Mạc Đĩnh Chi, vài truyền thuyết

Mạc Đĩnh Chi, vài truyền thuyết

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350)  tự là Tiết Phu, người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Duơng, nổi tiếng học vấn uyên thâm, có tài ứng đối mẫn tiệp nhưng người thấp bé, hình dung xấu xí. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông, khi chưa đầy 20 tuổi. Thời xưa người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không.

 

Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt nhưng vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí có ý không muốn cho đỗ Trạng. Ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi nét cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong thuận cho ông đỗ Trạng nguyên.

Trải qua ba đời vua: Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm quan đến chức Đại liêu ban Tả Bộc xạ. Hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông thường tỏ ra có tài hùng biện, dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách sử Trung Hoa. Đặc biệt ông từng được Nguyên đế khen tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Ông đã trước tác rất nhiều nhưng còn truyền lại chỉ có những tập Tán văn, Tế văn, câu đối và bốn bài thơ trong Khởi Thì Tập, Tạ văn một đạo trong Quốc triều biểu chương cùng bài bia Bùi Công Mộc-Đạc Thần-Đạo mà thôi.

Mạc Hiển Tích, Tiến sĩ đệ nhất danh khoa Bính Dần (1086) đời Lý Nhân Tông, làm quan đến Thượng thư bộ Lại, là viễn tổ của ông. Em Mạc Hiển Tích là Kiến Quan cũng đỗ Tiến sĩ, làm đến Công bộ Thượng thư.

Mạc Đăng Dung là cháu đời thứ 7 của Mạc Đĩnh Chi.

HỌ MẠC VÀ THUYẾT PHONG THỦY

Những truyền thuyết về Mạc Đĩnh Chi có rất nhiều nhưng cũng như các truyền thuyết thường có nhiều điều sai lạc, hoang đường. Thí dụ chuyện bà mẹ ông vì bị khỉ hiếp mà đẻ ra ông cho nên tướng mạo ông xấu xí, giống khỉ. Khỉ bị cha ông giết, xác do mối đùn thành một cái mồ lớn, cha ông biết đấy là khu đất quý, dặn con cháu chôn mình lên trên mộ con khỉ, sau chính ông cũng táng ở dưới chân, cho nên con cháu ông làm to quý hiển là nhờ khu đất ấy.

Thế nhưng Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan là viễn tổ của ông cũng đã làm quan to từ triều Lý, hiển nhiên không phải nhờ ngôi đất ấy mà ắt phải nhờ một ngôi mộ nào khác của tổ tiên thời trước nữa, nếu ta tin vào thuyết phong thủy, địa lý. Song tác giả Công dư tiệp ký (Ghi nhanh lúc rỗi việc công - 1755) lại cho biết nhà Nguyên thấy Mạc Đĩnh Chi có kỳ tài mà tướng mạo lại không có gì đáng quý nên sai một thầy địa lý Trung Hoa sang xem phong thổ nước ta.

Ông dẫn đi xem phần mộ tổ tiên, ngôi nào họ cũng lắc đầu, đến ngôi mộ phụ thân ông thì họ tấm tắc khen đấy mới chính là ngôi mộ phát tích. Nhưng nếu những phần mộ tổ tiên chôn ở đất không phát thì giảng nghĩa sao đây về hai ông Hiển Tích và Kiến Quan làm quan còn to hơn con cháu Mạc Đĩnh Chi?

“LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN” VÀ BÀI THƠ TÁN QUẠT

Truyền thuyết về bài thơ tán quạt và chức “Lưỡng quốc Trạng nguyên” thì tuy không huyền hoặc, hoang đường nhưng lại khiến ta giảm lòng khâm phục ông Trạng Mạc và óc phê phán của triều đình nhà Nguyên. Tuy Nguyên đế thuộc dị tộc (Mông Cổ) nhưng triều đình bao gồm cả các quan người Hán.

Theo Công dư tiệp ký tập II thì trong một lần đi sứ nhà Nguyên gặp lúc có người ngoại quốc dâng quạt, Nguyên đế muốn thử tài, sai ông cùng Sứ thần Cao Ly mỗi người phải làm ngay một bài tán quạt. Sứ thần Cao Ly làm xong trước, có những câu:

Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công,
Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề.

Nghĩa là:

Khí nóng bừng bừng, Y Doãn, Chu Công
Mưa tuyết đầm đìa, Bá Di, Thúc Tề.

Ý nói mùa hạ nóng nực thì cái quạt đắc dụng như hai ông Y Doãn, Chu Công; mùa đông giá rét thì cái quạt vô dụng chết lả như hai ông Bá Di, Thúc Tề.

