Nền văn hóa giáo dục thời nhà Mạc ở Cao Bằng

NỀN VĂN HÓA GIÁO DỤC THỜI NHÀ MẠC Ở CAO BẰNG

(1592 - 1677)

NGUYỄN XUÂN TOÀN

Năm 1592 nhà Lê giành lại ngôi vua, nhà Mạc thất thế phải bỏ thành Thăng Long chạy lên Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Cạn, Mạc Kính Cung chọn Cao Bình (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng ngày nay) làm kinh đô, xưng vua là Càn Thống hoàng đế. Mạc Kính Cung lo chấn chỉnh triều đình như khi còn ở Thăng Long. Để lo sự nghiệp lâu dài vững chắc, chiếm lại Thăng Long, để trấn an nhân dân quy phục, nhà Mạc ngoài lo việc phòng thủ xây dựng thành lũy, luyện tập quân cơ để đề phòng quân Lê – Trịnh lên chinh phục, nhà Mạc còn lo việc đào tạo những nhân sĩ trí thức để bổ sung cho bộ máy chính quyền sau này, mở mang dân trí.

Mạc Kính Cung mở trường Quốc học ở Bản Thánh (nay là Bản Thảnh), xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, gần Bản Phủ, nơi thiết triều của vua Mạc, cứ ba năm một lần tổ chức thi hương, thi hội, thi đình. Trải qua ba đời vua Mạc: Mạc Kính Cung Càn Thống hoàng đế làm vua được ba mốt năm (1594 – 1625), Mạc Kính Khoan Long Thái hoàng đế (1623 – 1638), Mạc Kính Vũ Thân Đức hoàng đế (1638 – 1677), liên tục 85 năm (1592 – 1677) trường Quốc học Bản Thảnh đã mở mười hai khoa thi, đào tạo được nhiều nhân tài, các môn sinh ra trường đỗ đạt được trọng dụng, bổ sung vào các cấp chính quyền nhà Mạc, một số môn sinh ra trường tỏa ra các vùng nông thôn để dạy học chữ Hán, chữ Nôm, nhờ đó nhân dân biết chữ nghĩa lại phát triển chữ Nôm Tày được dùng rộng rãi trong sổ sách và sáng tác thơ Nôm Tày. Nổi lên có ông Bế Văn Phùng, quê ở Bản Vạn, châu Thạch Lâm (nay là xã Bế Triều, huyện Hòa An). Ông đỗ tiến sĩ ở trường Quốc học Bản Thảnh, được vua Mạc Kính Cung phong làm Tư Thiên Quản Nhạc, ông giỏi về khoa chiêm tinh trông coi lễ nhạc trong cung đình vua Mạc, ông thạo về thiên văn cổ đại, lý thuyết âm dương, ông sáng tác nhiều tác phẩm chữ Nôm Tày theo thể thơ thất trường thiên như sách “ Tam nguyên luận” với 818 câu thơ để luận đoán thời cuộc một chu kỳ 60 năm. Sách “Trung nguyên luận” nói về xã hội suy thoái, nhân dân ly tán, đạo đức suy đồi, người có đức bị dập vùi; “Thượng nguyên tuần” là quy luật thiện thắng ác. Sách “Giáo nam, giáo nữ”có 450 câu thơ giáo dục trai trẻ có đức, có tài để phụng sự đất nước. Ông cũng là nhà tâm lý học. Khi vua Mạc Kính Cung đã có đủ lực lượng quân sự hùng hậu đem quân về đánh Thăng Long song bại trận, vua mắc bệnh trầm uất. Ông biết được nguyên nhân bệnh tình, cùng ông Nông Quỳnh Văn ở bản Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay là huyện Trùng Khánh) dựa theo điệu hát Then cổ truyền cải biên nghệ thuật hát Then, Giàng, phía Tây (Hòa An) tổ chức đội Then nữ, phía Đông ( Trùng Khánh) tổ chức đội Then nam. Hai ông tổ chức lễ Kỳ Yên giải hạn diễn xướng trong cung đình vua Mạc với nhiều làn điệu như Cao Sơn, Lưu Thủy, Giã Bạn, làn điệu nhịp nhàng với cây đàn tính êm dịu, nhà vua hết bệnh trầm uất.

