NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

NHỮNG THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY

Từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế xã hội. Công cuộc cải cách mở cửa thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế xã hội. Cũng từ đây với quan niệm nhìn thẳng vào sự thực, nói đúng sự thực, giới sử học Việt Nam đã bắt đầu có sự nhìn nhận đánh giá về nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn một cách công bằng hơn, khách quan hơn. Thành tựu nghiên cứu về Vương triều Mạc đã được thể hiện trên một số khía cạnh sau:

  1. Những công trình nghiên cứu về nhà Mạc:

Từ năm 1991 nhiều công trình nghiên cứu về vương triều Mạc đã lần lượt được công bố như:

– Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1991 đã ra một chuyên đề về nhà Mạc;

Mỹ thuật thời Mạc của Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chí, Trần Lâm, Nguyễn Bá Văn do Viện Mỹ Thuật xuất bản năm 1993;

Vương Triều Mạc của Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1995;

Di tích thời Mạc vùng Dương kinh (Hải Phòng), Luận án Tiến sĩ Khảo cổ của học Nguyễn Văn Sơn (1996), Viện Khảo cổ học;

Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử của Viện sử học và Hội đồng Khoa học Lịch sử Thành phố Hải Phòng xuất bản năm 1996;

Văn bia thời Mạc và đóng góp của nó trong nghiên cứu Lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn của Đinh Khắc Thuân (1997), Viện Hán Nôm;

Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố năm 2000;

- Lịch sử Triều Mạc qua thư tịch và văn bia của Đinh Khắc Thuân,  NXB Khoa học Xã hội – 2001;

- Góp phần đổi mới quan điểm đánh giá Vương triều Mạc của Mạc Đường, NXB Trẻ – 2007;

Hợp biên Thế phả họ Mạc của Ban liên lạc họ Mạc, NXB Văn hoá dân tộc xuất bản lần đầu vào năm 2001, tái bản năm 2007;

Gương sáng dòng họ của Ban liên lạc họ Mạc được NXB Lao động xuất bản lần lượt: tập 1 (2002), tập 2 (2004), tập 3 (2008);

Khảo sát truyền thuyết về Mạc Đăng Dung ở vùng Kiến Thuỵ – Hải Phong, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Phạm Thị Phương Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2008;

Nhà Mạc với công cuộc ổn định xã hội Đại Việt từ 1527-1546, Luận văn thạc sĩ khoa học Lịch sử của Tống Thanh Bình, Trường Đại học Vinh năm 2009;

– Năm 2010, trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long kết hợp với Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa -Thành cổ Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút được nhiều học giả tham gia với nhiều bài nghiên cứu có giá trị.

Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu về nhà Mạc và dòng họ Mạc được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.

Vậy trong các công trình mà chúng tôi vừa nêu ở trên, giới sử học Việt Nam đã có sự nhìn nhận, đánh giá như thế nào về vương triều Mạc?

  1. Những đánh giá của giới sử học Việt Nam về Vương triều Mạc trong thời gian từ 1986 đến nay:

* Về vấn đề nguỵ triều, cướp ngôi:

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc nhà Mạc thay thế nhà Lê là hoàn toàn hợp với quy luật lịch sử. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong bài tổng kết Hội thảo khoa học về vương triều Mạc năm 1994 khẳng định: “Nên xoá bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan”(1). Giáo sư Lê cũng khẳng định: “Nhà Mạc là một vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, thay thế nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi”(2). Tiến Sĩ Đinh Khắc Thuân cũng có nhận xét tương tự với nhận xét của giáo sư Phan Huy Lê: “Việc lên ngôi của Mạc Đăng Dung từng được coi là thoán đoạt, nhưng sự “thoán đoạt” trong lúc triều đình nhà Lê hoàn toàn suy sụp; vì vậy cũng không nên coi hành động này của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi”(3). Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, cũng khẳng định: “… Sau khi so sánh đương đại về cái gọi là nguỵ triều, chúng tôi muốn so sánh lịch đại để thấy rõ hơn: “Phải chăng những cái gọi là nguỵ đó đều là đại diện cho những lực lượng tiến bộ đương thời?”(4). Trong bài phát biểu nhân dịp kỉ niệm 650 năm năm mất của danh nhân Mạc Đĩnh Chi tổ chức tại Trung tâm Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội ngày 26/3/1996, giáo sư Văn Tạo một lần nữa khẳng định: “Nhà Mạc không phải là nguỵ triều”. Tiến sĩ Trần Thị Vinh cũng đã nhận xét rằng: “Sự kiện Mạc Đăng Dung phế bỏ triều Lê – một triều đại mà Mạc Đăng Dung từng gửi gắm ba phần tư quãng đời để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc không phải là một điều sỉ nhục như nhiều sử thần thời phong kiến đã gán cho Mạc Đăng Dung. Đã đến lúc Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc phải được trả về vừa tầm với vị trí của mình. Tôi đồng tình với một số ý kiến của giới sử học gần đây trong cách đánh giá Mạc Đăng Dung và nhà Mạc. Tức chúng tôi nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải như một kẻ “nghịch thần” và cũng nhìn nhận một cách tương đối có cơ sở về những đóng góp của vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử nói chung. Nếu coi Mạc Đăng Dung là kẻ “thoán đoạt”, là “nghịch thần” v.v… và coi nhà Mạc là “nguỵ triều” tức là đã phủ nhận những đóng góp của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục và nghệ thuật”(5)

* Về mối quan hệ giữa nhà Mạc với nhà Minh (Trung Quốc):

Trong mối quan hệ giữa nhà Mạc với nhà Minh, trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhà Mạc đầu hàng nhà Minh, Mạc Đăng Dung đã cắt đất của Đại Việt dâng cho nhà Minh. Vậy quan điểm đó có đúng không? Giới sử học hiện nay nhìn nhận về mối quan hệ giữa nhà Mạc với nhà Minh như thế nào?

Vấn đề đầu hàng:

Nếu như trước đây, giới sử học trong mối quan hệ của nhà Mạc với nhà Minh thường lên án Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh thì ngày nay giới sử học đã có sự nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, khách quan, đúng với sự thật lịch sử. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6 năm 1991 đã xuất bản một chuyên đề về nhà Mạc. Trong chuyên đề này, với bài nghiên cứu: “Quan hệ giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỉ XVI”, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường đã khẳng định: “Với hành động chịu nhẫn nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn cái cớ để rút quân mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước chư hầu”(6).

Năm 1994, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Sử học, UBND Thành Phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học về vương triều Mạc. Trong bài tổng kết Hội thảo, giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi về cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc”. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh: “Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang, hành động ấy vua Lê sau này cũng lặp lại gần nguyên xi thì lại không bị sử gia nhà Lê nêu lên để phê phán. Đó (việc làm của vua Mạc-tg) chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, (quàng dây lụa vào cổ, không phải là tự trói), một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa (và nên nhớ lúc ấy Mạc Đăng Dung đã thôi ngôi được 10 năm rồi và là một ông già sắp chết (từ Nam quan trở về được mấy tháng thì ông qua đời), ông già này gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà cứ bị mang tiếng mãi!). Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao hằng xuyên của Việt nhỏ Hoa lớn “thần phục giả vờ, độc lập thực sự” (Vassalité fidive, Indépendance réelle). Mà thực sự ở thời Mạc không có bóng một tên xâm lược nào trên đất nước ta, quan bảo hộ, dù hình thức như chức “Đạt lỗ hoa xích” ở Thăng Long triều Trần cũng không. Thế tại sao người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ?”(7).

TS Đinh Khắc Thuân đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sử học với tên gọi “Contribution à l’histoire de la dynastie des Mạc (1527 – 1592) du Việt Nam” tại Trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp vào tháng 3 – 2000.

