Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những điểm sáng trong sáu tháng đầu năm

Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những điểm sáng trong sáu tháng đầu năm (09/06/2017)
 

Quyết tâm bảo tồn văn hoá truyền thống từ chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Ảnh: Tr.Huấn

VH- Ghi nhận quyết tâm cao trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống và bước đầu tạo ra hướng đi nhằm khai thác khía cạnh kinh tế từ các giá trị văn hóa của Bộ VHTTDL từ chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn.

 

Chủ trương đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng song song với việc phát triển thể thao thành tích cao, chấn chỉnh đạo đức, phòng chống tiêu cực trong thể thao nói chung cũng như bóng đá nói riêng... đã tạo ra những bước thay đổi tích cực.

Du lịch Việt Nam đã đạt được những bước tiến vững chắc. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5.257.000 lượt khách, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016. Khách tăng, tổng thu từ khách du lịch tăng, đóng góp của ngành Du lịch không ai có thể phủ nhận được...

Trên đây là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội, các chuyên gia khi đề cập những thành tựu cũng như công tác quản lý của ngành VHTTDL trong sáu tháng đầu năm 2017. 

Sát sao và quyết liệt chấn chỉnh không chỉ thể thao mà các lĩnh vực khác cũng sẽ thay đổi

 Trong một năm qua, thể thao VN dành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bên cạnh sự đầu tư đúng mức, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ là yếu tố đặc biệt quan trọng. Tại Rio de Janeiro, trong vai trò Bộ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã sang Brazil thăm Đoàn Thể thao Việt Nam và có nhiều chỉ đạo sâu sắc, đồng thời khích lệ được tinh thần của các huấn luyện viên, vận động viên. Tại giải đấu này, Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên giành HCV, thiết lập kỷ lục Olympic cho Thể thao Việt Nam và sau đó là thêm 1 HCB, giúp cho Thể thao Việt Nam từ vị trí một nước chưa từng có HCV Olympic đã đường hoàng có được vị trí trong bảng xếp hạng chung, trở thành 1 trong 6 quốc gia lần đầu tiên đoạt HCV tại Đại hội. Thêm vào đó là thành công rực rỡ của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thể thao Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tích, nổi bật như chiếc HCB tại Cúp Bắn súng thế giới của Hoàng Xuân Vinh hay như chiếc HCV châu Á đầu tiên ở môn TDDC, do công của Lê Thanh Tùng...

Cùng với những thành tích đã đạt được, thời gian gần đây dư luận quan tâm và tán thành việc Bộ VHTTDL chủ trương đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng song song với việc phát triển thể thao thành tích cao, chấn chỉnh đạo đức, phòng chống tiêu cực trong thể thao nói chung cũng như bóng đá nói riêng. Tôi tin với một con người quyết liệt như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, không chỉ ngành thể thao mà tất cả các lĩnh vực khác của Bộ rồi cũng sẽ có bước thay đổi.  (Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam HOÀNG VĨNH GIANG) 

Chủ trương đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng song song với việc phát triển thể thao thành tích cao đã nhận được sự hưởng ứng của mọi người. Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu và người dân tham gia Ngày chạy Olympic Vì sức khoẻ toàn dân 2017 tại huyện A Lưới, TT Huế (tháng 3.2017) 

Dư luận hoan nghênh việc chấn chỉnh đạo đức sân cỏ

 Là một người công tác lâu năm trong lĩnh vực bóng đá, tôi luôn theo dõi những hoạt động của bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Trong thời gian qua, thể thao Việt Nam và bóng đá nói riêng đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Cái nhìn thấy ngay được là sự quyết liệt của Bộ khi chỉ đạo phải xây dựng văn hóa trong ứng xử trong thi đấu, không chỉ sau sự cố tại AFF Cup mà trước đó Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Điều đó đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức, trong tư duy một cách toàn diện, từ phía các câu lạc bộ, huấn luyện viên, cầu thủ đến các cơ quan quản lý, tổ chức các hoạt động bóng đá là VFF, VPF. Thực ra đây là “căn bệnh” lâu năm, khó chữa của bóng đá Việt Nam nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ, của Tổng cục TDTT, VFF mọi thứ đang dần thay đổi. Tất nhiên sự thay đổi lại cần phải có thời gian và không phải ngay một lúc mà có thể thay đổi được một vấn đề đã tồn tại trong mấy chục năm trước đó.