Trong lúc ông chưa biết viết gì, liếc sang đầu quản bút của Sứ thần Cao Ly đoán được ý tứ rồi theo đó suy diễn thêm ra thành bài thơ tán quạt sau đây:

Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô,
Nhĩ ư tư thì hề, Y, Chu cự nho.
Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ,
Nhĩ ư tư thì hề, Di, Tề ngạ phu.
Y: Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù.

Nghĩa là:

“Nấu vàng nung đá, Trời đất như lò thì ngươi lúc ấy khác gì Y, Chu nổi tiếng bậc cự nho?

Gió lạnh buốt xương, mưa tuyết đầy đường thì ngươi lúc ấy cũng như Di, Tề nhịn đói trên núi Thú Dương.

Ôi! Dùng thì ra giúp đời, bỏ thì tạm ẩn để chờ thời. Chỉ ta với ngươi giữ được như thế”.

Sứ thần Cao Ly xong trước, ông viết xong cũng trình lên, Nguyên đế khen bài của ông hay hơn, cầm bút khuyên vào câu có chữ “Y” và phê “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Nếu quả sự thực là như vậy thì chức “Lưỡng quốc Trạng nguyên” phải chia đôi với Sứ thần Cao Ly mới đúng vì nội dung bài văn không do ông nghĩ ra mà là “mượn” của Sứ thần Cao Ly, ông chỉ thêm câu kết trích trong Luận ngữ để tỏ ý chí của mình.

Nguyên đế đọc cả hai bài mà không nhận thấy sự trùng ý của hai sứ thần và không truy nguyên kể cũng lạ.


Tượng Mạc Đĩnh Chi ở chùa Dâu - Bắc Ninh.

BÀI VĂN TẾ CÓ BỐN CHỮ “NHẤT”

Bài văn tế này rất nổi tiếng nhưng các bản được truyền tụng khác nhau ở vài chi tiết: Khi thì nói đấy là bài văn tế một cô công chúa Trung Hoa, khi thì là văn tế một bà hoàng hậu, khi lại là một bà hậu phi, còn chính bài văn lúc thì có bốn chữ “nhất”, lúc lại chỉ có một chữ “nhất” hoặc là tờ giấy trắng không có chữ gì cả.

1- Các bản truyền tụng kể trong một lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang Trung Quốc, thân sĩ nhà Nguyên thấy ông có tài ứng đối giỏi, áp đảo họ, nên có ý chơi khăm, cử ông đọc văn tế công chúa/ hoàng hậu/ hậu phi. Thói thường người đọc cũng là người viết hay ít nhất cũng được đọc trước. Văn tế thì viết rồi dán lên bảng gỗ gọi là Chúc bản. Nếu không đọc được hay đọc một bài văn tế cũ đều bị tội.

Mạc Đĩnh Chi ra quỳ trước lễ đàn nghe xướng xong mở Chúc văn ra để đọc chỉ thấy tờ giấy trắng tinh có bốn chữ “nhất”. Ông biết họ thử tài, nhanh trí ứng khẩu đọc bốn câu thơ, mỗi câu có một chữ “nhất” ở trong, ca tụng phong cách bậc nhất của người chết:

Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y!
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.

Dịch nghĩa:

"Trời xanh, một đám mây,
Lò hồng, một điểm tuyết,
Thượng uyển, một cành hoa,
Dao trì, một vừng nguyệt!
Ôi!
Mây tản, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết!"

Triều đình nhà Nguyên rất khâm phục.

Có những dị bản còn thêm mấy chi tiết như khi ông đang chuẩn bị về nước thì được cử ra đọc văn tế, tất cả các sứ thần đến dự tang lễ đều khâm phục, bài văn này được khắc vào đá để lên mộ công chúa/ hoàng hậu…

2- Nhiều người yên chí bài văn tế này do Mạc Đĩnh Chi làm, có lẽ phần nào dựa vào bài viết đầy đủ nhất về Mạc Đĩnh Chi trong Công dư tiệp ký (1755) của Vũ Phương Đề (Tiến sĩ khoa 1736).

a- Công dư tiệp ký tập II chép Mạc Đĩnh Chi khi được cử đọc văn tế bà hậu phi, vào quỳ trước linh vị, nghe xướng xong mở Chúc văn ra chỉ thấy có bốn chữ “nhất”, biết họ thử tài, đọc ngay:

Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết,
Thượng uyển nhất chi hoa,
Quảng hàn nhất phiến nguyệt.
Y!
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.

Bản này rất giống những bản truyền tụng chỉ hơi khác ở câu thứ tư là “Quảng hàn nhất phiến nguyệt” chứ không phải “Dao trì nhất phiến nguyệt” nên ta có thể tin bài văn đúng là của ông Trạng Mạc vì ít nhất đã có tới hai bản khác nhau cùng ghi là của ông làm. Vũ Phương Đề chú rõ: “Bài văn ấy còn ghi trong Bắc sử. Có người bảo là của Lý Bạch nhưng ta xét kỹ thì về lời và ý giống văn thể của ông. Tuy thế chưa chắc đã phải vì bài thơ Đề quạt đích thị là của ông thế mà Thuyết Linh lại chép là của Phương Hiếu Nhi, lấy đó suy ra thì sử sách bên Trung Hoa chép về việc ấy chắc gì đã đúng”.

