NGÔI ĐÌNH TRUNG TÂM LÀNG XÃ ( tiếp)

C. Làng xã và hoạt động tín ngưỡng, văn hóa nơi làng xã.

Một làng Việt cổ truyền hầu như đều có một ngôi chùa Phật, một ngôi đình làng và một miếu Thần, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Để làm rõ vấn đề trên, thiết nghĩ cần tìm hiểu việc tổ chức làng xã, cũng như vai trò của các vị Nho học trong các hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

  1. Tổ chức làng xã.

Làng, hạt nhân của xã hội Việt Nam trong lịch sử từng được khá nhiều nhà nghiên cứu đi sâu giới thiệu hết sức phong phú, nhất là những vấn đề liên quan tới lịch sử, cấu trúc xã hội và cơ sở kinh tế của nó.Ở đây chúng tôi chỉ cập tới một vài khía cạnh về mặt tổ chức xã hội liên quan đến các hoạt độngt ín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở thế kỉ XVI.

Khi nhắc tới làng cổ truyền, người ta thường có một tên gọi chung với hai từ ghép là “làng xã”, trong đó làng là từ thuần Việt “chỉ một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt, có địa vực riêng. Cơ sở hạ tầng cùng cơ cấu tổ chức riêng, lệ tục riêng…, nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất, còn là từ Hán Việt, chỉ đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước phong kiến ở vùng nông thôn Việt . Từ thế kỉ XV, khi xã chính thức là đơn vị hành chính cơ sở trong bộ máy hành chính của chính quyền địa phương , thì mỗi xã thường bao gồm từ một tới vài thôn. Thôn ở đây không phải là đơn vị hành chính mà là từ Hán Việt chỉ một cụm cư dân tương ứng với “làng”. Làng thời Lê Sơ được xác định trong bộ luật thời Hồng Đức về mặt địa dư là “Bốn xung quanh tường lũy của làng, có thể trồng tre để đề phòng trộm cướp”. Sự khép kín về địa dư của làng như vậy đã tạo thành những nét đặc thù trong hoạt động kinh tế xã hội, tín ngưỡng và tập quán của mỗi làng. Chẳng vậy mà hầu như làng nào trước đây cũng có một ngôi chùa Phật cho riêng mình, một ngôi đình làng và một ngôi miếu thần, cùng lệ làng, Thần làng riêng.

Mỗi xã thường bao gồm vài làng, song vào thế kỉ XV-XVI, có không ít xã chỉ có một làng, nên gọi là “nhất xã nhất thôn”. Trong trường hợp này thì làng và xã là một, vì thế có tên gọi chung là “làng xã”. Vì vậy khi thống kê các đơn vị hành chính xã trong một số bộ dư địa chí, người ta còn tính thêm cả một số làng, như dư địa chí của Nguyễn Trãi thế kỉ XV, kê được 9.728 xã và 294 thôn. Tư liệu văn bia thời kì này cũng cho biết, nhiều xã chỉ có một làng, như làng Kiều Trì (thị xã Hà Đông) năm 1544 cũng là xã Kiều Trì, làng Nguyễn Xá (huyện Kiến Xương, Thái Bình) năm 1563, làng Đán Tràng (Thuận Thành, Bắc Ninh) năm 1583,… cũng như  vậy (Văn bia thời Mạc, tr.125,227). Xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) cũng là “nhất xã nhất thôn”. Tuy nhiên những làng được trở thnafh đơn vị hành chính xã, thì thường là làng lớn, như quy định của Lê Thánh Tông năm 1490 là “phải có từ 100 đến 500 hộ”.

Khảo sát một số làng cụ thể chúng tôi thấy có một chu kì chuyển đổi từ làng tới xã, rồi giữa xã và làng, như sự chuyển biến của làng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) được xem là trường hợp tiêu biểu.

Theo Thần phả đình thôn Hạ và tư liệu văn bia thì lúc đầu (có lẽ là vào thời Lý Trần) Ninh Hiệp là trang Phù Ninh, rồi hương Phù Ninh. Đến thời Lê Hồng Đức (1470-1497) mới xuất hiện tên xã Phù Ninh. Xã Phù Ninh vào thời Lê Sơ là xã “nhất xã nhất thôn”, gồm 6 giáp là Tố Thôn, Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng, Đính Hạ và Nội Đình. Đến năm Sùng Khang thứ 6 (1571), giáp Tố Thôn của xã Phù Ninh tách thành xã Hiệp Phù (Phù Ninh, Tố Thôn vi Hiệp Phù xã), các giáp Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng làm thành 3 thôn Thượng, Trung, Hạ của xã Phù Ninh ( Ninh Thượng, Nhân Hậu, Đính Thượng vi Phù Ninh xã tam thôn Thượng, Trung, Hạ). Còn giáp Đính Hạ tách thành xã Ninh Giang (Đính Hạ vi Ninh Giang xã), giáp Nội Đình thành xã Ninh Xuyên (Nội Đình vi Ninh Xuyên) – Ninh Xuyên sau này đổi thành Tế Xuyên. Như vậy là các xã Phù Ninh, Hiệp Phù và Ninh Giang vốn được tách ra từ xã Phù Ninh vào cuối thế kỷ XVI, rồi đến thời kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1957), lại nhập lại thành xã Ninh Hiệp như hiện tại.

