Về Nãi Sơn thưởng thức canh thun thún…

Về Nãi Sơn thưởng thức canh thun thún…

Thái Phan

Con thun thún là những viên, những cục, nhiều khi kết thành mảng lớn,nhỏ thì bằng đầu ngón tay, to thì lớn hơn đầu ngón chân một chút, nổi dập dềnh, lập lờ ở những chân ruộng ngọt nước trong leo lẻo với mức nước chừng 20-30cm. Còn những chân ruộng chua ở mương, trên sông, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy bóng dáng chúng đâu. Con thún có màu xanh, càng già càng to, màu càng thẩm. Thoạt nhìn,thúng chẳng khác nào thạch găng. Cũng mềm mềm, nhũn nhũn, hơi keo keo dính dính. Chỉ có mùi vị là khác. Nếu như thạch găng, ăn ở quán thường nặng mùi dầu chuối, thêm chút dịu ngọt của đường, thì con thún rặt một mùi cây cỏ hoang dã nơi thôn quê.

Từ đời nảo đời nào, mặc dù thường xuyên ăn, nhưng người thôn Nãi Sơn chẳng quan tâm thún thuộc loài gì, chi gì, họ gì, động vật hay thực vật. Chỉ biết rằng, thún nấu canh ăn rất ngon miệng  và tất nhiên, không độc. Bởi theo cách lý luận của họ, đến bà đẻ ăn cũng chẳng sao. Chỉ thời gian gần đây, có một nhóm thực khách “ có nghề” trong cuộc chuyện trò lúc “ trà dư tửu hậu”, mới đưa vấn đề này ra tranh luận. Rồi con thun thún thực chất là một loài tảo nước ngọt. Mỗi con thún, là sự cộng cư của hàng triệu những tế bào tảo có màu xanh lục. Phát hiện này chẳng ảnh hưởng đến thói quen ăn thun thún của người thôn Nãi Sơn. Chỉ có điều mới, khi khách đến chơi, tò mò về canh thún, thì có thêm câu trả lời.

Con thún thường nổi vào tháng 5 âm lịch, khi nắng to, mưa rào xuống. Còn đến tháng 10 khi trời lạnh, thún tránh rét để năm sau lại về. Đặc biệt thời điểm thún nổi cũng là lúc rau rút mọc. Đặc biệt, món canh thún, món canh thún nếu thiếu rau rút, thì vị đậm đà thơm ngon cũng giảm đi phần nửa. Theo kinh nghiệm của các bậc cao niên trong thôn, cứ khi nào thấy rau rút vươn dài, lá xanh mơn mởn, lấp ló là những đoạn thân được mọc trong những bông xốp trắng muốt, thì chuẩn bị quang gánh, rổ để đi vớt thún. Người đi vớt thún phải dậy từ sáng sớm, đến buổi trưa thì về. Hôm nào ít, 2 chiếc thúng ở 2 đầu quang gánh cũng được lưng lửng. Còn nhiều, thì lặng lè kéo trĩu 2 đầu đòn gánh xuống. Vừa đi phải vừa cẩn thận bấm chặt các đầu ngón chân xuống  mặt đường, kẻo trượt ngã lúc nào chẳng hay. Thún vốn là loài ưa sạch sẽ. Xưa cứ vào mùa là thún nổi kín đồng, vớt không xuể. Vớt được nhiều thì ăn không hết, người ta lại đem thún ra bán ở chợ. Cứ gánh nọ tiếp nối gánh kia, nhưng ít khi ế. Nay do dùng nhiều thuốc trừ sâu cũng như phân bón hóa học, mà con thún ít đi hẳn và ngày cảng đỏng đảnh hơn. Có khi đi mòn chân cả ngày cũng chỉ được dăm ba lạng, đủ nấu nồi canh nhỏ. Anh Nguyễn Đức Khá, ở đội 4 thôn Nãi Sơn cho biết: Món ăn duy nhất mà người dân Nãi Sơn chế biến từ thún là món canh. Ngon nhất là canh thún nấu với ngạch biển. Nay do cá ngạch ngày càng hiếm, người ta dùng cá rô đồng, cá trê, cá quả, thậm chí cả chim bồ câu để thay thế. Để có nồi canh thún ngon người ta phải chế biến rất cung phu. Khi vớt thún về thì phải ngâm với nước mưa, rửa thật sạch rồi cho vào nồi luộc. Ở đáy nồi và chung quanh lót một lớp là chuối hột. Sau khi đun sôi kỹ thì đổ ra rửa sạch cùng với nước mưa, đổ ra rá tre để ráo nước. Còn cá sau khi bóc mang, ruột, vảy rửa sạch, cho vào nồi luộc kỹ. Sau đó gỡ phần thịt đem phi thơm với hành khô băm nhuyễn. Còn xương và đầu, bỏ vào cối giã lọc lấy nước nấu canh. Các loại rau và gia vị gồm có rau muống, rau rút cây gừng tươi, sả thái nhỏ, ớt thái lát, gừng băm nhuyễn.Khi nấu thì cho nước lọc cá vào đun sôi cho các loại rau, gia vị, thịt cá vào. Riêng rau muống và lá gừng thì cho sau cùng. Sau khi nêm gia vị vừa ăn, đổ thún vào chờ cho sôi lại, rồi bắc nồi ra, ăn lúc còn nóng hổi.

Hiện cả thôn Nãi Sơn mặc dù nhà nào cũng ăn thún, nhưng chỉ duy nhất nhà anh Khá nấu canh thún bán vào buổi chiều. Anh Khá cho biết ngày nào cũng vậy chưa đầy 1 tiếng, từ 16h đến 17h, nồi canh thún hơn 20 lít hết veo.Người đến muộn nhiều khi giận dỗi. Nhưng khi ra về bao giờ cũng dặn với lại, mai nhớ để phần bát canh…

Vào mùa thún nổi, món canh thún được người dân trong thôn lựa chon ưu tiên trong bữa cơm để đãi khách. Trăm bữa như một, có khi thịt cá còn thừa đầy, nhưng canh thún chẳng bao giờ ế. Cũng vì canh thún vừa lạ, vừa ngon mà tiếng tăm lan xa nhiều nơi. Nhiều người cất công từ Hà Nội, Hưng Yên tìm về, có khi chờ 1-2 ngày, chỉ để được thưởng thức canh thún. Sau bữa cơm, lại vội vội vàng vàng đùm một vài túi canh, nhanh nhanh chóng chóng bắt xe mang về nhà, để người thân cùng thưởng thức.

Viết bình luận