Bản của Vũ Phương Đề, chép theo Bắc sử, có lẽ sai vì câu “Quảng hàn nhất phiến nguyệt” vô nghĩa: “Quảng hàn” là cung trăng mà “nguyệt” cũng là trăng, “trong cung trăng có một vừng trăng” không có nghĩa gì cả. Sự lầm lẫn này nếu không phải do người chép Bắc sử đã nhầm thì ta có thể cho là không phải Mạc Đĩnh Chi đã ứng khẩu ra bốn câu thơ ấy mà là nhớ lại một bài thơ đã đọc từ trước, rồi quên mất hai chữ “Dao trì” và nhanh trí thay tạm bằng “Quảng hàn”. Trong lúc “tang gia bối rối” không ai lưu ý đến chi tiết nhỏ ấy.

Vũ Phương Đề nhận định sách sử bên Trung Hoa cũng có thể sai thì đúng, bảo bài văn tế ấy không phải của Lý Bạch thì không cần dựa vào văn thể mà xét đoán cũng rõ, và xét văn thể còn có thể sai chứ tính theo thời điểm thì chắc chắn không nhầm: Lý Bạch sống đời Đường, sao có thể làm văn tế một bà chết thời Nguyên? Sau nhà Đường (618-907) còn các đời Ngũ Đại (907-960), Tống (960-1234), rồi mới tới Nguyên (1234-1368).

Vũ Phương Đề khẳng định bài thơ tán quạt là “đích thị” của Mạc Đĩnh Chi, lấy gì làm bằng chứng? Dựa vào chi tiết Mạc Đĩnh Chi nhanh trí chỉ nhìn đầu quản bút sứ thần Cao Ly mà mượn ý viết hay hơn? Nhưng nếu ông Trạng Mạc đã “cóp” ý của Sứ thần Cao Ly, biết đâu Sứ thần Cao Ly lại không “mượn” ý của Phương Hiếu Nhi hay một người nào khác đã viết từ trước nên mới nhớ lại mà làm được nhanh như thế.

Ngoài ra câu “Hồng lô nhất điểm tuyết” cũng hơi gò ép ở chỗ sao lại có tuyết trong “lò lửa đỏ”, chẳng lẽ chỉ để đối với “trời xanh”?

b- Theo một số tài liệu khác thì bài văn tế ấy là của Dương Ức đời Tống khi đi sứ Bắc Liêu.

Trong Kiến văn tiểu lục (1777), mục Tùng đàm, Lê Quý Đôn (Bảng nhãn khoa 1752) cho biết theo Thuyết phu tùng thuyết thì Tiến sĩ Dương Ức đời Tống Chân Tông đi sứ phương Bắc (Bắc Liêu) được cử đọc bài kính tế hoàng hậu, song Chúc văn chỉ là một tờ giấy trắng không có một chữ nào. Dương phải tự nghĩ ra và đọc:

Duy linh,
Vu sơn nhất đóa vân,
Lãng uyển nhất đoàn tuyết,
Đào nguyên nhất chi hoa,
Thu không nhất luân nguyệt.
Khởi kỳ,
Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết.
Phục duy thượng hưởng.

Dịch nghĩa:

"Kính nghĩ anh linh, như:
Một đóa mây Vu sơn,
Một khối tuyết Lãng uyển,
Một cành hoa nguồn đào
Một vầng trăng trời thu.
Ngờ đâu:
Mây tán, tuyết tiêu, hoa tàn, trăng khuyết.
Kính xin hâm hưởng".

Triều đình nhà Liêu rất khâm phục. Tống Chân Tông nghe chuyện này khen Dương có tài mẫn tiệp, làm rạng rỡ thể diện Trung Quốc. Thế mà tục truyền việc ấy là của Nguyễn Đăng Cảo bản triều (người huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1646) đời Lê Chân Tông).

Bài này tuy ý tựa như bản truyền tụng, nhưng lời lẽ, hình ảnh thì khác, đặc biệt câu thứ ba “Lãng uyển nhất đoàn tuyết” chứ không phải “Hồng lô nhất điểm tuyết”, tuy vậy câu này đối với câu trước vẫn chỉnh vì câu trước không phải “Thanh thiên nhất đóa vân” mà là “Vu sơn…”, “Vu sơn” đối với “Lãng uyển” rất chỉnh cho nên không cần phải gò ép tuyết vào lò lửa đỏ, không ai lại gắp tuyết bỏ vào lò lửa hay đặt lò lửa dưới tuyết.

