SƠ BỘ MỘT SỐ NÉT BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA NHÀ MẠC:

SƠ BỘ MỘT SỐ NÉT BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA NHÀ MẠC:
Sau 21 năm Đại Việt bị khốn khổ dưới chế độ cai trị hà khắc của giặc Minh tàn ác, mãi đến năm 1428, khi hoàn thành sự nghiệp “ Bình Ngô” đại định thiên hạ, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua nước Đại Việt, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Triều Hậu Lê (Lê Sơ) với các vị vua Thái Tổ, Thánh Tông để lại nhiều ơn sâu, nghĩa nặng với bách tính, dân tộc.

Tượng nhà Mạc ở chùa Nhân Trai, Kiến Thụy, Hải Phòng
Cảnh thịnh trị của triều Hậu Lê kéo dài được 76 năm( kể cả 7 năm trị vì của vua Lê Hiến Tông – con kế nghiệp của vua Lê Thánh Tông). Năm 1504, vua Lê Hiến Tông băng hà. Đất nước Đại Việt dần đi vào con đường rối loạn, suy đồi.
Theo di chúc của vua, con thứ ba là Hoàng Tử Thuần nối ngôi , chưa được 6 tháng thì băng hà vì bạo bệnh, miếu hiệu là Túc Tông.
Không có con nối nghiệp, nên trước khi chết , vua Túc Tông đã di chúc cho triều đình phải lập anh trai thứ hai Hoàng Tử Tuấn lên ngôi vua. Việc thay đổi người nối ngôi vua này đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt trong cung cấm và ở triều đình, hình thành phe phái đối lập dẫn đến những xung đột đẫm máu về sau.
Hoàng tử Tuấn lên ngôi vua tức Lê Uy Mục, tư cách đã hèn kém, lại lợi dụng uy quyền chúa tể của đất nước để trả thù nhỏ nhen những người trước kia đã không phò minh lên ngai vàng.
Sử triều Hậu Lê đã ghi về vua Uy Mục: “... vua thích uống rượu hay giết người, hám gái đẹp, giết ngầm bà nội (tức Thái Hoàng Thái Hậu Trường Lạc, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ vua Lê Hiến Tông), giết hại nhiều tông thất, đại thần; tin dùng họ ngoại (họ mẹ đẻ, họ vợ) để chúng chuyên quyền hà hiếp lương dân, làm trăm họ khốn khổ, oán giận. Người đời thường gọi là quỷ vương.
Điềm loạn của vương triều hiện ra từ đấy” ( Đại Việt sử ký túc biên- bả kỷ nhà Lê). Chán cảnh này , một số đại thần và tướng lĩnh bí mật về Tây Đô ở Thanh Hóa (tức Thành nhà Hồ) tụ hợp mưu phế bỏ Lê Uy Mục.
Bảng nhãn Lương Đắc Bằng , chức Nội các Hàn Lâm được giao viết hịch kêu gọi quan lại, tướng sĩ nổi nên đánh Lê Uy Mục; phò tá minh chủ Giản Tu Công. Bài hịch vạch tội Lê Tuấn ( tức Lê Uy Mục) có những câu thống thiết : “...Bạo chúa Lê Tuấn hèn kém, làm nhơ bẩn sự nghiệp của Tiền Đế. Tội ác muôn vẻ. dân đã cùng mà còn vơ vét không thôi.
Tiêu tiền như bùn. Bạo ngược như Tần Chính. Coi Bề tôi như trâu ngựa. Coi dân như cỏ rác. Nhân dân nhức óc, cả nước đau lòng...”
Lê Uy Mục bị lật đổ, triều đình đưa Giản Tu Công lên ngôi vua tức Lê Tương Dực. Mấy năm đầu Tương Dực có lo đến việc triều chính, làm được một số việc có ích, rồi lại sa ngă vào chơi bời trác táng, làm những việc ô nhục, đến nỗi dân chúng gọi là vua lợn.
Đặc biệt là chỉ trong 21 năm cuối triều đại Sơ Lê (1506-1527) đã thay đổi 5 đời vua, trong đó 4 ông vua bị bề tôi giết, một ông bị giết do tranh chấp ngôi vua. Cuộc nội chiến giữa các tướng quân phiệt, phe phái diễn ra liên miên, trải rộng từ Đông Kinh đến Tây Đô, lan khắp vùng châu thổ sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Lam, làm cho nhân dân khắp nước điêu đứng, khổ cực.
Chính các cuộc rối loạn liên tiếp trong nội bộ vương triều đã mở đường cho Mạc Đăng Dung, một người có tài thao lược thâu tóm quyền binh, giữ chức Thái sư đứng đầu triều đình. Lúc này, vua Lê Chiêu Tông bỏ chạy về Tây Đô (Thanh Hóa) theo phe tướng Trịnh Tuy, Mạc Đăng Dung cùng vây cánh lập Hoàng thân Lê Xuân (em Lê Chiêu Tông) 15 tuổi lên ngôi vua.
Năm 1527 được vua phong làm An Hưng Vương.
Tháng 6 năm 1527, Cung Hoàng Xuân xuống chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung : “ Vua Thái tổ ta, thừa thời cách mệnh bèn có bốn phương, các thánh truyền ngôi, đã nhiều lịch số. Đó là lòng người hợp với số trời xui nên vậy. Từ cuối Hồng thuận, gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trần Cảo bắt đầu gây loạn. Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp. Lúc ấy thiên hạ không còn của nhà ta vậy. Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp bốn phương đều phục, bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục. Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, giữ lâu mệnh trường, để yên nhân dân. Mong kính theo đó "
( Bài chiếu do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Văn Thái thảo )
Ngày Canh Thân 15/6 năm Đinh Hợi 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi, lấy niên hiệu là Minh Đức.

Viết bình luận