Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 8

Tiểu thuyết Mạc Đăng Dung Phần 8

Một sáng Quảng vụ Thái giám Nguyễn Nhữ Vi vào tâu với Tương Dực rằng Điển sự Thái giám Nguyễn Khắc Hài trở lại cung, xin được vào yết kiến

 

Tương Dực cho vào. Nguyễn Khắc Hài sụp lậy trước bệ rồng, trình bày rằng do trước đây trót tận tuỵ với Mẫn Lệ nên sợ hãi mà phải trốn tránh, nay thấy nhà vua mở lượng khoan hồng nên quay lại, nguyện làm chân hoạn quan hạ đẳng, chỉ mong được tha tội chết. Tương Dực cười:


- Ngươi quá lo xa! Ngươi xem ta có giết một quan hoạn nào không? Đến như Nhữ Vi ta còn cho giữ nguyên chức nữa là. Nhưng phép trời phải nghiêm. Các vị đại thần vừa soạn xong và trình ta 50 điều Trị bình bảo phạm, đấy là cái gốc của luật pháp để củng cố kỷ cương, giáo hoá dân chúng, khắc phục tình trạng rối loạn của thời Đoan Khánh. Căn cứ vào đấy mà xét thì ngươi mắc tội đào tẩu, do vậy ta thuận để ngươi làm chân Cung phụng Thái giám, hạ đẳng.

 

Khắc Hài sụp lậy.

Từ đấy các quan đại thần và người trong cung lại thấy Khắc Hài như ngày mới vào cung, cặm cụi làm đủ các việc vặt vãnh như quét tước, gánh nước, bổ củi, giã gạo. Có điều y không còn nhanh nhẹn như trước vì đã có tuổi, nếu như không có ai xung quanh, y còn dừng các việc, vòng tay ra đằng sau đấm lưng thùm thụp. Không còn hình ảnh của viên Điển sự Thái giám Đường Trung hầu oai vệ năm nào! Một hôm Khắc Hài nhờ một hoạn quan trong cung tâu với vua Hồng Thuận rằng Tu dung của Mẫn Lệ là Trần Thị Xuân Trúc muốn vào cung hầu vua. Tương Dực bèn cho gọi Khắc Hài vào hỏi cho rõ chuyện. Khắc Hài tâu: Vì thấy vua Hồng Thuận độ lượng cho gọi Lê phi nên Trần Tu dung cũng muốn được như vậy. Tương Dực nói:

 

- Trẫm đã có Lê phi thì cần chi ai nữa!

Khắc Hài nói:

 

- Tâu bệ hạ chuyện không chỉ vậy. Kẻ hạ thần biết hiện nay bệ hạ rất mong có hoàng tử vì Hoàng hậu chỉ sinh được ba công chúa, các bà khác thì thần không rõ thế nào. Nếu bệ hạ cho nàng Trúc vào hầu thì điều bệ hạ mong mỏi nhất định sẽ được. Còn như bệ hạ có yêu chiều nàng hay chỉ cần Lê phi thì lại là chuyện khác.

 

- Tại sao lại như thế?

- Tâu bệ hạ, trong một tháng, đàn bà con gái ai cũng chỉ có 26 ngày là đàn ông gần gũi được. Trong 26 ngày ấy họ chỉ có mươi ngày là ham muốn thực sự, mà trong mươi ngày đó chỉ có một ngày là chắc chắn thụ thai, trong ngày hôm ấy thì khả năng sau này sinh con trai chỉ vào một giờ nhất định.

- Chưa thấy một ai nói với trẫm như vậy. - Khanh biết rõ thế và hầu Mẫn Lệ đã lâu, tại sao Mẫn Lệ mãi không có con?

 

- Tâu bệ hạ, thực ra Trần Hoàng hậu đã sinh hoàng tử nhưng không nuôi được. Còn sau đó Mẫn Lệ không chịu nghe lời thần, ham mê vô độ, tuỳ tiện nên không thể có con cũng phải.

- Vậy giờ ấy, ngày ấy là lúc nào?