Ông đã khảo cứu công phu, sử dụng nhiều tư liệu có giá trị và đi đến kết luận về nhà Mạc như sau: “Tóm lại có 3 sự kiện nổi bật liên quan đến việc đánh giá nhà Mạc. Một là, lên ngôi của Mạc Đăng Dung thường được coi là thoán đoạt, nhưng là sự “thoán đoạt” trong lúc triều đình nhà Lê hoàn toàn suy sụp. Vì vậy, cũng không nên coi hành động này của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi. Hai là, để tránh thảm hoạ chiến tranh xâm lược, nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của nhà Minh. Ba là, bốn động biên giới nước ta đã bị nhà Minh lấy lại thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, trái lại đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh(8).

Về chính sách đối ngoại của nhà Mạc với nhà Minh, nhiều nhà nghiên cứu như Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật… đã khẳng định: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề mắc tội phản quốc.

Vấn đề dâng đất:

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: “Họ Mạc đã thực sự không dâng đất cho nhà Minh”. Nhà nghiên cứu Huệ Thiên trong bài: “Mạc Đăng Dung có “dâng đất” cho nhà Minh hay không?” in trong Báo nguyệt san Kiến thức ngày nay, phụ san của Tạp chí Văn, Hội nhà văn thành phố Hồ chí Minh, số 70 ra ngày 15/10/1991 đã khẳng định: “Mạc Đăng Dung trả đất chứ không hề có việc Mạc Đăng Dung dâng đất của Đại Việt cho nhà Minh”. Nhà nghiên cứu Huệ Thiên đã chứng minh bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liêu Cát và La Phù là vùng đất hiểm trở nhà Tống đã đặt các chức động trưởng để trông coi và sang đời nhà Minh, niên hiệu Hồng Vũ năm đầu (1368) vua Minh lại đặt chức tuần ti ở Như Tích để thống lĩnh các động này một cách chặt chẽ hơn.

Các động trưởng dọc biên giới Việt Trung thường tuỳ theo tình hình thực tế mà thay đổi thái độ thuần phục đối với Trung Hoa hoặc Đại Việt bởi vậy mãi đến năm 1540 nhân có nhà Mạc muốn được công nhận về mặt ngoại giao nên “thiên triều” yêu cầu nhà Mạc phải cam kết thống nhất thừa nhận sự thống trị của nhà Minh đối với bốn động trên “bằng dẫn giải này một lần nữa chứng minh rằng Mạc Đăng Dung chưa bao giờ cắt đất đai Tổ quốc cho ngoại bang”… Huệ Thiên cũng mong muốn “các vị sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử hãy vì chữ trung trong chữ sử mà định lại công hoặc tội của nhân vật lịch sử này để cho những trang sử về nhà Mạc được chính thức là những trang sử khách quan”.

Trong Luận án tiến sĩ của mình, Đinh Khắc Thuân cũng đã chứng minh: “Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải bó tay và buộc chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ có tính tiền lệ có từ thời Tống rằng: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được… Tương tự như vậy, làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh?”(9).

Đặc biệt Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng khẳng định, họ Mạc thi hành chiến lược “thần phục giả vờ, độc lập thực sự”. Giáo sư đã dẫn Minh sử rằng: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước rồi, mà tương kế tựu kế đem nộp. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc “nộp vờ”.

Từ thế kỷ XVIII Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình Dư địa chí cũng khẳng định: Thế thì sáu động họ Mạc đem nộp vờ như đất Như Tích, Phật Đà ở Khâm Châu chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi”.