Ở các lĩnh vực khác, tôi thấy cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chẳng hạn báo chí đã đưa tin về việc Bộ VHTTDL có nhiều hành động để thúc đẩy thể thao quần chúng như phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Hội Người cao tuổi… để đẩy mạnh các hoạt động thể thao, nhằm nâng cao thể chất cho mọi người, từ các cháu học sinh đến người lao động, người cao tuổi… Rồi cùng với đó là các hoạt động nhằm hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em. Hay như thể thao thành tích cao là tập trung vào việc phát triển các môn thể thao trọng điểm rồi tập trung vào việc phòng chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao, nhất là trong bóng đá… Tôi thấy những nỗ lực đó là đáng để ghi nhận và cần tiếp tục phát huy để thể thao nước nhà nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng có bước phát triển mới. (Chuyên gia bóng đá NGUYỄN THÀNH VINH)


Du lịch Việt Nam đang lột xác

Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Du lịch Việt Nam đã đạt được những bước tiến vững chắc. Năm 2016, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10.012.000 lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015; tổng số lượt khách du lịch nội địa trong năm 2016 đạt 62 triệu lượt khách, trong đó khách có lưu trú đạt 29,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch (bao gồm tổng giá trị xuất khẩu và tiêu dùng trong nước) ước đạt 400.700 tỉ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5.257.000 lượt khách, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Khách tăng, tổng thu từ khách du lịch tăng, đóng góp của ngành Du lịch không ai có thể phủ nhận được.

Thời gian vừa qua cũng hình thành một loạt những thương hiệu du lịch nổi tiếng ở trong nước như Sun Group, Vin Group, FLC, Mường Thanh, BIM, Tuần Châu… và hàng loạt những địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam thu hút rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế như: Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, Ninh Bình…

Một số sự kiện du lịch đã mang tính chuyên nghiệp và đạt được hiệu quả thu hút du khách cao như: Festival Huế, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng…

Lực lượng lao động trong ngành Du lịch cũng được cải thiện tích cực, tăng trung bình 20%/ năm, dù vẫn còn thiếu và yếu nhưng cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng và phát triển.

Đấy là những sự lột xác chưa từng có của Du lịch Việt Nam và nó khẳng định Du lịch Việt Nam đang tiệm cận với xu hướng và sự phát triển của thế giới. (Ông PHÙNG QUANG THẮNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)

Cuộc “cách mạng” của ngành Du lịch

Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đơn vị lữ hành và những người làm du lịch chân chính đều rất tâm đắc và vui mừng bởi hàng loạt điểm mới trong nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã đề cập. Nếu được thông qua, Luật này sẽ mang lại những chuyển biến rất tích cực cho toàn thể du lịch Việt Nam.

Trong đó gây ấn tượng nhất với tôi chính là những nội dung thể hiện tính đột phá trong lĩnh vực lữ hành. Xưa nay lực lượng HDV (có nghề và đáp ứng đúng tiêu chí, bằng cấp) luôn thiếu trầm trọng, gây nên hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng đối tượng lao động vừa đáp ứng tiêu chuẩn vừa có bản lĩnh để đảm bảo chất lượng các tour, tuyến trong hành trình... Thì nay trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có rất nhiều bước tiến quan trọng, giúp các doanh nghiệp “gỡ rối” vấn đề trên so với Luật hiện hành. Cụ thể là tiêu chuẩn bằng cấp HDV quốc tế đã xuống ngang bằng với HDV nội địa (chỉ khác nhau ở trình độ ngoại ngữ, không còn đòi hỏi “cứng nhắc” là phải có bắt buộc có bằng đại học mới được cấp chứng chỉ HDV quốc tế như trước đây). Điều này là vô cùng cần thiết bởi không có nước nào trong khu vực quy định về HDV phải bắt buộc tốt nghiệp đại học như chúng ta hiện nay cả. Những quy định mới này trong Luật Du lịch (sửa đổi) không chỉ giúp cho chúng ta giải quyết bài toán khan hiếm HDV đang rất “nan giải” mà hàng loạt các khó khăn khác cũng sẽ được tháo gỡ đồng bộ. Tôi cho rằng đây chính là một cuộc “cách mạng” lớn của ngành du lịch mà những người yêu nghề hằng trông đợi, hứa hẹn tạo nên những bước tiến mới ngoạn mục thời gian tới… (Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch dã ngoại Lửa Việt)

Kinh phí chi cho xúc tiến du lịch quốc gia thậm chí còn thua một doanh nghiệp

Thời gian gần đây xúc tiến du lịch của Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn, tham gia nhiều sự kiện hội chợ lớn trên thế giới để giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam ở thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, công tác xúc tiến du lịch của ta vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao và quan trọng là ngân sách đầu tư cho xúc tiến du lịch quá ít (chỉ khoảng 2,5 triệu USD/năm trong khi một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore chi khoảng 100 triệu USD/năm để làm xúc tiến). Tiền đầu tư cho xúc tiến du lịch của quốc gia thậm chí còn thua những doanh nghiệp lớn. Tôi biết có doanh nghiệp lữ hành trong năm 2016 chi hơn 70 tỉ cho xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thu hút khách.