 

- Mỗi người một ngày một giờ khác nhau, để biết được lúc đó phải rất kỳ công. Với nàng Trúc thì là canh ba ngày 25 tháng Tư này.

 

- Vậy thì hôm ấy khanh đưa nàng Trúc đến cho trẫm. Được như ý trẫm sẽ trọng thưởng.

- Trong vườn Thượng uyển có lầu gọi là lầu Vọng Nguyệt. Nàng Trúc lần đầu tiên hầu Mẫn Lệ là trên đấy. Bệ hạ ở trong cung nhiều rồi nên có một hôm ra đấy xem sao. Bệ hạ sẽ thấy giữa thiên nhiên, chuyện đó thật tuyệt diệu.

 

Đêm 25 ấy lại vô tình trùng với đêm thơ, Nguyễn Khắc Hài không biết điều đó bởi lệ từ thời Tương Dực mới có. Tuy nhiên vẫn may vì đêm thơ thường chỉ cuối canh hai là dứt.

 

Khoảng giữa canh một, Tương Dực cùng mấy hoạn quan và cung nữ ra chơi cung Trùng Hoa, rồi qua điện Vạn Thọ, điện Cẩn Đức, điện Kính Thiên. Tại điện Kính Thiên, đông đảo đại thần văn võ đã chờ sẵn. Tất cả lại cùng nhau ra vườn Thượng Uyển để tới lầu Vọng Nguyệt. Tương Dực lên lầu còn các quan ở bên dưới. Tương Dực nói:

 

- Đêm thơ hôm nay chỉ đúng đến cuối canh hai thôi đấy vì trẫm có việc.

Các cung nữ bắt đầu tấu nhạc làm nền. Quan hàn lâm cũng đã chuẩn bị xong giấy bút để chép thơ. Tương Dực nói:

 

- Trẫm xin xướng câu quốc âm thừa đề: “Đêm đẹp này đâu nỡ bỏ hoài”.

- “Ôm đàn xin chớ khúc bi ai” - Nguyễn Văn Lang tiếp ngay đấy.

- “Xuân hết, nắng vàng như sáng láng ” - Trịnh Duy Đại rung đùi đọc và quay về phía Lê Quảng Độ, có ý mời làm tiếp.

Quảng Độ nói:

 

- Nói chung những anh làm câu thứ ba đều là anh khôn vì toàn đặt anh làm câu tiếp vào thế bí khiến dễ bị thất niêm. Nhưng tôi cứ liều đọc, có gì xin bệ hạ và các quan châm chước: “Hạ về, gió rét cũng nguôi ngoai”.

Đọc xong, Quảng Độ nhìn Lương Đắc Bằng. Đắc Bằng gật đầu, chiêu ngụm nước rồi đọc:

- “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”.

 

Vua Tương Dực khẽ vỗ tay thưởng cho câu thơ hay.

Đàm Thận Huy tiếp:

- “Ngày vắng hái hoa vịn mây”.

Tương Dực lại vỗ tay. Nhà vua ra hiệu cho Vũ Quỳnh.

- “Chim kêu ríu rít làm bầu bạn”.- Vũ Quỳnh đọc.

- “Khách trần ai có biết chăng ai?”- Lê Hy đọc câu cuối cùng.

Tương Dực nói:

 

- Hôm nay đêm thơ kẻ xướng người hoạ thế là được. Bây giờ trẫm mời các khanh mỗi người một chén rượu rồi chia tay.

Mọi người lục tục ra về, chỉ còn quan nội thần Nguyễn Lĩnh, Đô lực sĩ Hữu Vĩnh và các hoạn quan, cung nữ. Mãi chưa thấy Khắc Hài đưa nàng Trúc đến nên Nguyễn Lĩnh rước vua ra hồ sen cho khuây khoả lúc chờ đợi.

