NGÔI ĐÌNH THỜI MẠC QUA TƯ LIỆU VĂN BIA

NGÔI ĐÌNH THỜI MẠC QUA TƯ LIỆU VĂN BIA

CHU TRỌNG THU, ĐINH KHẮC THUÂN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Mỗi làng xã Việt Nam thời phong kiến đều có đình làng - nơi còn để lại nhiều dấu ấn văn hóa làng xã. Tuy nhiên vấn đề nguồn gốc và chức năng của ngôi đình hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Bài viết này nhằm cung cấp một số tư liệu văn bia ở thời Mạc về ngôi đình làng, những mong góp phần làm sáng tỏ đôi điều về những vấn đề trên của đình làng Việt.

Văn bia thời Mạc liên quan đến ngôi đình gặp ở một số văn bản sau:

- Phật pháp tăng, bia chùa xã An Trạch huyện Nam Xương tỉnh Hà Nam (nay là huyện Lí Nhân, Hà Nam, số kí hiệu bản rập 9139), dựng năm Đại Chính 2 (1531). Trong khi kê ruộng chùa, văn bia cũng ghi lại được số đất của đình làng dựng đình ngói 3 gian 2 dĩ và vườn đình là 2 sào 2 thước.

- Tu cấu Viên Quang khám bi, bia chùa Quang Minh xã Hậu Bổng huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, nay là huyện Tứ Lộc tỉnh Hải Dương (kí hiệu 13.111), dựng năm Diên Thành 2 (1579). Văn bia ghi việc sửa chùa và kê người công đức cùng số ruộng của chùa. Phần cuối văn bia ghi việc “quan viên gồm 10 vị trong xã dự bàn làm đình ngói (cấu tác ngõa đình) mà tôn mới lão vãi Phạm Thị Tâm làm Hậu Phật để xin bà cúng cho xã 1 mẫu ruộng, 1 chiếc ao để làm đình ngói”.

- Cấu tác tân đình bi kí, bia đình thôn Liên Đông xã Trừng Hoài huyện Thái Ninh tỉnh Thái Bình (nay là huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình) (Kí hiệu 3.853), dựng năm Diên Thành 8 (1585). Văn bia ghi việc quan viên của 3 giáp trong làng đóng góp tiền của để làm đình mới.

- Hưng tạo Đạo Đoan đình bi, bia đình thôn Văn Thịnh xã Đại Bái huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh) (Kí hiệu 4.529) dựng năm Diên Thành 8 (1585). Văn bia ghi các vị hương lão, hương trưởng trong làng đứng ra xây đình trên nền đất cũ.

- Trùng tu đình bi kí, bia đình thôn Mão Điền huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh (Kí hiệu 22.981), dựng năm Đoan Thái 2 (1587). Văn bia ghi về quan viên xã thôn trưởng đứng ra sửa đình, nhưng vì thiếu tiền của, vật liệu, nên đã đề nghị Vũ úy ở vệ Vũ An là Vũ Kì giúp đỡ, hứa sẽ mời ông ngồi chiếu trên trong kì lễ cầu phúc của làng và thờ cúng mãi mãi sau khi ông qua đời.

- Bi đình kí, bia đình làng Xuân Tảo xã Trung Hòa huyện Mĩ Văn tỉnh Hưng Yên (Kí hiệu 27.795), dựng năm Hưng Trị 2 (1589). Văn bia ghi các vị hương lão trong làng cúng ruộng để dựng đình.

- Nghênh phúc bi kí, bia đình xã Lam Cầu huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương nay thuộc huyện Tứ Lộc tỉnh Hải Dương (Kí hiệu 5.133), dựng năm Hưng Trị 4 (1591). Văn bia ghi việc cúng ruộng làm nền cầu đình Nghênh Phúc.

Trên đây là một số văn bia đình hiện biết về ngôi đình thời Mạc. Tuy nhiên rải rác trong một số văn bản khác, chúng ta còn tìm thấy một số thông tin về ngôi đình làng như trong văn bia cầu La Phù (Hà Tây) dựng năm 1575 (Kí hiệu 8.092) ghi rằng “phía đông có chợ, thường ngày tụ hội tài vật trong thiên hạ; phía tây có đình, năm tháng cầu khấn để dân vinh, vật thịnh”. Ngoài ra, còn có một số văn bản khắc trên những bức cốn của một số ngôi đình mang niên đại nhà Mạc, như trên bắc cốn đình Lỗ Hạnh xã Đô Lỗ huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Ninh “Sùng Khang thập nhất niên lục nguyệt thập nhất nhật tạo” (Làm vào ngày 11 tháng 6 năm Sùng Khang 11 (1576); trên đấu khung cột đình Tây Đằng (Quốc Oai, Hà Tây) Tân Mùi niên tạo” (Tạo năm Tân Mùi: 1583)…

Như vậy những văn bia và văn bản khắc trên gỗ liên quan về đình làng xuất hiện từ năm 1531 đến 1591, thuộc các địa phương ở Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tây. Tuy số lượng này là rất ít, song giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu quy mô kiến trúc cũng như chức năng, nguồn gốc của ngôi đình mà tư liệu vật chất vốn có của các di tích ấy đều không còn nguyên dạng.

