Mạc Thái Tông - Vị minh quân bị hậu thế quên lãng?

Mc Thái Tông - V minh quân b hu thế quên lãng?

MẠC THÁI TÔNG VĂN HOÀNG ĐẾ

(1530-1540)

Nền quân chủ Việt Nam trải qua hơn 1000 từ lúc Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán cho đến khi Bảo Đại thoái vị năm 1945 đã chứng kiến rất nhiều vị vua sáng trí như Lý Thái Tổ, Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng….Nhưng các nhà cai trị thời đất nước nhiễu nhương vẫn chưa được chú ý nhiều. Trong số đó có thể kể đến Mạc Thái Tổ, Trịnh Tùng, Trịnh Cương, các chúa Nguyễn….và tất nhiên là cả Mạc Thái Tông

Mạc Thái Tông húy là Mạc Đăng Doanh, năm sinh chưa rõ, là con trưởng của Mạc Đăng Dung, nguyên quán ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương (nay là Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Những năm Quang Thuận dưới thời Lê Chiêu Tông (1516-1522), Đại Việt rơi vào cảnh nhiễu nhương. Cha ông Mạc Đăng Dung nổi lên như một quyền thần hàng đầu, bản thân Đăng Doanh được phong tước Dục Mỹ Hầu.

Năm Thống Nguyên thứ 6 (1527), Mạc Đăng Dung phế Lê Cung Hoàng lên ngôi hoàng đế lập ra nhà Mạc, đặt niên hiệu là Minh Đức. Đăng Doanh con trưởng được phong là thái tử

Tết nguyên đán năm Canh Dần, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), Đăng Dung nhường ngôi cho Đăng Doanh.

“Tháng 12 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái Thượng hoàng, ra ở điện Tường Quan… Đăng Dung về Cổ Trai ở, là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viên cho Đăng Doanh, nhưng vẫn định đoạt các việc quốc gia trọng đại”-Lê Qúy Đôn, Đại Việt thông sử

Mạc Đăng Doanh đặt quốc hiệu là Đại Chính. Khi mới lên ngôi, vua thấy trong nước sau thời loạn trộm cướp còn nhiều nên đã ban hành pháp lệnh rất nghiêm nhằm chấn chỉnh lại xã hội. Đại thần đời Lê Trung Hưng là Lê Qúy Đôn cũng phải thừa nhận điều đó trong Đại Việt thông sử :

“Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ, không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn.”

Dù mang định kiến chống Mạc, nhưng Lê Qúy Đôn vẫn không hề phủ nhận công lao của nhà Mạc. Sau hơn 20 năm đất nước suy sụp kể từ thời Uy Mục, Tương Dực chưa khi nào dân chúng được sống đời thịnh vượng như vậy. Vua (và tất nhiên có sự giúp đỡ của thượng hoàng Đăng Dung) đã thật sự làm hồi sinh lại Đại Việt. Cảnh cực thịnh dưới những năm Đại Chính không phải thời nào cũng có, thời Lý-Trần hay cả thời Hồng Đức của Lê Thánh Tông thậm chí còn không thấy chép được những thành tựu đó.

Mạc Đăng Doanh nói riêng và triều Mạc nói chung rất coi trọng vấn đề giáo dục. Dù chỉ ở ngôi non 10 năm nhưng vua vẫn kịp tổ chức 3 năm một kỳ thi một cách đều đặn vào những năm Nhâm Thìn Đại Chính thứ 3 (1532), năm Ất Mùi Đại Chính thứ 6 (1535) và năm Mậu Tuất Đại Chính thứ 9 (1538). Triều đình bấy giờ lấy đỗ 3 trạng nguyên và 95 tiến sĩ.

Những danh sĩ xuất chúng nhất thi đỗ trong giai đoạn này gồm có : Nguyễn Thiến (1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1535), Giáp Hải (1538), Hoàng Sầm (1538)

Năm Đại Chính thứ 7 (1536), vua cho sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử giám.

