Về Dương Kinh ngày giỗ Thái Tổ Mạc Đăng Dung

Về Dương Kinh ngày giỗ Thái Tổ Mạc Đăng Dung

Trung tuần tháng tám, trong tiết trời thu se lạnh, chúng tôi hòa mình vào dòng người về huyện Kiến Thụy, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc được xây dựng trên nền móng của điện Tường Quang thuộc cố đô Dương Kinh xưa. Năm nay, người dân trong huyện, du khách thập phương và con cháu Mạc tộc nườm nượp về đây thành kính thắp nén nhang tri ân Thái Tổ Mạc Đăng Dung trong lễ kỷ niệm 475 năm ngày mất của ông.

          

1. Hai ngày trước lễ kỷ niệm, tại đây tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử, pháp lý”, một trong số nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong 3 ngày, từ 20 đến hết 22-9 (20 đến 22-8 âm lịch). Đây là lễ hội truyền thống hằng năm nổi tiếng của huyện Kiến Thụy, tưởng nhớ và tri ân người có công khai sáng vương triều Mạc cũng như giáo dục truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” tới lớp lớp con cháu.

Anh Ngô Minh Khiêm, Trưởng Ban quản lý khu di tích, không phải người Mạc tộc, nhưng tâm huyết của anh với vương triều phát tích trên quê hương có lẽ là số một. Gắn bó từ khi khu tưởng niệm được khánh thành (tháng 12-2010) ở cương vị Trưởng Ban quản lý, mỗi năm 2 dịp lễ hội (khai bút đầu xuân và kỷ niệm ngày mất Thái Tổ Mạc Đăng Dung), anh cùng với các cộng sự đang làm việc tại đây và một số sở, ban, ngành thành phố, chính quyền địa phương, nhiều đêm thức trắng cùng hàng trăm, hàng nghìn chuyến ngược xuôi mời khách, vận động tài trợ, lo công tác tổ chức. Riêng hóa đơn thanh toán điện thoại, có khi dài tới cả mét.

Với công sức, tâm huyết của nhiều người, trong đó có “lão thủ nhang” (danh tự do anh Khiêm tự nhận), ngoài phần lõi rộng 2,5 ha được hoàn thiện, khuôn viên khu di tích 10,5 ha dần định hình với nhiều hàng cây xanh thẳng tắp, khu vườn thư pháp bằng đá độc đáo cùng những luống hoa quanh năm ngào ngạt hương sắc. Vì thế, Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc trở thành một trong những điểm tham quan của thành phố Cảng quanh năm níu giữ bước chân du khách.

2. Trong bầu không khí trang nghiêm và thành kính, đúng 8 giờ sáng 22-9, lễ kỷ niệm bắt đầu. Trời đang sầm sì bỗng bừng lên nắng vàng rực rỡ khi Trưởng Ban quản lý khu di tích tấu chúc văn ghi nhớ công lao Mạc Thái Tổ. Trước đó là các tiết mục văn nghệ do Đoàn Chèo thành phố biểu diễn và màn múa cờ, múa võ mà tâm điểm là bài võ với phiên bản thanh Định Nam Đao tương truyền khi xưa Thái Tổ Mạc Đăng Dung dùng khi ra trận. Dù bị thời gian bào mòn khiến phần sắt hoen gỉ nhiều, nhưng “bản chính” thanh đao hiện được thờ tại hậu cung còn nặng tới 25,5 kg. Điều đó chứng tỏ, người sử dụng phải có sức khỏe phi thường. Nếu đem so sánh, trọng lượng của thanh đao này (khoảng hơn 30 kg khi chưa hoen gỉ) chẳng kém mấy so với thanh Yển Nguyệt Đao, tương truyền khi xưa Quan Vũ dùng (nặng hơn 36 kg). Được biết, UBND huyện Kiến Thụy đang tích cực hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận “Bảo vật quốc gia” đối với thanh đao có tuổi đời hơn 500 năm này.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, cùng với ghi nhớ công lao và những đóng góp về cả kinh tế- xã hội, văn hóa- giáo dục lẫn ngoại giao của Mạc Thái Tổ và các vua nhà Mạc, lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược của người có công khai sáng vương triều Mạc khi xây dựng Dương Kinh, kinh đô “hướng ngoại” (hướng ra biển) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Suốt 150 năm tồn tại (65 năm với tư cách là một triều đại thống nhất), các vua nhà Mạc bảo vệ đất nước khỏi nạn giặc ngoại xâm. Quãng thời gian dời đô lên Cao Bằng, kéo dài 84 năm và trải qua 3 đời vua (1593-1677), chưa một lần các vua nhà Mạc hay quần thần có ý tưởng dựa vào sức mạnh ngoại bang nhằm lấy lại kinh đô Thăng Long.

