Mối quan hệ giữa họ Mạc với họ Nguyễn, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn

Mối quan hệ giữa họ Mạc với họ Nguyễn, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn

Họ Mạc và họ Nguyễn có quan hệ duyên nợ với nhau từ khi Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hoằng Dụ cùng làm quan bảo vệ lợi ích triều Lê.

Đại Việt thông Sử của Lê Quý Đôn chép rằng năm 1516 sau khi dẹp xong loạn Trần Cảo, Trịnh Tuy và Nguyễn Hoằng Dụ mâu thuẫn, thanh toán nhau ngay tại Thăng Long. Nguyễn Hoằng Dụ đánh Trịnh Tuy không thành bèn xuống thuyền lánh vào Thanh Hóa. Bấy giờ thông gia của Mạc Đăng Dung là Trần Chân, phe cánh của Trịnh Tuy gửi thư khuyên Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Sơn Nam nên chặn giữ lại. Nhưng Mạc Đăng Dung không giữ để cho Nguyễn Hoằng Dụ đi thoát.

Đầu năm 1517 vua Lê Chiêu Tông nghe lời Trần Chân sai Nguyễn Công Độ đem quân bộ, Mạc Đăng Dung đem quân thủy đuổi Hoằng Dụ chạy vào huyện Thuần Hựu. Hoằng Dụ hội quân chống nhau với triều đình, ông gửi một bức thư và bài thơ cho Mạc Đăng Dung khuyên Đăng Dung đừng bức bách mình. Mạc Đăng Dung nhận được thư và thơ đó liền đóng quân không tiến đánh. Hoằng Dụ được toàn quân chạy về.

Cuối năm 1518, Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư làm phản, lôi kéo Nguyễn Kính định hạ Lê Chiêu Tông, lập Lê Do. Chiêu Tông phải vời Hoằng Dụ cùng Đăng Dung đem quân đánh Nguyễn Kính. Quân của Hoằng Dụ không địch nổi Nguyễn Kính, ông lui về Thanh Hóa và ốm chết.

Như vậy họ Nguyễn ít nhiều chịu ân tình của họ Mạc

Xung đột thực sự xảy ra giữa hai họ khi họ Mạc phế truất vua Lê, lập nên Vương triều nhà Mạc năm 1527.

Lê Quý Đôn chép rằng một người con của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim (1) không hợp tác với nhà Mạc mà chạy sang Lào năm 1533 lập tôn thất Lê Duy Ninh lên làm vua hiệu là Lê Trang Tông chống lại nhà Mạc.

Trong cuộc chiến chống nhà Mạc, Nguyễn Kim phải dựa vào con rể là Trịnh Kiểm để giành lại quyền cai trị đất nước từ tay họ Mạc. nhưng bất hạnh cho Nguyễn Kim là ông đã chọn phải người con rể có tài thao lược nhưng cũng đầy tham vọng, mưu mô phản bội. Trịnh Kiểm đã thâu tóm quyền lực, đầu độc Nguyễn Uông, con cả của Nguyễn Kim và cũng có thể đầu độc cả Nguyễn Kim (2).

Do sự phản bội của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng người con út của Nguyễn Kim cùng chị gái là vợ Trịnh Kiểm đã tính đến việc lánh xa về phía Nam để bảo tồn tính mệnh. Có lẽ họ Nguyễn đã tính đến việc liên kết với người họ Mạc để xây dựng căn cứ ở phía Nam. Tuy vậy cho đến hiện nay không còn sử liệu nào nói rõ nguyên nhân việc này.

Trước hết phải kể đến mối quan hệ đặc biệt giữa Nguyễn Hoàng (1525- 1613) và Mạc Cảnh Huống (1542 – 1677).

Hai người là anh em cọc chèo, vợ Mạc cảnh Huống là bà Nguyễn Thị Ngọc Dương em gái của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Theo gia phả của tộc Nguyễn Trường gốc Mạc làng Trà Kiệu xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì Mạc Cảnh Huống là con của Mạc Phúc Hải, em trai của Mạc Kính Điển và là chú ruột của Hoàng hậu Mạc Thị Giai, hậu của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.

Theo Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn Ngay từ khi Nguyễn Hoàng vào Nam lần thứ nhất 1558 Mạc Cảnh Huống đã có mặt ở dinh Ái Tử cùng với Nguyễn Ư Dĩ và Tống Phước Trị (3).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đánh giá rằng Mạc Cảnh Huống là một tài năng quân sự đã hoạch định chiến lược quân sự và góp phần to lớn trong việc xây dựng và củng cố nền thống trị của nhà Nguyễn trong buổi ban đầu vào đầu thế kỷ XVII. Mạc Cảnh Huống là người phục vụ ba đời chúa Nguyễn kể từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, rồi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tới chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan trong suốt 38 năm từ 1600 đến 1638. Với cương vị là chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong ông là người vạch kế hoạch để chống quân Trịnh ở mặt phía Bắc, bình quân Chiêm mở rộng bờ cõi về phương Nam, giữ yên cương vực phía Tây. Để ghi nhận công lao của ông năm 1617 chúa Tiên Nguyễn Hoàng tấn phong ông chức Nguyên huân Sư Thống thủ Thống Thái phó. Sau này ông được nhà Nguyễn tôn vinh là một trong ba khai quốc công thần với sự nghiệp của các chúa Nguyễn.