Rõ ràng là làng Phù Ninh vào thế kỷ XV trở thành một đơn vị hành chính xã: Phù Ninh. Xã này vốn có một thôn, sau có 3 thôn (vào thế kỷ XVI). Lúc đầu, làng có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Nành (Nành là tên dân gian, còn Phù Ninh là tên chữ). Sau khi tách làm 3 thôn, chùa này thuộc về thôn Thượng, còn hai thôn khác cũng dựng mỗi thôn một ngôi chùa khác. Do vậy, chùa Nành thôn Thượng gọi là chùa Cả và ngôi đình ở đây cũng được gọi là đình Cả (được xây dựng vào năm 1659. Hai thôn khác cũng có hai ngôi đình dựng vào năm 1665 và 1685). Có nghĩa là ở thế kỷ XV – XVI, xã Phù Ninh có một làng và làng có một ngôi chùa Phật. Sau đó, tách thành 3 làng, mỗi làng có một ngôi chùa và một ngôi đình riêng, ngoài ra còn có một miếu Thần chung.

Thực tế, mỗi làng được khép kín bởi các hoạt động tín ngưỡng và tập tục riêng của mình. Điểu này phù hợp với nhận xét sau đây của Nguyễn Đăng Giai, quan trấn thủ các hạt Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang vào năm 1483: “ Dân ở các xã, thôn trong hạt, nhiều thôn tuy cùng trong một xã, nhưng dân cư, đình chùa, ruộng đất đều phân biệt…”. Như thế là vấn đề chính yếu của mỗi làng là ruộng đất, nhân đinh và thực hành tín ngưỡng.

Nhân đinh trong làng được chia làm các giáp để lo mọi công việc của làng nước. Vì thế, giáp cũng là nơi lo cả việc phục vụ mọi hoạt động tín ngưỡng, lễ hội nơi làng xã, đồng thời cũng là cơ sở để phân chia và quản lý ruộng đất công. Theo cố Giáo sư Dân tộc học Trần Từ thì “ Giáp là tổ chức tập hợp người theo lớp tuổi kết hợp với quan hệ huyết thống của nam giới. Một giáp gồm các đinh nam từ khi lọt lòng đã làm lễ vọng giáp đến cụ ông cao tuổi nhất của dòng họ, xóm ngõ khác nhau, được chia thành nhiều mâm hay bàn”. Do vậy, có giáp hoặc bao gồm các thành viên của một họ, hoặc của nhiều họ; có giáp hoặc thuộc về một xóm, hoặc xen kẽ bởi vài xóm khác nhau trong làng. Để hiểu biết cụ thể về giáp ở thế kỷ XVI, chúng tôi tập hợp trong bảng sau vài đặc trưng của giáp ở một số làng xã qua tư liệu văn bia:

Bảng 17: Vài đặc điểm của giáp thời Mạc qua văn bia

 

Tên giáp

Thành viên

Số họ

Thuộc xã/ thôn

Năm/ số bia

Kim Uyên

Ngọc Tỉnh

Cẩm Đường

Lan Đình

 

 

2

2

1

Xã La Uyên, huyện Thượng Phúc (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội)

1538/ B.136

Văn Khê

Thọ Khê

Phú Khê

Phúc Khê

18

30

18

26

1

2

3

4

Thôn Kiều Trì, huyện Thanh Oai (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội)

1544/ B.60

Tây Nam

Chính Đông

Tây Bắc

Đông Nam

Đông Bắc

31

26

30

21

16

1

1

2

2

1

Thôn Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Quỳnh Côi (nay thuộc Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình)

1545/ B.166

Trung Đông

Đông

Trung Tây

Tây

29

32

32

34

3

2

1

3

Thôn Cự Linh, xã Phương Để (nay thuộc xã Phương Để, huyện Trực Ninh, Nam Định)

1562/ B.113

Đông

Trung

Nam

31

30

40

2

2

4

Thôn MỸ Long, xã Hội Xuyên (nay thuộc huyện Gia Lộc, Hải Dương)

1570/ B.76

Nhất

Nhị

Tam

36

50

56

1

2

3

Thôn Thượng Liên Đông, xã Trừng Hoài (nay thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình)