Ông là người phát triển chữ Nôm Tày, nhờ có các nhà Nho ở dưới xuôi lên theo nhà Mạc dạy chữ Hán, chữ Nôm nên ở Cao Bằng hoàn thiện chữ Nôm Tày, như truyện: Lưu đài hán xuân, Nam Đán, Thị Đan Kim Quế…tiếc rằng, khi nhà Mạc tan rã các thư pháp bị đốt, còn sót lại một phần trong dân.

Nhà Mạc ở Cao Bằng đem lại sự phồn vinh, mở mang tri thức cho người dân Cao Bằng, được coi thời Mạc là thời thịnh trị: Dưới đây có bài thơ của Bế Văn Phùng tả chữa bệnh cho vua Mạc Kính Cung bằng chữ Nôm Tày:

Phá đàn tế phi ôn pùa Mạc

Đoàn Giảng viết truyện thơ Nôm kể:

Nguyên là pùa Mạc Kính Cung vương

Hoằn quẹng dư chang khẩu chầu hậu cung

Triệu soong quan khẩu chầu hậu cung

An cung nữ mừa mừng chúc chủa

Bế Phùng lễ tặt hất Pụt Tày

Mừng tôi tính kha vây sáu nhạc

Rập rìu tèo cằm pác ón van

Càng dồm hăn càng van đây tỉnh

Lượn hẩu nhình chang tỉnh đây sao

Tập hẩu Kính Cung chan đin đế đò

Đây Kính Cung dổm khua đay quá…

Dịch:

Nguyên là lúc vua Mạc Kính Cung

Ngày vắng ở trong cung buồn rầu

Truyền hai quân vào chầu ở hậu cung

Lấy cung nữ múa mừng chúc chúa

Bế Phùng thì đặt ra bụt Tày

Tay gẩy tính, chân rung sóc nhạc

Rập rìu tiếng hát ngọt đưa

Càng xem lâu càng vừa ý thích

Chọn giai nhân trong tỉnh đẹp xinh

Tập thành thạo đưa trình vào tiến

Chầu Kính Cung trong điện đế đô

Được kính cung hoan hô khen ngợi…

Kính Cung đem quân đánh về Thăng Long bị thua trận phải rút về Cao Bằng, bị bệnh trầm uất ốm đau, quan thái y chữa mà không chuyển, mời quản nhạc Bế Văn Phùng đưa đội Then nữ đến múa hát, nói chuyện chiêm tinh, xét về sự chuyển vận tự nhiên, bĩ cực đến thái lai, hết suy đến thịnh, kết quả Kính Cung khỏi bệnh.

Thực chất “Tam nguyên luận” là bản kế sách trình bày trước vua dưới dạng văn nghệ giải buồn có điểm qua quy luật những sự kiện lịch sử theo thể thơ thất ngôn trường thiên. Tam nguyên luận có 5 đoạn: Hạ nguyên, trung nguyên, thượng nguyên, thất thế,đắc thế.