 

Dường như không ai chú ý đến một hoạn quan vừa mới xuất hiện, y cũng cầm quạt nhưng đến gần vua mới mở, lấy trong quạt ra một vật sáng loáng. Mấy hoạn quan gần đó vừa kịp nhận ra con dao trong tay tên hoạn quan ấy thì cũng là lúc nó đâm thẳng vào nhà vua. May sao Tương Dực nhanh mắt nên kịp lấy người cung nữ đang đứng bên cạnh để đỡ, nhát dao trúng ngay cổ cung nữ, máu toé khắp xung quanh. Đám cung nữ kẻ chạy té tát, kẻ dúm vào nhau, hoạn quan thì cố lấy người che chở vua, đánh trả tên hoạn quan nọ và không ngớt hô hoán gọi người ứng cứu. Cung sự Thái giám Ngô Khoái bị đâm tới ba bốn nhát vẫn sấn lăn vào che chở cho nhà vua. Kẻ hành thích đành phải nhảy qua bờ tường chạy thoát. Nhưng mấy hoạn quan đã nhận ra hắn, đó là Nguyễn Khắc Hài. Đô lực sĩ Hữu Vĩnh và Nguyễn Lĩnh cùng nhảy qua tường đuổi theo Khắc Hài.

 

Nhà vua vội vã trở về cung, tới nơi đỗ xe thì thấy mấy người coi xe đã bị giết, nằm la liệt. Một người còn thoi thóp kể Khắc Hài đã cướp long xa.

Khắc Hài dựng ra chuyện nàng Trúc muốn hầu Tương Dực, cốt lừa Tương Dực ra vườn Thượng Uyển vắng vẻ để ám hại nhưng bên nhà vua lắm người quá nên việc không thành. Khắc Hài bèn cướp chiếc xe của vua, đi về phía Đại Hồ. Một người chờ y bên cống Lâm Khang, đó là Đô lực sĩ Nguyễn Thọ. Khắc Hài nói:

 

- Xưa vua Hiến Tông trước khi mất có để lại cho Tiệp dư là Bạch Yến long thai, sau này Bạch Yến đã sinh hoàng tử. Ngài tên là Tùng, xưng là Hoa Khê vương, tuy tuổi còn trẻ nhưng thông minh, trí lực hơn người, ta nên lập làm vua. Không giết được Oánh nhưng tôi lấy được chiếc xe của y, nay ta đem xe đi đón vua mới rồi chiêu tập những người trung nghĩa kéo về kinh đánh đổ Oánh.

Nguyễn Thọ nghe theo. Ngay trong đêm, hai người tới phường Đông Hà, gặp Lê Tùng. Giờ Nguyễn Thọ mới biết Lê Tùng chỉ là đứa trẻ lên 7! Thấy Nguyễn Thọ có vẻ băn khoăn, Khắc Hài bảo: “Vua bé thì càng dễ cho chúng ta chứ sao! Tôi đã xin nhà vua cho tôi làm Thái sư, ông làm Thái uý, nhà vua đã nghe”. Nguyễn Thọ chịu theo. Y không biết Khắc Hài đang có âm mưu ghê gớm vì “Hoa Khê vương” thực ra là con người anh cả của Khắc Hài với Bạch Yến!

 

Khắc Hài bàn:

- Hiện nay trong tay chúng ta có mấy trăm quân Túc vệ trung thành với vua Đoan Khánh, nhân lúc Oánh đang hoảng hốt, ta đột kích bất ngờ vào kinh thành, có khi được. Tôi xin dẫn đường, đường đi lối lại trong hoàng thành tôi thuộc như lòng bàn tay.

 

Nhưng Khắc Hài và Nguyễn Thọ chưa kịp tiến quân thì Thọ Quận công Trịnh Hựu, Đô lực sĩ Hữu Vĩnh, Đô lực sĩ Cù Khắc Xương đã dẫn quân triều đình đến đánh.

Khắc Hài tỏ ra không hề sợ hãi, quát bọn Trịnh Hựu:

-Tôi trung không thờ hai chủ. Vua Đoan Khánh chưa hề bạc đãi các ngươi, các ngươi đã u tối theo tên phản thần Lê Oánh giờ lại nghe lệnh hắn đến đánh chúng ta, không biết xấu hổ sao? Biết điều thì hãy cùng chúng ta trở giáo quay về kinh hỏi tội tên Oánh, trả thù cho vua Đoan Khánh.

