MỘ TỔ MẠC TỘC BÊN CẠNH ĐIỆN CỔ TRAI

MỘ TỔ MẠC TỘC BÊN CẠNH ĐIỆN CỔ TRAI

NGUYỄN PHƯƠNG THOAN
PHẠM BÁ SƠN

Vừa qua, trong quá trình tìm hiểu lai lịch xuất xứ của một số tộc phái có nguồn gốc từ Họ Mạc, mà trước đây do hoàn cảnh lịch sử phải đổi sang tên khác, chúng tôi đã được đọc cuốn phả của một chi họ Phạm ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình mà trong đó đáng lưu ý là phần nói về mộ tổ họ Mạc ở Cổ Trai.

Mở đầu cuốn phả thấy đề Vĩnh Thọ tam niên Canh Tý thập nguyệt thập nhật vi biên gia tiên tự hiệu kỵ lạp phần mộ táng tại các xứ đồng điền sự.

(Ngày 10 tháng 10 năm Canh Tý – Đời Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), ghi chép việc gia tiên gồm: tên, hiệu, giỗ chạp, mồ mả táng tại các xứ đồng).

Trang cuối cuốn phả viết: “Thành Thái thập cửu niên mạnh xuân chi nguyệt cát nhật, cựu Phó lý Phạm Văn Thản thừa biên”.

(Ngày tốt, tháng giêng năm Thành Thái thứ 19 (1907), cựu Phó lý Phạm Văn Thản chép bổ sung tiếp).

Sau khi đọc kỹ từ đầu đến cuối cuốn phả (dày 40 trang), theo thiển ý của chúng tôi, thì trên cơ sở bản phả có từ năm 1660, Phạm Văn Thản đã chép lại phần trước và ghi bổ sung các phần sau vào năm 1907.

Về mộ tổ tộc Mạc, thì bên cạnh phần giới thiệu tổng quát, có kèm theo bản đồ vẽ mộ huyệt.

  1. Phần giới thiệu tổng quát (nguyên văn chữ Hán, xin dịch lại như sau):

“Mộ tổ họ Mạc (ở) xã Cổ Trai, tổng Nghi Dương, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương. (Mộ) đặt theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, thuộc địa phận sao Thủy, thu tóm (khí tượng) cả một vùng núi sông hai trăm dặm. Có bảy đoạn mạch đi từ núi Tượng Sơn đến, thì trong đó có hai đoạn xuyên qua sông mà kết huyệt tại Hạ Long, gần nơi vang dậy sóng biển, vì thế mà năm đời (được) giàu sang.

Cổ Trai qủa là vùng đất của rồng thiêng, vừa cao vừa rộng lớn. Có núi Mẫu Sơn hấp thụ nguồn nước từ núi Phụ Sơn đổ về, rồi chảy ra sông lớn, tựa như một chuỗi ngọc xuyên suốt mãi tận Đồ Sơn.

Vị trí miếu Đa Sơn là nơi sơn cùng thuỷ tận, mặt trước vách núi dựng đứng, vươn cao, chính giữa điểm này là huyệt mộ (Đức Tổ) đạt đến sang trọng tột cùng. Tuy vậy, nằm ở nơi địa đầu sóng trào, nước xoáy, nên không thể hưởng phúc lâu dài, chỉ truyền đến bảy đời”.

  1. Sơ đồ vị trí mộ huyệt:

Bản sơ đồ có hình dạng như hình con rùa, mà phía đầu là núi Lan Quân nhô ra biển Đông (đại hải), bên phải Lan Quân là núi Đa Đông và bên trái là Đồ Sơn, ngoài Đồ Sơn là núi Hải Liên. Phần “đuôi rùa” bên phải là núi Liễn Phù sát bờ sông Hổ Mang, bên trái là núi đảo mà giáp ngoài là núi Phúc Tự.

Nguồn mạch xuất phát từ phía Tây Nam qua Thượng Long, núi Nguyệt, rồi đến các huyện Đông Liêm, Phù Dực, Tứ Kỳ, Thanh Minh mà vào, Cổ Trai ở chính giữa. Vị trí mộ huyệt thấy đề hai chữ “Hạ Long” sát cạnh (phía Nam) mộ huyệt là điện Cổ Trai.

Hơn hai chục địa danh bao gồm tên sông, núi, phủ, huyện của cả một vùng bao quanh Cổ Trai đều được ghi chú vào sơ đồ theo từng vị trí khá chi tiết.

Thiết nghĩ, đây là một ghi chép mà người xưa lưu truyền lại rất đáng được trân trọng. Vậy nên, chúng tôi xin phép được giới thiệu để mọi người cùng tham khảo, chí ít cũng là để biết, nhất là đối với con cháu Tộc Mạc đương đại. Điều mà chúng tôi còn băn khoăn là không rõ vị Tổ Mạc có phần mộ nói ở đây là ai? Theo thiển ý, phải chăng là thân phụ của Mạc Thái Tổ Đặng Dung ? Ông có tên là Mạc Đăng Thuật, hậu duệ đời thứ 11 của lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ?

(Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 1998)

 

Viết bình luận