Sau khi Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn trao bằng công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, ông Thái Khắc Việt, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, bước lên bục nghẹn ngào nói lời cảm ơn lãnh đạo thành phố, địa phương cũng như đông đảo người dân Hải Phòng quan tâm, tri ân các vua nhà Mạc cũng như con cháu Mạc tộc. Ông Việt vui mừng thông báo những việc làm tri ân, tưởng nhớ các vua nhà Mạc trên phạm vi cả nước trong thời gian qua, như phục dựng điện Sùng Đức (tổ đường họ Mạc Việt Nam) ở tỉnh Hải Dương, xây dựng đền thờ vua Mạc Kính Vũ ở tỉnh Vĩnh Phúc, đặt tên phố Mạc Thái Tổ (đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt phố Trung Kính) và phố Mạc Thái Tông (đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, tiếp nối phố Vũ Phạm Hàm) ở thủ đô Hà Nội… Trong năm 2017, Hội đồng Mạc tộc Việt Nam phấn đấu hoàn thiện 500 từ đường họ Mạc trên toàn quốc.

3. Lễ kỷ niệm năm nay chứng kiến nhiều sản vật nổi tiếng trên toàn quốc được các chi họ Mạc dâng tiến tri ân, tưởng nhớ Thái Tổ Mạc Đăng Dung và các vua nhà Mạc. Thấp thoáng trong dòng người nghiêm trang, thành kính tiến vào đền thờ, có những mâm lễ với chuối ngự của chi họ Mạc tỉnh Hà Nam; bưởi thanh trà của chi họ Mạc tỉnh Thừa Thiên- Huế; bưởi Lâm Động, thuốc lào tiến vua của chi họ Mạc thành phố Hải Phòng; bánh gai, bánh đậu xanh của chi họ Mạc tỉnh Hải Dương; nhãn lồng, vải thiều của chi họ Mạc tỉnh Hưng Yên… Những đặc sản này thể hiện tình đoàn kết trong mâm đại lễ dâng tiến ngày giỗ vua.

Với việc được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố, cùng với những lễ hội đặc sắc như khai bút đầu xuân (mồng 6 tháng Giêng) và kỷ niệm ngày mất Thái Tổ Mạc Đăng Dung (22-8 âm lịch), Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, đình Kim Sơn, đền Gắm, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…, tạo nên các tour du lịch điểm đến văn hóa, tâm linh hút khách. Tuy nhiên, để trở thành “thương hiệu” du lịch đất Cảng, cần thêm nhiều công sức, tiền bạc để hoàn thiện khuôn viên khu di tích. Cùng với đó, bố trí các điểm nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi hợp lý cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá để du khách thấy được ý nghĩa văn hóa- lịch sử mà quyết định lựa chọn là điểm đến trong hành trình tham quan, khám phá đất Cảng. Có như vậy mới khắc phục thực trạng, chỉ nhộn nhịp trong dịp lễ hội để rồi thưa vắng trong suốt những ngày còn lại như hiện nay.

Thái Phan

 

Viết bình luận