Năm Đại Chính thứ 8 (1537), nhằm khuyến khích việc học tập Nho học và tỏ lòng trân trọng đối với các vị sáng lập Nho giáo, nhà vua thân đến Văn Miếu – Quốc Tử giám làm lễ Thích điện, tế Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử)

Từ khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua thì ở Thanh Hoá, cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim dựa vào rừng núi ở biên giới Việt – Lào lãnh đạo lực lượng trung hưng nhà Lê ngày càng lớn mạnh. Năm 1533, các cựu thần nhà Lê lập Lê Duy Ninh lên làm vua gọi là Lê Trang Tông.

Hiệu uý Nguyễn Nhân Liễn nổi dậy ở Thuận Hóa, triều Mạc cử tướng đi đánh dẹp không thành.

Năm 1537, trấn thủ Thanh Hoá là Tây An hầu Lê Phi Thừa đánh phá tam ty quân do Trung Hậu hầu cai quản rồi chạy sang Ai Lao đầu hàng nhà Lê.

Năm 1539, quân nhà Lê từ Ai Lao chia đường đánh chiếm huyện Lôi Dương (Thanh Hóa). Cuộc chiến một mất một còn giữa 2 họ Lê-Mạc sắp sửa được bắt đầu.

Nhìn chung Đăng Doanh là ông vua có tài văn trị chứ không có tài quân sự và nhiều lần thua quân Lê. Tuy nhiên do thế lực phù Lê bây giờ còn yếu nên chưa có gì nghiêm trọng lắm.

Những năm cuối đời Mạc Đăng Doanh cũng bắt đầu nảy sinh một vấn đề lớn: Quan hệ nhà Mạc-nhà Minh

Số là nghe lời cầu cứu của đám cựu thần nhà Lê, cộng với tham vọng noi gương Minh Thành Tổ khi xưa xâm lược nhà Hồ, Minh Thế Tông sai tướng Cừu Loan và Thượng thư Bộ Binh Mao Bá Ôn dẫn 60 vạn quân áp sát biên giới Đại Việt, đe dọa sẽ tiến đánh họ Mạc. Để đối phó với âm mưu xâm lược của triều Minh, Mạc Đăng Doanh một mặt sai tu sửa các trại sách vùng biên giới, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước. Mặt khác, ông dùng kế hoãn binh, sai Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đến Quảng Tây xin hàng. Thực ra, bấy giờ triều Minh tuy có hạ chiếu sai tướng sang định đánh họ Mạc, nhưng vẫn còn chần chừ để xem xét, chưa dám phát binh mà hư trương thanh thế để đe dọa thôi. Trước các biện pháp nhún nhường của triều đình nhà Mạc, vua Minh đã dừng cuộc xâm lược Đại Việt, tránh cho nhân dân khỏi rơi vào tình trạng can qua.

Đám sử thần nhà Lê về sau ra sức chê trách thái độ của nhà Mạc đối với nhà Minh nhưng thực chất nhà Mạc đã rất khôn ngoan trong vấn đề ngoại giao với nhà Minh bấy giờ. Việc dâng đất cho nhà Minh là chiêu trò của Mạc Đăng Dung: xin hàng, dâng đất, tuy nhiên đất đó phần nhiều là địa danh khống, hoặc đã là của Trung Quốc rồi, về sau vua Minh cử quan cát địa sứ tới quản lý thì mới biết là bị lừa, nhưng do không lẽ phát binh đánh lại nên đành bỏ luôn.

Ngày 25 tháng 1, năm Canh Tý niên hiệu Đại Chính thứ 11 (1540), Mạc Đăng Doanh băng hà. Thượng hoàng Đăng Dung chọn con trưởng của Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải lên kế vị, đổi niên hiệu thành Quang Bảo. Triều thần tôn Đăng Doanh làm Thái Tổ Khâm Triết Văn Hoàng Đế.

Sử gia Phan Huy Chú đầu đời Nguyễn nhận xét về Mạc Thái Tông như sau: “Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình…”

Một vị vua như Mạc Thái Tông cần có một chỗ đứng xứng đáng hơn trong lịch sử dân tộc qua những gì ông đã cống hiến cho Đại Việt trong thời gian cai trị ngắn ngủi của mình.

 

Nguồn tham khảo

Đại Việt thông sử, Lê Qúy Đôn, phần II, Nghịch thần truyện, Mạc Đăng Doanh

Đại Việt sử ký toàn thư, Mạc Đăng Doanh

Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú

Viết bình luận