Trịnh Hựu cười:

 

- Sao ngươi ngu vậy? Hãy dỏng tai lên nghe ta nói đây: Mẫn Lệ là hôn quân bạo chúa, hắn chết đi cả thiên hạ đều mừng. Nay tốt nhất nên hạ giáo quy hàng may ra còn có đường sống!

Nguyễn Thọ điên tiết:

- Không nhiều lời! Hãy xem mũi tên của ta đây.

- Ha ha!- Khắc Xương ngửa cổ cười- Ta biết ngươi là Bộ cung thủ rồi, nhưng sao ngươi lại không nhớ ta từng là Mã cung thủ sao?

 

Nguyễn Thọ chẳng nói chẳng rằng, bắn luôn, tên cắm trúng chỏm mũ Khắc Xương. Khắc Xương nhổ chính mũi tên đó, bắn trả, cũng trúng chỏm mũ đối phương. Nguyễn Thọ vẫy quân xông lên. Hai bên xô xát dữ dội. Khắc Hài kiếm trong tay, đâm chém quyết liệt.

 

Bỗng phía hậu quân của Nguyễn Thọ, Khắc Hài nháo nhác rồi xuất hiện một viên tướng đánh thốc lên, đó là Trần Công Vụ. Công Vụ lắp tên, nhằm kỹ Nguyễn Thọ:

- Xem ta trả mối hận ngày trước ở Giảng Võ đây!- Công Vụ nói và bắn ngay, Nguyễn Thọ không kịp đề phòng, bị tên trúng vai, cứ thế đeo tên mà chạy.

 

Quân sĩ quá ít, Khắc Hài đành bế “Hoa Khê vương” thúc ngựa chạy về hướng Đông Hà. Quân triều đình đuổi riết phía sau. Biết không thể thoát, Khắc Hài quay lại quyết chiến, bị Hữu Vĩnh đâm một nhát giáo trúng đùi, quân sĩ ùa lại bắt được Khắc Hài và “Hoa Khê vương”. Tương Dực giết cả hai đồng thời sai người về quê Khắc Hài, bao nhiêu người trong gia đình giết hết, chỉ trừ Bạch Yến. Nguyễn Nhữ Vi vì đã đưa Khắc Hài trở lại cung nên bị giáng xuống làm Hộ thảng Thái giám, hạng á đẳng.

Cùng lúc ấy, có tin cấp báo Trần Tuân dẫn mấy vạn quân từ Sơn Tây kéo về kinh đòi trả thù cho Trần Hoàng hậu.

 

*

 

Sơn Tây, Hưng Hoá tuy rộng nhưng phần nhiều là đồi núi, ruộng nương ít nên cứ vào giáp hạt người lại nườm nượp kéo về Đông Kinh ăn xin, năm ấy lại bị nạn châu chấu, mùa màng mất sạch. Kho tàng hai nơi này không phải là không có thóc gạo nhưng muốn mở kho cứu đói phải được phép của triều đình, chẳng may triều đình lại gặp lúc rối loạn nên tấu tâu lên mà không có lệnh đưa xuống. Đói quá, dân chúng nhiều nơi đánh liều phá kho, quan quân bắt được, nhẹ thì trừng trị bằng roi vọt, nặng thì xử chém, nhưng không ít kẻ trốn được và tụ tập nhau thành từng đám cướp phá các nơi. Trần Tuân liền dựa vào rừng núi hiểm trở, tập hợp chúng lại, biết Tuân là hảo hán ở đời nên chúng theo rất đông, bao nhiêu kho tàng trong vùng chỉ trong hai, ba ngày bị lấy đi không còn một hạt thóc, đã vậy nhiều quan lại địa phương do ngăn cản nên bị trừng trị. Trần Tuân nói: “Ta là con cháu nhà Trần, thiên hạ đáng lẽ là của nhà Trần ta. Xưa Bình Định vương tuy có công dựng cờ nghĩa nhưng lúc đầu vẫn phải mời người nhà Trần lên ngôi mới giành lại được giang sơn. Nay khí số nhà Lê sắp hết, ta chính do trời sai xuống đây phục hưng lại nhà Trần”. Người các nơi nghe nói kéo tới Sơn Tây, Hưng Hoá tới hàng nghìn. Trần Tuân đặt bộ thự, lập tướng văn tướng võ, cát cứ cả một vùng rộng lớn.