Trên thực tế thời cuộc quan hệ của Mạc Cảnh Huống và Nguyễn Hoàng là rất éo le. Chúng ta biết rằng ông đi theo Nguyễn Hoàng ngay từ lúc nhà Mạc còn tương đối vững chắc, còn Nguyễn Hoàng hiển nhiên đang là thù địch của họ Mạc, là người góp phần đáng kể vào sự diệt vong của nhà Mạc với các chiến dịch càn quét tàn quân nhà Mạc ở Sơn Nam, Hải Dương, Yên Quảng từ 1593 đến 1600. Trong thời gian đầu Mạc Cảnh Huống đi với Nguyễn Hoàng, vẫn còn có những cuộc đánh phá của quân Mạc vào Thuận Hóa, mà điển hình là cuộc tiến binh thảm bại 1572 của tướng Lập Bạo.

Vậy thì việc Mạc Cảnh Huống sớm rời bỏ nhà Mạc đi về phía Nam có phải xuất phát từ chiến lược lâu dài của họ Mạc chống lại chúa Trịnh hay chỉ là ý thích nhất thời bồng bột của một chàng thanh niên và trong thời gian đầu chúa Nguyễn còn phải chống cả nhà Mạc, Mạc Cảnh Huống đã phân thân với vai diễn éo le như thế nào. Đó là những câu hỏi đến nay vẫn không có cứ liệu nào giải đáp được.

Có một sự kiện có thể biết được sự hợp tác giữa chúa Nguyễn với vua Lê, nhà Mạc đang ở Cao Bằng để tiêu diệt họ Trịnh. Đại Nam Thực lục chép rằng: Cuối năm 1655 tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đã cho người mang mật thư đến các trấn Bắc Hà để chiêu dụ hào kiệt hẹn cùng nổi lên. Ở Cao Bằng thì có Mạc Kính Hoàn, ở Hải Dương thì có Quận công Phấn, ở Sơn Tây thì có Phạm Hữu Lễ… Kế hoạch là hễ quân chúa qua sông Lam thì xin phát binh hưởng ứng. Hải Dương thì không nộp thuế để cho tuyệt lương, Cao Bằng thì tiến chiếm Đoàn Thành (nay là tỉnh lỵ Lạng Sơn) để chia thế lực, Sơn Tây thì nguyện làm nội ứng để cướp lấy thành. Rất tiếc kế hoạch đầy tham vọng này không thành vì tháng 4/1657 Trịnh Tráng chết, chúa Nguyễn Phúc Tần đã ra đến Nghệ An nhưng do dự vì họ Trịnh đang có tang bèn cử người đi viếng và hồi loan (4).

Sau quan hệ của Mạc Cảnh Huống với Nguyễn Hoàng còn có quan hệ của Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Hậu Mạc Thị Giai (1578 – 1630) với họ Nguyễn.

Theo gia phả của chi họ Nguyễn Trường gốc Mạc mà thủy tổ là Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai là con gái trưởng của Khiêm vương Mạc Kính Điển. Năm 1592 sau khi Mạc Kính Điển qua đời, vào lúc nhà Mạc rút chạy khỏi Thăng Long, Mạc Thị Giai quyết định đi vào Thuận Hóa để nương tựa vào chú ruột. Thời gian đầu Mạc Thị Giai được đưa về sống với cộng đồng họ Mạc đã đổi ra họ Ngô ở làng Cổ Trai gần Cửa Tùng trong ngôi chùa Lam Sơn Phật Tự do vợ chồng Mạc Cảnh Huống giúp xây dựng nên. Có thể do vai trò của bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, Quận chúa Mạc Thị Giai đã trở thành Hoàng hậu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Các con của bà đã có nhiều đóng góp cho đất nước. Người con trai thứ hai trở thành Chúa Nguyễn Phúc Lan. Con gái trưởng của bà là Nguyễn Thị Ngọc Liên lấy Mạc Cảnh Vinh con trưởng của Mạc Cảnh Huống. Công chúa thứ hai Nguyễn Phúc Ngọc Vạn năm 1620 tình nguyện lấy nhà vua Chân Lạp Chey Chetta II để giúp cha anh giữ yên bờ cõi phía Nam đối phó với chúa Trịnh phía Bắc. Công chúa thứ ba Nguyễn Phúc Ngọc Khoa năm 1631 được gả cho vua Chiêm Thành là Pô Rô Mê để giữ hòa hiếu Việt Chiêm.

