây sau khi thất thủ Cao Bằng năm 1677.

  1. Danh nhân Vĩnh Phúc thời Mạc

                                                          Lê Kim Thuyên

Nhà Mạc trong 65 năm trị vì ở Thăng Long đã tổ chức 22 khoa thi tiến sĩ, lấy đỗ được 483 người, trong đó có những nhân tài kiệt xuất như Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, trạng nguyên Giáp Hải.

Tổng số người thi đỗ đại khoa dưới triều Mạc của Vĩnh Phúc là 16 người.

  1. Hà Sĩ Vọng, người xã Tuy Phúc huyện Lập Thạch, có nhà ở xã Bình Sơn
  2. Phạm Du, thi đỗ Bảng nhãn (Đệ nhị giáp TS cập đệ Đệ nhị danh) khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định năm đầu (1547) đời vua Mạc Phúc Nguyên, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Binh….
  3. Bùi Hoằng, người xã Thượng Trưng huyện Bạch Hạc nay là Vĩnh Tường. Ông vốn là di duệ Hoàng tộc nhà Lê.... “Đến đây thấy có việc một ông dòng dõi “Hoàng tộc” nhà Lê rất gần đời lại ra thi và làm quan với triều Mạc (1538)”.
  4. Lê Dĩnh, cùng quê xã Thượng Trưng, cùng thi đỗ ở bảng Hoàng Giáp (Đệ nhị giáp TS xuất thân), làm quan đến chức Thừa tuyên sứ ở trấn Hưng Hóa.
  5. Dương Đôn Cương, người xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc. Thi đỗ ở khoa cùng với Bảng nhãn Phạm Du năm 22 tuổi, làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hình, hàm tòng tam phẩm, là cháu nội của của Dương Tĩnh tiến sĩ đời Hồng Đức.
  6. Nguyễn Hoằng Xước. Người xã Lý Hải, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 09 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538). Làm quan tới chức Đề hình Giám sát Ngự sử 13 đạo.
  7. Vũ Doãn Tư. Người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là thôn Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa năm đầu đời vua Mạc Phúc Hải, làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lại. Được ban tước Bá, gọi là Sơn Đông Bá.
  8. Phan Phi Hiển. Người xã Tĩnh Luyện huyện Lập Thạch, nay là thôn Tĩnh Luyện xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương. Thi đỗ khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hòa năm đầu (1541) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan tới chức phó Đô Ngự sử.
  9. Tạ Hiển Đạo. Người xã Đinh Xá huyện Yên Lạc, nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Giáp Thìn niên hiệu Quản Hòa thứ 04 (1544) đời vua Mạc Phúc Hải. Làm quan đến chức Hiến sát sứ, tước Quảng Xuyên bá.
  10. Lê Hiến. Người xã Thụ Ích huyện Yên Lạc, nay là thôn Thụ Ích xã Liên Châu huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch năm thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ.
  11. Đào Thái (có sách chép là Đào Thái Nhiệm). Người xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch, nay là xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch. Thi đỗ khoa Canh Tuất nên hiệu Cảnh Lịch thứ 03 (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên. Làm quan tới chức Hiến sát sứ ở Hiến Ti.
  12. Nguyễn Công Phụ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Tân Mùi (1571) niên hiệu Sùng Khang thứ 06 đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan tới chức Thị Lang. Sau khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan tới chức Tham chính.
  13. Hà Nhiệm Đại. Người xã Bình Sơn huyện Lập Thạch, nay là thôn Sơn Cầu xã Như Thụy huyện Sông Lô. Thi đỗ khoa Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang thứ 09 (1574) đời vua Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, hàm tòng nhị phẩm.
  14. Vũ Hoằng Tổ. Người xã Vân Ổ xã Vân Xuân huyện Yên Lạc. Thi đỗ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành thứ 03 (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc mất, ông quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Tham Chính.
  15. Nguyễn Thế Thủ. Người xã Lí Hải huyện Yên Lãng, nay là thôn Lí Hải xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên. Thi đỗ khoa Bính tuất niên hiệu Đoan Thái năm thứ 02 (1586) đời vua Mạc Mậu Hợp…
  16. Dương Tông. Người xã Linh Quang, huyện Bình Tuyền phủ Phú Bình trấn Thái Nguyên, nay là thôn Cao Quang xã Cao Minh thị xã Phúc Yên. Thi đỗ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Hưng Trị năm thứ 02 đời vua Mạc Mậu Hợp (1598)….

                                                        (Mạc Văn Trang trích lược)

 

Viết bình luận