 

Tuân cho người liên hệ với Trần Chân ở Thạch Thất cũng thuộc trấn Sơn Tây và Trần Cảo ở Đông Triều trấn Hải Đông, hẹn ngày cùng kéo quân về kinh đô. Trần Chân nổi giận: “Tuân tuy cùng họ với ta nhưng chẳng qua chỉ là một tên võ biền mang thói trộm cướp, ta đường đường thế này sao lại chịu làm tướng cho hắn!”. Trần Cảo thì đang ốm nên lưỡng lự không trả lời.

 

Nghe kinh đô có biến và Trần Hoàng hậu chết một cách thê thảm, Trần Tuân đau xót vô cùng, liền xé khăn trắng cho quân sĩ để tang rồi không chờ Trần Chân, Trần Cảo có hưởng ứng hay không, kéo toàn bộ binh lực Hưng Hoá thẳng hướng Đông Kinh, dọc đường dân chúng đi theo rất đông, đần dần đông tới hàng vạn người, toàn đám người rách rưới đói khát oán giận triều đình nên hết sức hung hãn. Tuân thu hết ngựa của mấy trại gần đấy như Tản Viên, Ba Vì, Tam Đảo nên không những quân bộ của Tuân đông mà quân kỵ cũng ngàn ngàn, đi đến đâu tiếng ngựa hí, tiếng người, tiếng binh khí chạm vào nhau nghe đinh tai, gươm giáo rờm rợp một góc trời, bụi cuốn mù đường. Chỉ trong hai ngày Trần Tuân đã từ Sơn Tây thẳng tới Từ Liêm, uy hiếp trực tiếp phía Tây kinh thành. Đó là mùa hè năm Hồng Thuận thứ 2, tức năm Canh Ngọ (1510).

 

Lúc này vua Tương Dực mới lên ngôi chưa đầy nửa năm, quân Thanh Hoa còn chân ướt chân ráo, triều đình lại vừa trải qua cái hoạ Nguyễn Khắc Hài, tuy không lớn nhưng lòng người không khỏi hoang mang, vì vậy trấn binh các xứ không dám động tĩnh. Trong khi ấy lại nghe đồn ngoại thích của Mẫn Lệ công trừ diệt chưa hết, đám Đông Ngàn và Thuỷ Đường đang tìm cách liên kết với nhau và cũng chuẩn bị kéo về kinh đô... Vậy là nháo nhác lên cả.

 

Nhà vua muốn lui về Thanh Hoa, trong lúc Nguyễn Văn Lang còn lưỡng lự chưa biết nên thế nào thì Trịnh Duy Sản tâu:

 

- Thiên hạ vừa mới lau nước mắt trông chờ vào vua mới vậy mà vua mới ngồi chưa nóng chỗ đã bỏ chạy thì thiên hạ khác nào vừa thoát khỏi miệng hổ đã lại rơi vào mõm chó sói. Thần tuy bất tài cũng xin được lãnh ấn tiên phong đánh giặc. Nghĩa Quốc công đã lập được công lớn diệt Mẫn Lệ, nay hãy nhường cái đầu Trần Tuân cho tôi.

 

Vua giao cho Trịnh Duy Sản quyền điều động toàn bộ binh mã ba vệ Vũ Lâm, Thiên Bồng, Thiên Vũ.

