Về miền đất học Xuân La

Về miền đất học Xuân La

Văn miếu Xuân La (xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy) có kiến trúc cổ kính, nép mình dưới bóng đa già, ẩn mình trong bạt ngàn màu xanh của tre trúc, vườn cây, nổi bật giữa hai ngọn núi hữu tình: núi Đối, núi Chè. Trước cửa Văn Quán đường, thầy đồ già nghiêng nghiêng nét bút vẽ thư pháp, quây chung quanh là tốp học trò từ nhiều miền quê về đây tìm hiểu về lịch sử văn miếu Xuân La, nơi từng là trường thi lớn của kinh đô Dương Kinh xưa.   

Trường thi của kinh đô ven biển

Ông Ngô Quang Khoát, nguyên cán bộ Phòng văn hóa thông tin huyện Kiến Thụy, người có công đầu  sưu tầm tài liệu về văn miếu Xuân La cho biết: “Trong bia ký trùng thuật Văn miếu huyện Nghi Dương có ghi, thời hậu Lê, có lần nhà vua vi hành về vùng Nghi Dương của phủ Kinh Môn, thấy sông núi hữu tình nên dừng lại nghỉ chân. Sau khi tuần xét thấy trên đỉnh núi Đối có 5 tòa thạch, dáng hình như thánh tọa, vua cho rằng, đây là vùng đất địa linh nên cho phủ Kinh Môn xây văn miếu, tạc tượng Khổng Tử và các đệ tử của ông để tôn thờ. Văn miếu Xuân La được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, cách đây đã hơn 400 năm. Vào thế kỷ 16, nhà Mạc lấy Nghi Dương làm kinh đô thứ 2 (gọi là Dương Kinh), Văn miếu Xuân La được coi là một trường thi lớn của Dương Kinh, kinh đô ven biển. Hiện còn một số địa danh quanh văn miếu như Tràng trong, Tràng ngoài, cửa vua, Cửa phủ, quán đá…cho thấy thời kỳ đó văn miếu này là một trường thi lớn. Từ khi có văn miếu Xuân La, sự học ở đất Dương Kinh phát triển mạnh. Người khai khoa đình nguyên của huyện là tiến sĩ Nguyễn Nhân Khiêm (1469), sau đó, chỉ trong vòng 120 năm (1469-1592), huyện Nghi Dương có 12 người đỗ tiến sĩ, trong khi cả Hải Phòng, trong 600 năm mới có 102 vị tiến sĩ. Làng Lê Xá (thuộc xã Tú Sơn) được vinh danh là làng khoa bảng của Hải Phòng, có 7 tiến sĩ. Trong đó, có ông Bùi Phổ là thành viên hội tao đàn triều Lê, là một trong 28 ngôi sao sáng trong làng nho sĩ nước Việt thời bấy giờ”...

Tiếp nối truyền thống khoa cử

Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng các bà Chung Thị Gián, Nguyễn Thị Xoà, Ngô Thị Nhì và nhiều cụ bà khác trong làng vẫn ngày ngày chăm lo cho Văn miếu Xuân La. Họ là những người đi đầu trong việc vận động xã hội hóa, trùng tu văn miếu Xuân La có quy mô lớn như hiện nay. Bà Nguyễn Thị Xòa cho biết: “Năm 1997, khi một người dân trong làng đào ao tìm thấy được cây thạch trụ có 4 mặt ghi bằng chữ nho và một phần bức tượng bằng đá xanh. Thấy rõ giá trị văn hóa –lịch sử của những vật đào được, dân làng bàn nhau góp công, góp của dựng lại văn miếu, đưa những di vật đào được về thờ. Ban đầu, quy mô của văn miếu còn khiêm tốn, chỉ có một miếu nhỏ để hương khói thờ thánh hiền, một quán tư văn để dân làng và học sinh đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử văn miếu. Năm 2000, UBND xã Thanh Sơn  quyết định quy hoạch 1800 m2 đất có nền văn miếu cũ để làm lại văn miếu, đồng thời giao chi hội người cao tuổi thôn Xuân La vận động xây dựng lại văn miếu. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất vườn, đất thổ cư cho việc xây dựng văn miếu. Sau 2 năm tích cực vận động, đến năm 2002, làng Xuân La xây dựng được 5 gian nhà chính của văn miếu, cung thánh cùng đồ thờ tự, hoành phi, câu đối với tổng kinh phí từ xã hội hóa lên tới gần 600 triệu đồng”. Hiện văn miếu Xuân La được xây dựng lại trên nền đất cũ rộng 1800m2 gồm 1 cung thánh 2 tầng mái đao, lợp ngói vẩy cá; toà văn thánh 3 gian thờ Khổng Tử ở chính giữa, 2 bên tả và hữu thờ bia ghi văn thánh kiến trúc theo kiểu thuận chồng, mái ngoài bít nóc đao cong, lợp ngói vẩy.

Ông Vũ Duy Thất, trưởng ban quản lý khu di tích văn miếu Xuân La báo tin vui: “Tháng 8- 2010, văn miếu Xuân La đã được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Từ nhiều năm nay, ngoài lễ thánh và tưởng nhớ hiền tài vào ngày 18 tháng Giêng, văn miếu Xuân La là nơi tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi của huyện, xã và các dòng họ trong làng. Đây còn là nơi câu lạc bộ thơ Dương Kinh tổ chức ngày thơ Việt Nam hằng năm, nhiều cuộc giao lưu văn hóa với các nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp có tiếng trong nước đã được tổ chức thu hút học sinh từ nhiều địa phương tham gia. Đặc biệt, phong trào học tập ở ngay trên đất Xuân La có sự chuyển biến lớn. Trước năm 1997, trong làng rất ít con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, nhưng những năm gần đây, trung bình mỗi năm làng có 5-6 học sinh đỗ đại học. Hai năm trước, làng Xuân La có cháu Ngô Khương Duy, con ông Ngô Đình Nối, đoạt huy chương vàng toán quốc tế. Các dòng họ ở Xuân La đều xây dựng quỹ khuyến học, duy trì phong trào tuyên dương các cháu học giỏi. Xuân La đang dần trở thành vùng đất hiếu học, tiếp nối truyền thống khoa cử của quê hương khi xưa”.

Kim Oanh

Bình luận

pneusly

pneusly - 11/06/2022 04:22:30

Florencio LxRManQLaG 6 18 2022 generic name for cialis 5 in letrozole group and 8

Ruinolf

Ruinolf - 04/02/2022 05:25:39

Amoxil Meds Vsezfl https://oscialipop.com - Cialis Baclofen Vente En Canada Waiszs tomar viagra embarazo cialis pills for sale Cialis 20 Mg Si Puo Dividere https://oscialipop.com - soft tab cialis

Viết bình luận