Cùng với cha, Mạc Cảnh Vinh cũng là một tướng giỏi có nhiều công trạng với nhà Nguyễn nhất là việc mở mang bờ cõi phía Nam. Ông đã được chúa Nguyễn phong Phó tướng giao cai quản dinh trấn Phú Yên từ năm 1629 đến năm 1641. Hai vợ chồng ông đã giúp đỡ các cố đạo phương Tây phát triển đạo Thiên chúa ở vùng này (5) .

Ngoài gia đình Mạc Cảnh Huống, còn nhiều gia đình họ Mạc đã triển khai chiến lược lâu dài ở phía Nam.

Từ 1530 vua Mạc Đăng Doanh đã cử hai người em của mình vào trấn giữ miền đất mới phía Nam. Khang vương Mạc Nhân Phủ quản trấn miền Trị Thiên. Quảng vương Mạc Quang Khải quản trấn miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Từ 1558 nhà Lê giao cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào bình định trấn thủ Thuận Hóa, hai ông không chống đỡ nổi phải phân tán lực lượng, di tản vào vùng sâu, cho con cháu thay tên đổi họ. Theo gia phả của các họ gốc Mạc vùng này con cháu Mạc Quang Khải đổi ra họ Huỳnh (Mộ Đức), họ Hoàng (Ngũ Hành sơn), con cháu Mạc Nhân Phủ đổi ra họ Ngô (Vĩnh Linh), họ Thái (Cam lộ, Hải Lăng). Sau 1593 lúc thất thủ ở Thăng Long, sau 1677 lúc thất thủ ở Cao Bằng và trong dịp nhà Nguyễn đánh ra Nghệ Tĩnh nhiều con cháu họ Mạc đã chạy vào phía nam để sinh sống.

Con cháu họ Mạc phía Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn của hai sự kiện.

Sự kiện thứ nhất là trong thời gian họ Trịnh đánh chiếm Thuận Hóa, Quảng Nam 1774 – 1786. Con cháu họ Mạc lại phải chạy trốn, thay tên đổi họ lần nữa. Có lẽ vì thế, các di tích của họ Mạc ở làng Cổ Trai Vĩnh Linh bị tàn phá và con cháu họ Ngô gốc Mạc phiêu bạt hết đến mức số còn lại hiện nay không giữ được ấn tượng gì về quá khứ tổ tiên. Sự kiện thứ hai là những lần nhà Tây Sơn tiến đánh cai quản các vùng đất từ Phú Yên trở ra 1785 – 1802, những con cháu họ Mạc có quan hệ thân thiết với chúa Nguyễn cũng không tránh khỏi sự trả thù. Điều này được ghi lại trong gia phả họ Nguyễn Trường Duy Xuyên.

Thời gian đã làm nên nhiều chi học gốc Mạc lớn có truyền thống như chi họ Thái Quảng Trị, chi họ Huỳnh Đức, Nguyễn Công Đà Nẵng, chi họ Hoàng Điện Bàn, Quảng Nam, chi họ Phạm Đăng ở Tư Nghĩa, chi họ Phạm Công, chi họ Bùi ở Mộ Đức, chi họ Huỳnh Đăng ở Đức Phổ Quảng Ngãi, chi họ Mạc ở Bình Định…

Con cháu các chi họ gốc Mạc ở phía Nam đã nhanh chóng hòa vào cuộc sống mới, xây dựng quê hương mới. Nhiều người đỗ đạt cao, có vị trí cao trong bộ máy quan lại nhà Nguyễn, nhiều chi họ đã có công trạng trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Có thể kể ra những nhân vật gốc dòng họ Mạc có tên tuổi như Quốc công Huỳnh Đăng Khoa, Phạm Đăng Dinh, Phạm Đăng Hưng, Phạm Văn Nga, Hoàng Diệu, Thái văn Toản…

Sự hợp tác của họ Mạc ở phía Nam trong suốt quá trình lịch sử đã góp phần giúp cho họ Nguyễn thực hiện các mục tiêu xây dựng được một hậu phương rộng lớn có nguồn lực kinh tế mạnh mẽ, đứng vững trước các cuộc tấn công của quân đội Lê Trịnh, làm suy yếu họ Trịnh, đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lập nên Vương triều Nguyễn.

Để đáp lại, họ Nguyễn đối xử với họ Mạc như thế nào?