Hiện nay, Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài. Công ty chúng tôi hiện đang có văn phòng xúc tiến du lịch ở Mỹ, Pháp, Campuchia và sắp mở ở Singapore, Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ làm quy mô của doanh nghiệp thôi. Muốn xúc tiến du lịch quốc gia thì cần thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài mới có thể đảm đương nổi. (Bà TRẦN VIỆT HƯƠNG, Giám đốc Ban tiếp thị Cty Du lịch Vietravel)

Quyết tâm bảo tồn văn hoá truyền thống từ chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn Ảnh: Tr.Huấn

Quyết tâm cao của Bộ VHTTDL trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi, truyền thống

 Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm ngoái là một cơ hội rất thuận lợi cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, gắn liền với quan điểm trụ cột trong Nghị quyết 33: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nhìn vào thực trạng với không ít tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch đang chưa được khai thác hiệu quả, có thể thấy rằng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ sớm trở thành một giải pháp góp phần “đánh thức” những tiềm năng đã “ngủ quên” lâu nay. Vì thế, tôi cho rằng, ngành VHTTDL cần xác định việc triển khai Chiến lược là một mũi nhọn trong các định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để thực hiện được thành công mục tiêu, chỉ số cụ thể trong Chiến lược thì có rất nhiều yếu tố tác động, không chỉ là sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần đến sự nỗ lực, sáng tạo của từng cá nhân. Một bộ phim, một show diễn ca nhạc hay tác phẩm sân khấu… muốn thực hiện được mục tiêu khai thác các giá trị kinh tế thì trước hết phải mới mẻ và hấp dẫn. Nếu nghiêm túc và gò ép quá cũng sẽ kìm kẹp những yếu tố kích thích khả năng và tâm huyết sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ. Đây chính là bài toán cần tìm được sự dung hòa trong quá trình triển khai Chiến lược.

Mặt khác cũng xin lưu ý, trong sự xuống cấp của nhiều giá trị văn hóa hiện nay, dư luận thường nhắc đến những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường. Do đó, khi đặt vấn đề khai thác các giá trị kinh tế trong văn hóa chúng ta cũng không thể bỏ qua những tác động hai chiều, cả tích cực và tiêu cực giữa văn hóa và kinh tế. Không thể cứ mải mê chạy theo đồng tiền mà lãng quên nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hóa cốt lõi, truyền thống. Ở góc độ này, tôi nhận thấy quyết tâm cao của Bộ trong chủ trương đưa các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Chủ trương này trong năm vừa qua đã tạo nên một cú hích quan trọng trong nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho công chúng, kích thích nhiệt huyết sáng tạo đối với các Nhà hát và giới văn nghệ sĩ; vừa bảo tồn, quảng bá cho các loại hình văn hóa truyền thống, vừa bước đầu tạo ra hướng đi nhằm khai thác khía cạnh kinh tế từ các giá trị văn hóa. (Ông NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên đại biểu Quốc hội

Đừng để siêu thị, khách sạn, nhà hàng... “lấn át” các thiết chế văn hóa, thể thao

Một kết quả rất đáng ghi nhận trong những nỗ lực của ngành VHTTDL nhiều năm qua là những tác động thiết thực của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở tới đời sống cộng đồng, với các hoạt động đang từng bước được mở rộng, trở nên gần gũi và ngày càng phù hợp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhiều tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đang tồn tại một thực trạng khiến ngành văn hóa ở nhiều địa phương không khỏi lo lắng, đó là sự “lấn át”, thậm chí là “đánh đổi” những yếu tố thuận lợi dành cho các thiết chế phục vụ sinh hoạt của cộng đồng cho các công trình phục vụ mục đích kinh doanh, vì lợi nhuận. Đã có thời ở các địa phương, nơi nào có vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất thì sẽ là vị trí dành cho một công trình văn hóa, có thể là hiệu sách nhân dân, nhà văn hóa hay thư viện, bảo tàng… Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều nơi đã dành những ưu tiên số một đó cho sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, siêu thị… Ngược lại, không ít nơi hẻo lánh, xa xôi lại trở thành là địa điểm dành cho các công trình văn hóa. Đó là một thực tế đáng buồn và không phải là hiếm gặp nữa.

Tôi được biết, ngành VHTTDL cũng đã xác định một nguyên nhân dẫn đến sự phát triển cũng như hiệu quả hoạt động còn hạn chế của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước chính là quỹ đất dành cho các công trình này chưa được quan tâm đúng mức. Đây là một vấn đề cần tháo gỡ bằng các định hướng, giải pháp cụ thể. Thành phố nào, địa phương nào mà công trình bảo tàng bị thu hẹp, thư viện ở góc khuất, nhà văn hóa bị lãng quên… thì ở đó, chất lượng các hoạt động văn hóa rất hạn chế. Thậm chí nhiều nơi, sự lấn át của các công trình nặng yếu tố thương mại còn khiến cho sức mạnh từ các hoạt động văn hóa công trở nên bị tê liệt, công chúng thiếu thốn những địa chỉ văn hóa gần gũi để tìm đến. Vì vậy, ở thời điểm này rất cần thiết có được những quy hoạch hợp lý cho sự phát triển, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao ở từng cấp, thay vì chỉ chăm chăm phát triển những chuỗi nhà hàng, khách sạn, siêu thị hay trung tâm thương mại…(TS TRẦN HỮU SƠN, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian VN)

Phương Anh (thực hiện)

Viết bình luận