Đô Chỉ huy sứ vệ Thiên Vũ là Mạc Đăng Dung bàn:

- Quân giặc hiện mạnh về khí thế nên cần đánh nhanh, ta lại cần kéo dài thời gian để chờ quân các trấn về ứng cứu. Vậy nên chớ vội tiến quân ngay mà nên giữ vững tuyến phòng thủ phía Tây sông Tô Lịch cho tới sông Cái, một mặt chờ quân tiếp viện, mặt khác cho khí thế của giặc xẹp đi, lúc đó dốc toàn lực thì chắc thắng.

Đô Chỉ huy sứ vệ Thiên Bồng là Đàm Cử nói:

 

- Cách của ông Dung là dở! Binh pháp có dạy: “Lấy kẻ nghỉ ngơi đánh người mệt mỏi”. Nay quân Sơn Tây đường xa tới đây đang mệt mỏi, quân triều đình thì lâu nay nhàn hạ, không đánh lúc này thì đánh lúc nào.

Đô Chỉ huy sứ vệ Vũ Lâm là Cù Khắc Xương bảo:

 

- Giặc là lũ đói khát, gặp được Từ Liêm là vựa lúa phía Tây kinh thành, bây giờ lại tháng 5 đang vào mùa gặt, chúng khác nào chuột sa chĩnh gạo. Mạc tướng quân định chờ cho giặc ăn cơm gạo mới thơm ngon no bụng rồi mới đánh chăng? Tướng quân quen đi khơi, chỉ biết nước lên nước xuống, thật chẳng biết mùa màng thế nào! Theo tôi sáng mai nên tiến quân.

 

Trịnh Duy Sản bảo: “ý ông Đàm Cử, ông Khắc Xương thật hợp ý ta.” và lệnh cho ba quân chuẩn bị hôm sau tiến quân. Sáng hôm sau quân triều đình vượt sông, trống dong cờ mở, đi đến đâu quân Trần Tuân lui đến đấy nên trong bụng ai cũng lấy làm hả hê. Tới gần Sơn Tây, thấy hai bên đường rừng cây um tùm, Mạc Đăng Dung liền từ phía sau thúc ngựa vượt lên trước, bảo Duy Sản: “Chỗ này địa thế hiểm yếu, tướng quân phải cẩn thận”, vừa dứt lời thì một tiếng pháo rung chuyển mặt đất, quân Trần Tuân từ bốn phía đổ ra đông cơ man mà kể, kẻ phóng lao người bắn tên bắn nỏ. Quân triều đình kinh hoàng quay hết về phía sau mà chạy, tổn thất không biết bao nhiêu mà kể. Quân giặc có kẻ nói Duy Sản khoác áo đỏ vậy là Trần Tuân cứ nhằm người mặc áo đỏ mà đuổi. Y vừa mới có con Xích câu cướp được của trại ngựa Ba Vì, sức còn non nên hăng và rất khoẻ, do vậy chẳng mấy chốc đã đuổi sát Duy Sản. Duy Sản tuy là tướng võ nhưng liệu sức không địch nổi Trần Tuân nên chỉ biết chạy, càng chạy càng thấy tiếng Tuân quát sau lưng mỗi lúc một gần. Sản luống cuống vướng cả áo vào bụi gai, đang lúng túng gỡ áo thì Tuân sáp lại. Bỗng bên đường một người cưỡi con ngựa trắng chắn ngang mặt Trần Tuân. Duy Sản vứt cái áo lại, thoát được. Tuân nhận ra đó là Mạc Đăng Dung. Họ đã biết nhau mấy năm trước tại cuộc thi võ thời vua Đoan Khánh. Trần Tuân gỡ lấy cái áo của Duy Sản mắc trên cành cây rồi quay ngựa. Đăng Dung cũng không ham chiến quay về trại.

 

Quân triều đình thua to. Đàm Cử, Cù Khắc Xương xấu hổ không dám nhìn Mạc Đăng Dung. Duy Sản chia lực lượng làm hai đóng ở Đông Ngạc và Nhật Chiêu để ứng cứu cho nhau, có ý cố thủ chờ quân cứu viện.

 

Viết bình luận