Đình làng ở thế kỷ XVI là sản phẩm của làng xã, gắn với làng xã, hoàn toàn do làng xã tự lo liệu, dường như không có sự giúp đỡ nào của những người trong cung đình và hoàng tộc. Cụ thể như đình Đại Loan được dựng ở xã Đại Bái vào năm 1585 do các vị hương lão, hương trưởng trong làng đứng ra xây dựng, đình Trừng Hoài cũng được dựng năm 1585 do 3 giá trong thôn làm, còn đình Xuân Tảo dựng năm 1589 do các vị Quan viên tử của làng cúng ruộng mà dựng đình, đình xã Hậu Bổng cũng do các vị quan viên trong làng lo liệu và đình Nghênh Phúc do một vị hương lão của làng mua ruộng cúng để làm nền đình. Nhìn chung việc xướng xuất để dựng đình đều do các vị hương lão, còn đóng góp là do các giáp đảm nhận. Trường hợp đình Mão Điền huyện Thuận Thành tỉnh Bắ Ninh tu sửa năm 1584, cũng do các vị quan viên xã thôn trưởng đứng ra lo liệu, song do thiếu thốn vật liệu, nên bẩm xin vị Vũ Kì chức Vũ úy ở vệ Vũ An để giúp đỡ tài chính, rồi lập giao ước ton thờ như một Hậu Thần(1)

Vị Vũ Kì được ghi trên bia này tuy không gọi là Hậu thần, nhưng dân làng cũng tự giao ước là “khi sống thì mời ông ngồi cùng mâm vớ các vị thượng lão của làng trong lễ cầu phúc, sau khi mất thì được rước bài vị ra cúng lễ ở đình”. Trong số 9 ngôi đình được nhắc đến trong văn bia như đã nêu ở trên, có tới 6 đình được làm mới; số còn lại có 1 đình được sửa chữa, 1 đình khác tuy dựng mới nhưng lại dựng trên nền cũ và 1 đình nữa chỉ làm nền đình. Trường hợp đình chỉ là một nền đất dùng khi lễ cầu phúc cho biết nguồn gốc và chức năng thủa ban đầu của ngôi đình làng như thế nào. Liên hệ với những tên môn của địa danh ở một số làng xã xuất hiện trên văn bia Mạc - liên quan đến ngôi đình với cách gọi tên như “cửa đình”, “trung đình”, “đình cả”, “ngõ đình”, chúng ta nhận thấy rằng tên gọi đình làng đã trở nên quen thuộc và nghờ đó mà nảy sinh ra một số địa danh khác của làng như nêu ở trên, tương tự những địa danh sản sinh từ ngôi chùa, ngôi miếu như “cửa chùa”, “sau chùa”, “cửa miếu”… Và như thế thì ngôi đình ra đời chỉ có thể từu giai đoạn nhà Mạc, nếu sớm thì cũng chỉ sớm hơn một chút ít (vào thời Lê sơ) mà thôi.

Quy mô kiến trúc ngôi đình qua văn bia Mạc hết sức giản đơn: chủ yếu là một tòa nhà nằm ngang, thông thường là 1 gian 2 chái - tương đương với 3 gian nhà, hoặc 3 gian 2 chái - tương đương với 5 gian nhà. Ngoài ra có thể còn có vườn đình, sân đình, nhưng không có điện thờruộng đình. Những ngôi đình có kiến trúc dạng “chuôi vồ”, hoặc hình chữ “nhị”, chữ “tam: gồm tiền đường - đại đình hoặc tiền - trung - hậu đình thường gặp ở những thế kỉ sau là do xây thêm vào phía trước (để làm thành tòa tiền đường hay đại bái), hoặc xây thêm về phía sau (để làm thành tòa hậu cung). Chính vì chưa có điện thờ và chưa có ruộng đình nên chức năng của ngôi đình thời Mạc có khác chức năng của ngôi đình ở các thế kỉ sau mà chúng ta thường nhắc đến hai chức năng chính là thờ cúng và là nơi sinh hoạt cộng đồng. Đình thời Mạc như vừa phân tích ở trên chưa có chức năng thờ cúng Thành hoàng làng. Tuy nhiên cũng chưa hẳn đã là nơi sinh hoạt cộng đồng và là nơi cai trị người địa phương, tại sao đến thế kỷ XVI mới chỉ đếm được trên dưới mươi ngôi đình làng, dù rằng số liệu này không hẳn đã đầy đủ so với thực tế, song điều chắc chắn là từ thời Mạc trở về trước rất hiếm làng có đình. Chẳng nhẽ những làng không có đình thì không có trụ sở để làm việc và không có nơi để cai trị người địa phương? Mặt khác, nếu là nơi thờ cúng thì tại sao đình thời Mạc lại không có điện thờ và ruộng hương hỏa(2), và nếu là nơi sinh hoạt của cộng đồng thì sao lại chỉ có một nền đình như thế?