Có ông Nông Văn Nọong  tức ông Nông Quỳnh Văn, người xã Nga Ổ, châu Thượng Lang (nay là xã Trí Viễn, huyện Trùng Khánh),ông làm bạn tâm giao với Bế Văn Phụng, ông sáng tác thơ ca nổi tiếng, là sư tổ của Giàng (Thn bụt), với cây đàn tính tẩu hai dây, ông đã sáng tác nhiều bài thơ hay, trong đó có bài Tứ Quý Hồng Nhan nói về tâm tư buồn phiền của tác giả, ví mình như cô gái có tài sắc mà chưa tìm được ý trung nhân, kẻ sĩ có tài mà trong cảnh loạn ly không tìm được minh quân cứu đời…

Trích đoạn: Tứ Quý Hồng Nhan

…Nếu sinh ra ở chốn Kinh Đô

Chắc sẽ được gần vua gần chúa

Cho đáng tài, đáng số, đáng thân

Bởi số sinh lạc mường ngoài trấn

Tựa như rồng nằm ẩn rừng hoang

Phượng hoàng cùng quạ khoang kết bạn

Sinh ra gặp thời loạn nằm co

Ngựa đành chịu theo bò đeo mõ

Để biện minh cho thái độ vô vị của mình:

Gái ngoan được chồng giỏi chồng yêu

Ai cũng lo gia môn lập nghiệp

Người người trăm công

Kẻ rào vườn, kẻ trồng rau đỗ

Chồng khôn cùng vợ lo tề gia

Nếu vợ chồng không vừa không xứng

Mới ra điều lười biếng trách chê

Mới ra câu than thân trách số…

Còn nhiều bài lượn, lượn Ba Thu tả cảnh du ngoạn 3 châu, chơi chợ tỉnh…

Khoa thi năm Bính Thìn (1616), tại trường Quốc học Bản Thánh, có bà Nguyễn Thị Duệ đỗ tiến sĩ. Bà quê làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bà cùng gia đình theo nhà Mạc lên Cao Bằng, Bà giả dạng là nam để được học, kỳ thi Hội năm Bính Dần bà đỗ tiến sĩ đầu bảng, thầy giáo dạy bà họ Cao đỗ thứ nhì. Thầy giáo thốt lên: “Màu xanh vốn là màu lam mà ra, nhưng lại xanh hơn lam”. Sau đó, nhà vua thấy bà yểu điệu, lại giỏi chữ nghĩa nên vua miễn cho tội khi quân (giả trai) và mời về Ly cung Đống Lân để dạy học cho cung phi, hoàng tử, công chúa với danh là Sao Sa.

Năm 1625, đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ thứ hai, đời chúa Trịnh Tráng, triều đình nhà Lê cử tướng Trịnh Kiền đem đại quân lên đánh Cao Bằng, bắt được Mạc Kính Cung đưa về cung trị tội. Khi Mạc Kính Cung bị bắt (1625), bà Nguyễn Thị Duệ phải chạy trốn vào nơi biên ải xa xôi và đi tu ở chùa Sùng Phúc, châu Hạ Lang. Tại đây, bà trông nom tu sửa chùa, mở lớp dạy học chữ Hán, chữ Nôm, giảng về kinh Phật, về giáo lý đạo Phật cho nhân dân trong vùng. Nhà Lê biết về tài năng của bà, đã cho người tìm đến Hạ Lang, không bắt bà mà mời bà về kinh đô để dạy học cho các hoàng tử, công chúa tại cung vua, phủ chúa.

Để tưởng nhớ công đức bà đã mở mang trí thức, dạy chữ cho dân Hạ Lang, nên ở địa phương đặt tên bà cho một bản ngay gần châu lỵ Hạ Lang là bản Huyền Du. Ở kinh đô, vua Lê – chúa Trịnh phong bà chữ “Lễ Thi”, giúp vua xem văn bài các vị đỗ tiến sĩ ở các kỳ thi  để chọn cho vua người có tài, có đức ra giúp nước. Bà còn để lại pho từ điển chữ Nôm nổi tiếng “Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa” đồng tác giả với bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông).