Trong  Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Xem tập Thù vực chu tư lục (Nghiêm Tòng Giản nhà Minh biên soạn), thì về nghi lễ sai sứ thần đi sính vấn của đời trước, về gốc ngọn việc nhà nguỵ Mạc xin hàng, về sự khó khăn trong việc khi gây dựng cơ nghiệp trung hưng, về lòng thành khẩn tố cáo của di thần triều trước và đại cương quan chế, binh chế nước ta, đều có thể biết rõ được”(10). Nghiêm Tòng Giản, quê ở Gia Hoà, làm quan Cấp sự trung Hình khoa, giữ chức hành nhân đời Minh, là một thành viên trong phái đoàn của nhà Minh, chứng kiến lễ “đầu hàng” của nhà Mạc chép nguyên văn biểu xin hàng của Mạc Đăng Dung gửi hoàng đế nhà Đại Minh: “Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Triết Lâm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông. Nếu quả thực như lời ấy, thì đó là lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại”(11).

* Đóng góp của Vương triều Mạc đối với phát triển kinh tế đất nước:

Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, nông nghiệp Đại Việt lâm vào khủng hoảng, mất mùa đói kém diễn ra khắp nơi. Vậy mà sau khi lên ngôi, chỉ một thời gian ngắn, nhà Mạc đã khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp. Chính sử gia thời Lê -Trịnh trên quan điểm đối địch với nhà Mạc cũng phải thừa nhận: “Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ, không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn”(12). Chỉ qua vài dòng ghi chép ngắn gọn của Lê Quý Đôn chúng ta thấy rằng, dưới sự cai trị của Vương triều Mạc là một xã hội ổn định, kinh tế phát triển khá toàn diện, nông -công – thương nghiệp phát triển. Đặc biệt, trong nông nghiệp ngành chăn nuôi cũng rất được chú trọng phát triển. Giáo sư Văn Tạo cũng nói về kinh tế thời Mạc như sau: “buôn bán, chăn nuôi có phát triển, nông nghiệp được mùa… do đó trật tự trị an đạt được một cách hiếm có”(13). Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định: “Nhà Mạc đã chú trọng tới khẩn hoang lập làng, đắp đê phòng lụt. Trong công, thương nghiệp, nhà Mạc đều không theo đuổi chính sách “trọng nông ức thương” của nhà Lê sơ”(14). Nhà sử học Nguyễn Văn Kim đã có một nhận xét: “Nhà Mạc đã khơi dậy những tiềm năng, nhân tố phát triển mới mà mục tiêu cuối cùng và cao nhất không chỉ nhằm hướng tới việc xây dựng tiềm lực kinh tế mạnh có thể đương đầu với thế lực Nam triều, ngăn chặn những hiểm họa từ phương Bắc mà còn muốn cho muôn dân được no đủ ngõ hầu thực hiện trách nhiệm lớn nhất của đạo trị quốc là an dân”(15).

Hầu hết các công trình sử học khi nghiên cứu về nhà Mạc trong thời gian gần đây đã khẳng định được những đóng góp của vương triều này đối với sự phát triển kinh tế. Thậm chí Cố giáo sư Trần Quốc Vượng còn mạnh dạn nêu ý kiến: “Nếu Dương Kinh của nhà Mạc được xây dựng thành công, nếu nhà Mạc tồn tại lâu hơn nữa thì Đại Việt lần đầu tiên có kinh đô-cảng thị (port-capital) công thương nghiệp miền Hải Dương và cả nước phát triển mạnh mẽ hơn và chắc trong lòng xã hội quân chủ quan liêu đã nảy sinh được những nhân tố mới của một phương thức sản xuất mới, kinh doanh mới, quản lý mới”(16).