Vậy đình là gì? Bài văn bia ở đình Mão Điền huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh đã cho một định nghĩa khái lược như sau “đình giả dân sở an định dã, nghĩa là “đình là nơi yên định của dân” hay “là nơi mà nhà đó dân được yên định”. Tại sao đình lại là nơi mà nhờ đó dân được yên định? Chính là “năm tháng cầu khẩn để dân vinh, vật thịnh”. Tuy nhiên, sự cầu khẩn ở đây không giống sự thờ cúng như ngày nay chúng ta thường gặp ở đình mà chỉ là làm lễ cầu phúc vào đầu xuân hàng năm của dân làng mà thôi. Bài văn bia đình Nghênh Phúc thì giải thích rõ hơn “Vào những năm Hoàng triều Cảnh Lịch (1548-1533) thôn Đông Tây ấp Lam tạm mở hội tiệc xuân ở xứ Ngõ La, chưa được ổn định. Nay quan viên Nguyễn Văn Cự có ruộng mới đổi và ruộng mới mua là 1 sào 10 thước cúng làm nền đình Nghênh Phúc” (Hoàng triều Cảnh Lịch niên gian Lam ấp Đông Tây thôn tạm hội xuân tịch ư Ngõ La xứ vị hữu định [?]. Tư quan viên Nguyễn Văn Cự hữu tân hoán điền tính tâm mại điền cộng nhất cao thập xích… thí vi Nghênh Phúc đình kiều cơ chỉ). Việc cầu phúc này khác với việc cúng lễ ở chùa, quán hay ở đến, miếu. Lễ cầu phúc thực ra tương tự lễ tế trời đất hàng năm của vua - lễ ngoài trời như lập đàn tế lễ, nên không có nhu cầu đền thờ. Nhưng khi làm lễ cầu phúc ở đình thì phải ruớc Thần vị của vị Thần vốn đang được thờ ở miếu hay đền của làng như nghi thức lễ hội làng sau này và ngày nay mà chúng ta đều biết, chẳng vậy mà ở đình Đại Đoan ngay sau khi khánh thành (năm 1585) đã được “cúng tiến 1 đôi tán vàng, 1 cỗ kiễu, 1 bộ hương án”. Tán vàng, kiệu và hương án thì ngày nay ở đình nào cũng có, trong đó kiệu là để rước Thần vị từ miếu về đình khi hội đình, tán vàng dùng khi rước, còn hương án ngày nay thường gặp ở nhà Tiền đường hay ở đại đình, chứ không phải để ở hậu cung để bài vị, ngai thờ của Thành hoàng. Phải chăng trong ngôi đình thời Mạc mới chỉ có hương án để thờ, mà chưa có ngai thờ Thần vị? Do đó, có khả năng nơi đây chưa phải là nơi thời Thần làng. Mặt khác, cũng vì sau lễ cầu phúc mọi người thụ lộc tại đình, nên phải chia từng chiếu ngồi theo thứ bậc nhất định, trên cơ sở của tập quán từng làng hoặc “trọng xỉ” (tôn trọng người cao tuổi) hoặc “trọng tước” (coi trọng người có chức tước). Văn bia đình thôn Mão Điền (Bia 135) ghi lại được một giao ước riêng của làng này như sau: “Vũ Kì cúng cho làng 38 lạng bạc để mua vật liệu làm đình. Dân làng tự giao ước rằng: vào lễ cầu phúc hàng năm, các vị thượng lão một mâm ở phía tây, Vũ Kì một mâm ở đó. Sau ngày trăm ruổi, hễ vào cầu phúc, rước bài vị của Vũ Kì với chức Tước, tự hiệu của ông lưu ở chỗ ngồi đó. Các làng thay nhau làm lễ cúng giỗ”. Cũng trong bài văn bia này, chúng ta thấy một trường hợp khác cũng tương tự như vậy. Đó là việc Huyện lệnh Yên Thế hiệu Trúc Hiên tiên sinh muốn báo đáp một phần công ơn của cha là nho sinh Nguyễn Chí Thiện, đã cung tiến cho làng 38 quan tiền để tu sửa đình, mong muốn vào lễ cầu phúc hàng năm được đưa bài vị họ tên tự hiệu của cha về lễ ở đình”. Cũng chính vị có nhu cầu chỗ ngồi cho quan viên, hương lão khi thụ lộc, nên đình có thêm sàn đình và tuy đình ít lớp kiến trúc hơn, song thông thường to hơn các nếp kiến trúc tương đương của chùa, quán.