Trước hết là quan hệ thông gia hòa hiếu. Điển hình nhất là mối quan hệ của gia đình Mạc Cảnh Huống với các chúa Nguyễn. Cha con Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai và em gái là Mạc Thị Lâu đều được ban quốc tính họ Nguyễn Phúc (6). Sau này chi họ Phạm Đăng Gò Công, một chi nhánh của họ Phạm Đăng Quảng Ngãi cũng có Hoàng hậu Từ Dũ. Những người con dâu như thế đã góp phần làm đẹp gia thế dòng họ Nguyễn Phúc tộc.

Các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã phong tước trọng dụng nhiều nhân tài họ Mạc, gốc Mạc như các vị đã nói đến ở trên.

Sau khi nhà Mạc thất thế, các sử gia của vua Lê Chúa Trịnh đã tiến hành viết lại lịch sử đất nước với quy mô lớn như bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng nhìn chung dưới con mắt các nhà sử học thời Lê Trịnh nhiều sự kiện lịch sử về nhà Mạc, nhiều tác gia văn học Mạc đã bị đánh giá không đúng hoặc bị bỏ qua hoặc coi là chép phụ, nhuận triều, ngụy triều.

Nhà Nguyễn đã chú trọng đầu tư tổ chức viết lại sử nước nhà.   Đáng chú ý là ba bộ sử lớn Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam Thực lục. Trong các bộ sử này phần viết về nhà Mạc, họ Mạc tương đối khách quan hơn, đầy đủ hơn. Các sử gia nhà Nguyễn đã có ý thức phê phán những mặt tiêu cực của thời kỳ vua Lê chúa Trịnh.

Như nhiều sử sách đã nói, sau sự kiện nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long nhiều di tích của nhà Mạc, họ Mạc đã bị quân chúa Trịnh tàn phá. Sau khi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, con cháu họ Mạc trốn đi các nơi xa mới quay về quê cũ lập lại nơi thờ tự. Ở một số cơ sở chính như Cổ Trai, Long Động họ đã được các vua nhà Nguyễn cho phép xây lại từ đường họ Mạc.

Nhà Nguyễn cũng đã cho khôi phục lại các di tich thời nhà Mạc đã bị Lê Trịnh tàn phá như đền miếu, đình chùa ở Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, như Lam Sơn Phật tự ở Vĩnh Linh, đền thờ Mạc Cảnh Huống ở Ngũ xã Duy Xuyên Quảng Nam…

Bước đầu tôi có nhận xét như sau :

Quan hệ giữa họ Mạc với họ Nguyễn, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn là mối quan hệ phức tạp trong lịch sử, từ hợp tác bảo vệ nhà Lê đến đối kháng đối đầu trong xung đột lợi ích giữa nhà Lê Trung hưng với nhà Mạc và cuối cùng lại hợp tác khi nảy sinh xung đột giữa họ Nguyễn với họ Trịnh để bảo vệ họ Nguyễn, họ Mạc.

 Đánh giá mối quan hệ phức tạp này thế nào, tác động của lịch sử đến đâu, quan hệ cá nhân đến đâu rất cần được nghiên cứu nghiêm túc và tiếp tục sưu tầm tư liệu. Dù sao mối quan hệ này đã có tác động tích cực vào tiến trình lịch sử đất nước.

 Hiển nhiên là mối quan hệ này đã tạo các điều kiện thuận cho quá trình phục hồi danh dự và phát triển của dòng họ Mạc trong thời kỳ cận hiện đại.

 CHÚ THÍCH :

  • Có tài liệu sau này, chẳng hạn gia phả họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa ghi rằng Nguyễn Hoằng Dụ chỉ là em họ của Nguyễn Kim. Xem Wikipedia.
  • Sử cũ có chép Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc nhưng cũng có sách cho rằng ông bị chính con rể hãm hại để chiếm quyền.
  • Đại nam thực lục, tập I NXBGD 2004, trang 28.
  • Đại Nam thực lục, đã dẫn trang 67 đến 70.
  • Về việc này có gây ra hậu quả xấu sau này về thái độ nhà Nguyễn đối với vợ chồng Mạc Cảnh Vinh và Mạc Cảnh Huống, có thể gây ra chia rẽ ở dòng họ Nguyễn Trường. Tham khảo thêm trong các tài liệu về những ngày đầu của Giáo hội Việt Nam. Tác giả sẽ bàn riêng trong bài Thái độ của nhà Mạc và người họ Mạc đối với các tôn giáo, sẽ giải đáp câu hỏi Tại sao trong Lăng gia đình Mạc Cảnh Huống ở Duy Xuyên không có mộ thật của vợ chồng Mạc Cảnh Vinh.
  • Xem thêm bài của ông Nguyễn Phước Tương về Mạc Cảnh Huống và Mạc Thị Giai.

Thái Kế Toại

Nguồn: homacvietnam.vn

Viết bình luận