* Đóng góp của vương triều Mạc đối với phát triển văn hoá – xã hội:

Hầu hết các nhà nghiên cứu sử học gần đây đều đồng tình với những đánh giá của các sử gia phong kiến về những thành tựu của văn hoá, giáo dục khoa cử thời Mạc. “Mạc thị sùng nho” nhưng lại không độc tôn nho giáo bởi vậy Đạo giáo, Phật giáo ở thời Mạc được phục hồi và phát triển. Giáo sư Trần Lâm nhận xét: “Nhà Mạc đã xoá bỏ nhiều cấm đoán khắt khe của nhà Lê sơ, Phật giáo và nhất là Đạo giáo dân gian được thở trong bầu không khí mới. Tất cả đã hội lại để cho nông nghiệp nhiều năm được mùa, thương nghiệp phát triển mạnh… Những điều kiện đó đã khẳng định về một cơ sở cho nền văn hoá nghệ thuật của thế kỷ này có được một đặc thù riêng, đậm chất dân dã”(17).

Nói tóm lại, trong 25 năm qua, giới sử học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu, đánh giá Vương triều Mạc. Các nhà nghiên cứu  đã khẳng định được những đóng góp của Vương triều này đối sự phát triển với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, trong dàn đồng ca đổi mới đó thỉnh thoảng vẫn có những âm thanh lạc điệu. Chúng tôi mong góp được một âm thanh lấp lánh của giai điệu nhà Mạc trong dàn giao hưởng của dân tộc.

Chú thích:

(1) Phan Huy Lê: Tổng kết Hội thảo Khoa học về Vương triều Mạc (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, do Hội khoa học lịch sử Việt Nam – Viện Sử học – Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản, Hà Nội 1996, tr 513).

(2) Phan Huy Lê: Tổng kết Hội thảo Khoa học về Vương triều Mạc (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sđd, tr 513).

(3) Đinh Khắc Thuân (2001): Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr 87-88.

(4) Văn Tạo: Nhà Mạc và vấn đề nguỵ triều trong lịch sử (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sđd, tr 50).

(5) Trần Thị Vinh (1995): Thể chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỉ XV đầu thế kỉ XVI và những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung tiến tới thành lập vương triều Mạc (trong cuốn Vương triều Mạc của Viện Sử học,  Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1996, tr 26-27).

(6) Nguyễn Minh Tường: Quan hệ bang giao giữa nhà Mạc và nhà Minh thế kỉ XVI (trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6 (259) năm 1991) tr 36.

(7) Trần Quốc Vượng (1991): Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bối cảnh văn hoá Việt Nam thế kỉ XVI (trong cuốn Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Kỷ yếu Hội nghị nhân 400 năm mất), do Hội đồng lịch sử Hải Phòng – viện Văn học Việt Nam xuất bản, Hải Phòng – 2005), tr 36-37.

(8) Đinh Khắc Thuân (2001): Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 87-88

(9) Đinh Khắc Thuân (2001): Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, sđd tr 87.

(10) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb Văn hoá- thông tin, Hà Nội- 2007, tr 196

(11) Ngô Đăng Lợi (1996): Việc nhà Mạc giao thiệp với nhà Minh qua cuốn sách cổ Thù vực chu tư lục của Nghiêm Tòng Giản đời Minh (trong Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sđd, tr 137-138)

(12) Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3 Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1978, tr 276.

(13) Văn Tạo: Nhà Mạc vấn đề nguỵ triều trong lịch sử (trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử), sđd, tr 45.

(14) Nguyễn Văn Sơn: Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Nxb Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1997, tr 10-11.

(15) Nguyễn Văn Kim: Kinh tế công thương nghiệp thời Mạc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 12(416).2010.

(16) Trần Quốc Vượng: “Hải Phòng nhìn từ thủ đô Hà Nội” trong cuốn “Việt Nam cái nhìn địa – văn hoá”, Nxb Văn hoá dân tộc-Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội – 1998, tr 212)

(17) Trần Lâm: Thông qua đôi nét Lịch sử với mỹ thuật – Mỹ thuật với lịch sử (thời Mạc) trong cuốn “Kỷ yếu hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”, Hà Nội 9 – 2010, tr 298.

 Trần Thị Thanh Vân – Phan Đăng Thuận

Nguồn: homacvietnam.vn

 

Viết bình luận