CÔNG CHÚA MẠC THỊ TUYẾT LAN VỚI SỰ RA ĐỜI HÁT LƯỢN NÀNG TRĂNG

Cuối năm 1677, sau khi kinh đô nhà Mạc ở Cao Bình – Nà Lữ thất thủ, vua Mạc Kính Vũ chạy thoát về Phục Hòa cố thủ. Nhà Lê cử Đô chưởng tướng Đinh Văn Tả ở lại Cao Bằng truy quét tàn quân Mạc.Tướng Tả không muốn hai bên đổ máu làm dân chúng rơi vào cảnh loạn ly nên dùng chiến thuật trường kỳ vây hãm, thuyết phục nhà Mạc quy hàng. Để có lương thực tại chỗ, Tổng Lao cho quân vừa sản xuất, cày cấy, vừa canh giữ tuần phòng, vừa khuyến khích binh lính lấy vợ người bản địa, vừa tổ chức vui chơi cho quân sĩ đỡ nhớ nhà. Công chúa Mạc Thị Tuyết Lan và cô bạn kết nghĩa được giao cho tổ chức lễ hội Nàng Hai (Nàng trăng). Lễ hội tổ chức vào những đêm trăng sáng, múa hát, trai gái giao duyên, lễ vật đơn giản là hoa rừng. Hai cô gái làm chủ chốt là Hai Cốc, Hai Nhì (Trăng cả, Trăng thứ), một cô áo đỏ, một cô áo vàng. Lễ hội có sắc thái hồn nhiên (giống như phụ đồng, phụ chồi của người Kinh), sau trở thành lễ hội cầu mùa vào ngày 18 tháng 3 hàng năm. Lễ hội là nét văn hóa lành mạnh của người Tày còn được gìn giữ đến ngày nay ở vùng Phục Hòa, xã Tiên Giao (nay là xã Tiên Thành) có nhiều cụ già còn thuộc các bài hát nàng Trăng.

Có ba loại Then là lượn Cọi, lượn Slương và lượn Then. Lượn Cọi là hát buồn, các binh sĩ ở miền xuôi lên  mới nâng cao giọng hơn cho đỡ buồn, cải tiến giọng hát gọi là lượn Slương (thương yêu nhau) với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Quản nhạc Bế Văn Phùng và Nông Văn Nọong cải giọng cao hơn gọi là Then, lượn xen lẫn tiếng Kinh.

Lượn Then có hai người hát, hát chính và hát phụ.

Trích đoạn lượn Then lễ hội Nàng hai (trích chương Trăng xinh).

Trăng xinh trên trời lộn mây vàng

Tay vẫy nàng trăng chẳng xuống sàn

Tay vẫy nàng trăng chẳng xuống hội

Chẳng ngờ rằng trăng định gia san

Trăng xinh trên trời lộn mây trắng

Tay vẫy trăng xinh chẳng nói năng

Tay vẫy nàng trăng, trăng chẳng đáp

Nam Tào đã định số rồi chăng?

Trăng xinh ròi rọi ngọn trám đen

Trăng sáng lòng rầu bởi vì em

Trăng sáng lòng rầu bởi vì em

Bạn hỡi có thương đáp lời khuyên

Trăng xinh ròi rọi ngọn cây Sâu (phong)

Trăng rọi đôi ta ở cách châu

Trăng rọi đôi ta ở cách xứ

Cách xứ đường xa mới nỗi sầu

Trăng xinh trên trời thật cao cao

Trăng sáng chói lọi sáng biết bao

Năm sắc cầu vồng đềun có đủ

Rọi khắp nơi chẳng sót chốn nào

Tiễn trăng về trời, tiễn trăng về

Đêm nằm trằn trọc dạ đê mê

Thứ nhất lo trăng về không lọt

Thứ hai thâm tâm thật não nề.

Vọng năm canh (sưu tầm Đình Văn Kê)

Cỏ cây giá lạnh đầu trống canh

Chức Nữ trong phòng giữ phận mình

Duyên người thành ra ai có biết

Duyên người có chồng lại dối quanh

Đêm dài trôi về trống canh hai

Muốn xin tờ mệnh về tay trắng

Em có chốn rồi hoặc chờ ai

Vắng vẻ đêm trường trống canh ba

Mong giữ mệnh đơn tới không nhà

Mong ghép mệnh ta cùng mệnh bạn

Lo người có chốn chẳng chờ ta.