Từ chỗ là nơi ngồi thụ lộc sau khi làm lễ cầu phúc, ngôi đình dần dần trở thành nơi hội họp của các quan viên, hương lão rồi thành nơi sinh hoạt của cộng đồng; từ chỗ là nơi làm lễ cầu phúc, rước Thần vị của Thần về tế lễ, dần dần thành nơi cúng lễ Thành hoàng và diễn ra các lễ hội truyền thống của làng xã.

Thành hoàng là vị thần bảo hộ của làng. Lệ thừo Thành hoàng ở nước ta chưa rõ có từ bao giờ. Với nguồn tư liệu văn bia, chúng tôi cho rằng Thành hoàng được thờ cúng ở đình rất có thể muộn hơn so với thời điểm xuất hiện của ngôi đình. Bở như trên đã trình bày, thì chức năng ban đầu của đình đâu phải là để thờ Thành hoàng. Thực tế, trong các ngôi đình được dựng ở thời Mạc, chưa hề có Hậu thần - người được phụ thờ với Thần ở đình do dân làng tôn bầu. Trường hợp đình Mão Điền mặc dù có tới hai vị cúng tiền của để làng sửa đình, nhưng cũng chỉ được rước bài vị ra đình làm lễ cầu phúc của làng, chứ chưa hề được tôn bầu làm Hậu thần như vừa nêu ở trên. Còn trường hợp bà Phạm Thị Tâm (trong Bi đình kí) cúng 1 mẫu ruọng và 1 chiếc ao để xã làm đình, lại được tôn bầu làm Hậu phật cúng giỗ ở chùa, chứ không phải là được bầu làm Hậu thần tôn thờ ở đình như thường gặp ở các thể kỉ sau. Sự thực thì lệ bầu Hậu thần được phụ thờ ở đình, mới chỉ xuất hiện trên văn bia từ thế kỷ XVII trở đi mà thôi. Mặt khác, trong các sắc phong của triều đình cho các Thần làng, thì tên gọi Thành hoàng xuất hiện với tên gọi đầy đủ là “Bản cảnh Thành hoàng”, hoặc “Đương cảnh Thành hoàng” mới gặp trên thần tích từ năm Vĩnh Hựu 2 (1736) do Quản giám bách thần Nguyễn Hiền phụng sao và trên sắc phong vào thời Nguyễn. Trong các sắc phong thời Lê thế kỷ XVII trở về trước, chưa hề gặp tên gọi “Thành hoàng” mà chỉ gọi là Thần như “Thượng đẳng Thần từ” (Sắc đền Tử Dương, Ưng Hòa, Hà Tây năm 1574). Đây là Thần được thờ ở đến chứ không phải là Thành hoàng được thờ ở đình.

Tóm lại đình làng xuất hiện ở thời Mạc và có thể bắt đầu từ thời Lê sơ (thế kỷ XV), trở lên phổ biến từ thế kỷ XVII. Còn Thành hoàng có thể thực sự được thờ cúng ở đình làng khi ngôi đình đã trở nên phổ biến đối với mọi làng xã và xuất hiện trước khi có lệ bầu Hậu thần: đó là thời kì từ thế kỉ XVII trở đi.

Chú thích:

1. Thế hệ tôn bầu Hậu thần khá phổ biến từ thế kỷ XVII trở đi. Người được tôn bầu làm Hậu thần có quyền lợi chính là khi sống thì được biếu xén mỗi khi làng mở hội tế kễ ở đình, sau khi mất được thờ cúng ở đình.

2. Hầu hết đình làng ở thế kỷ XVI qua văn bia đều chưa có ruộng đình, ngay cả đất để làm đình cũng rất hẹp. Duy có đình Đại Loan đã bắt đầu có người cúng ruộng cho đình, nhưng cũng rất ít. Trong khi đó các miếu Thần đều có ruộng cúng lễ như đền xã La Mai huyện Hoa Lư (Ninh Bình) dựng năm 1589 có ruộng lễ Thần như ruộng Tam bảo của chùa Phật, phân cho dân luân lưu cày cấy, lo việc cúng lễ…

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.389-397 )

Viết bình luận