1585/ B.16

Nhị

Tam

Lục

Thất

28

7

7

13

7

3

2

4

Xã Liêu Hạ, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng Yên)

1589/ 53

Thạch Tỉnh

Đông

Tây

Trung

22

26

23

24

2

3

2

4

Xã Thượng Đoan, huyện Đan Phượng (nay thuộc huyện Đan Phương, Hà Nội)

1589/ B.161

 

Thông tin trên cho biết giáp thời Mạc cũng như các thời kỳ sau đều được đặt tên theo phương hướng: đông – đoài, nam – bắc, thượng – hạ và cả theo con số: nhất – nhị, tam – tứ; một số tên giáp cũng là tên của xóm như Ngọc Tỉnh, Lan Đình…Điều đó nói lên rằng, giáp được thành lập trước hết trên cơ sở cụm dân cư, kết hợp với dòng họ. Số thành viên của mỗi giáp có thể chênh lệch nhau. Nhiều giáp chỉ có những nam giới trong một họ, trái lại phần lớn các giáp khác bao gồm nhiều dòng họ khác nhau. Thành viên trong giáp tùy lứa tuổi khác nhau lại chia thành các thành phần khác nhau, chịu nghĩa vụ và hưởng quyền lợi khác nhau. Chẳng hạn, người cao tuổi được lên lão, phải làm lễ khao vọng, được quyền tham gia vào việc quản lý làng xã trong tế lễ, rước sách. Những trai đinh tuổi từ 18 đến 49 phải gánh vác mọi việc chung của làng nước, từ sưu thuế, phu phen, tạp dịch, canh phòng, giữ gìn trật tự an ninh, đến đóng góp công trình xây dựng công cộng và hoạt động tín ngưỡng, đồng thời cũng được hưởng quyền lợi như chia ruộng công của nhà nước, hoặc của làng xã.

Trong thời kỳ nhà Mạc, chúng ta thấy khá nhiều ngôi chùa và ngôi đình làng đều do các giáp lo liệu, từ việc xây dựng, tu bổ đến sửa chữa lễ vật cúng tế. Chẳng hạn, chùa Hoàng Đô, năm 1538 được bốn giáp cùng hương lão làng La Uyên ( Thường Tín, Hà Nội) đứng ra sửa, đình Trừng Hoài (Thái Bình) dựng năm 1585, do 142 nam giới trong 3 giáp thôn Thượng Liên Đông xây dựng “ Các viên nhân của 3 giáp: Nhất, Nhị, Tam của thôn Thượng Liên Đông, xã Trừng Hoài, huyện Thanh Lan dựng đình mới…” (Văn bia thời Mạc, tr.241). Trong lần tu sửa chùa Thanh Quang ở làng Cự Ninh (Trực Ninh, Nam Định) năm 1562, giáp Trung Đông cúng một mặt bia, giáp Trung Tây cúng một bệ bia, còn giáp Tây thì cúng một đôi sư tử và một đôi liễn đá (Văn bia thời Mạc, tr.106). Mọi thành viên trong các giáp, nhất là các trung nam thực sự là lực lượng chính tham dự việc bảo vệ, quản lý làng xóm, như việc kê ruộng đất công của chùa làng Kiều Trì (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội) năm 1544, có sự chứng giám của vị Thôn trưởng là Nguyễn Mai và các lão làng, cùng 92 thành viên của 4 giáp trong làng (Văn bia thời Mạc, tr. 73).

Như vậy, giáp từ thế kỷ XV – XVI, không phải là đơn vị hành chính (bởi trước thế kỷ XV, giáp từng là đơn vị hành chính cơ sở) mà là một tổ chức xã hội tự nguyện của cư dân nông nghiệp ở làng xã người Việt. Hoạt động của giáp thời Mạc chủ yếu ở các hoạt động tín ngưỡng và ít nhiều mang tính thuần phác chưa bị chức dịch làng xã lợi dụng khai thác như trong thời kì này.

Tham gia công việc chung làng xã là những người cốt cán, được gọi là “ Quan viên, hương lão, xã thôn trưởng”. Nghĩa là bao gồm bộ phận chức dịch quan viên, hương lão và bộ phận chức sắc là xã thôn trưởng. Người đứng đầu bộ phận chức dịch là Tiên chỉ và Thứ chỉ, những vị cao liên có danh vọng ở làng. Ngoài ra còn có những người trong hội tư văn, những bậc Nho học ở làng. Chính những người này có thể xem là đại biểu cho tầng lớp tri thức ở địa phương tham gia quản lý, điều hành làng xã, đã có vai trò nhất định trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng từng địa phương.

Còn tiếp....

Viết bình luận