Gà gáy khắc khoải trống canh tư

Thấy nhạn bay qua mong gửi thư

Thấy nhạn bay qua mong kết bạn

Nặng chi tờ giấy nhạn chối từ

Ve kêu canh năm trời rạng rồi

Trai gái thanh lịch dạ bồi hồi

Đêm vắng còn nghe chim khảm khắc

Ngày rạng thảm thiết tiếng ve thôi.

  • Trăng xinh, ca ngợi trăng mà chính là ca ngợi hát đối cùng với Hai Cốc, Hai Nhì chủ trì lễ hội Nàng trăng.
  • Vọng năm canh tính thời gian ban đêm thành từng canh của cái vọng gác của các binh sĩ miền xuôi lên trấn thủ. Trước vọng năm canh chỉ nói đến tiếng côn trùng, chim rừng gọi bạn hay tiếng gà gáy, nay nói đến nỗi buồn của tình yêu.

CHỮ NÔM TÀY

Có giả thiết cho rằng, chữ Nôm Tày ra đời vào khoảng thế kỷ XVI – XVII. Hai ông Bế Văn Phụng và Nông Quỳnh Văn tổ chức âm nhạc phục vụ cung đình nhà Mạc ở Cao Bằng. Nay còn lưu lại hai áng thơ Nôm “Lượn tam nguyên” của Bế Văn Phùng đỗ tiến sĩ thời Mạc và lượn “Hồng nhan tứ quý” của Nông Quỳnh Văn làm quan trong vương phủ Mạc.

Rõ ràng nhà Mạc đóng đô ở Cao Bằng đã tạo ra sự giao thoa Tày – Việt rất quý và cần thiết về văn hóa, văn minh, ngôn ngữ, văn tự nên việc học chữ Hán, chữ Nôm phát triển nhanh. Vương triều Mạc ở Cao Bằng đã tạo ra cho địa phương một nền văn học rất tốt, có nhiều người Tày nổi danh về thơ phú, văn chương, văn tự ghi chép bằng chữ Nôm Tày.

Có một giả thiết chữ Nôm Tày có từ thời Bắc thuộc (tạp chí của huấn đạo Bế Quỳnh người Tày Cao Bằng còn lưu giữ ở Viện Hán Nôm Việt Nam, viết năm 1920).

Trong chương Nhân vật lục có viết: Một nhà trí thức người Tày tên là Lý Thế Thanh, con nhà quyền quý ở tổng Nhương Bạn, châu Thạch Lâm – Cao Bằng (xã Bình Long, Bế Triều, Hồng Việt huyện Hòa An), sinh năm 1389, về kinh đô Thăng Long học năm 1404 lúc 15 tuổi. Khi thôi học năm 1420 vào tuổi ba mươi mốt về quê dạy học hai mươi năm, thấy chữ Hán không phù hợp với thổ âm quê mình,sáng tác các bài hát mỗi câu bẩy chữ có vần của bản địa nên những bài hát được lưu truyền, chàng lại sành âm nhạc, dùng quả bầu chế ra cây đàn tính.

Như vậy, Lý Thế Thanh đã cải biến chữ Nôm Tày, đến đời nhà Mạc chữ Nôm Tày được hoàn chỉnh và dùng rộng rãi hơn.

Nhờ có chữ Nôm Tày ta còn giữ được nhiều tư liệu cổ về văn học và ngôn ngữ, lịch sử, địa lý…

Chữ Nôm Tày và các tư liệu cổ ghi chép bằng chữ Nôm Tày là những di sản văn hóa của tiền nhân để lại vô cùng quý báu, mang bản sắc dân tộc đậm đà.

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết bình luận