Tuyết ở trong vườn Lãng uyển hợp lý hơn trong lò lửa. Rất có thể là Mạc Đĩnh Chi đọc rộng, nhớ đến bài văn của Dương Ức và trong lúc cần phải ứng biến nhanh lại không nhớ rõ lời lẽ bài của Dương Ức, hoặc sợ phạm tội đọc một bài văn cũ nên đã “mượn” ý của Dương Ức nhưng chỉ mượn ý mà thôi.

Kết luận là bài văn tế chắc của Dương Ức người đời Tống làm khi đi sứ Bắc Liêu. Nước Tống thuở ấy đã suy vi, hàng năm phải cống cho nước Liêu 10 vạn lạng bạc cùng tơ lụa… cho nên sứ thần nước Tống sang Liêu bị “chơi khăm” cũng có lý. Sở dĩ, Chúc văn là tờ giấy trắng không có chữ nào có thể vì nước Liêu không dùng chữ Hán.

Tính theo thời điểm thì nhà Tống (966-1278) cầm quyền chính Trung Quốc trước nhà Nguyên (1280-1341), vậy thì bài văn tế không thể do Mạc Đĩnh Chi nghĩ ra trước.

Xét rằng nhiều sự nhầm lẫn đã xuất phát ngay từ sách sử Trung Quốc nên ta có nhầm gán cho Mạc Đĩnh Chi hay Nguyễn Đăng Cảo cũng không lạ. Có điều Nguyễn Đăng Cảo sống thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 sao có thể đi sứ nhà Nguyên, thế kỷ 13-14?

Nhầm lẫn còn có thể “thông cảm” được nhưng chỉ e có những người “cố ý nhầm” nghĩ là gán ghép cho Mạc Đĩnh Chi sẽ khiến người ta khâm phục ông Trạng Mạc hơn, có biết đâu lại làm giảm giá trị của một ông Trạng tài năng vốn có thừa không cần ai “tô son điểm phấn” thêm.


(1)

Trong Giai thoại làng Nho Lãng Nhân chép năm sinh của Mạc Đĩnh Chi là 1280 nhưng nếu ông Mạc đỗ Tiến sĩ khoa 1304 khi chưa đầy 20 tuổi thì không thể là 1280 vì lúc ấy ông đã 24 tuổi.

Vũ Phương Đề nói có thuyết cho ông Mạc sinh năm Giáp Thân (1284), tức là ông đỗ năm 20 tuổi chứ không phải dưới 20.

(2)

Lệ xem dung mạo rồi mới cho đỗ không thấy chép ở đời Trần trong Khoa mục chí của Phan Huy Chú. Thời Lê, tới khoa 1496 mới chép lệ này: “Lệ cũ thi Đình không bị đánh hỏng. Khoa này thi Hội lấy 43 người Trúng cách nhưng sau khi xét dung mạo ở điện Kim Loan vua đánh hỏng 13 người. Nguyễn Văn Huấn thi Hội đỗ thứ nhì cũng bị xóa tên”.

- Ngọc tỉnh liên: Hàn Dũ đời Đường có câu thơ “Thái Hoa phong đầu ngọc tỉnh liên”, có nghĩa: Trên đỉnh núi Thái Hoa có thứ hoa sen mọc trong giếng ngọc. Công dư tiệp ký, tr.114.

(3)

“Bộc xạ” là chức Á tướng. Nhà Trần dùng Hành khiển hay Thượng thư vào chức này.

(4)

CDTK tập II, tr.111.

(5), (6)

CDTK tập II, tr.100.

(7)

CDTK tập II, tr.112: “Con trai Mạc Đĩnh Chi là Khản và Trực đều làm đến Viên ngoại. Cháu là Địch, Toại, Viễn muốn phục thù cho nhà Trần, khi Trương Phụ đem quân sang đánh nhà Hồ, đã đón đường đầu hàng để báo cáo tình hình họ Hồ lúc ấy đang tìm mọi cách để cố thủ. Trương Phụ dùng làm hướng đạo quan (việc còn ghi rõ trong Bình giao nam lục của Khâu Văn Tráng). Vì có công lớn, nhà Minh phong cho Toại làm Tham chánh, Địch làm Chỉ huy sứ, Viễn làm Diêm thiết sứ. Sau khi Toại mất, con cháu di cư vào vùng Ma Khê, huyện Thanh Hà, đời thứ ba lại di vào làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi sinh ra Mạc Đăng Dung”.

(8)

CDTK tr.103-104:

- Y Doãn làm tướng đánh diệt vua Kiệt nhà Hạ, giúp Thành Thang sáng lập nhà Thương; dạy vua Thái Giáp, con Thành Thang.

- Chu Công Đán giúp vua Vũ Vương và Thành Vương nhà Chu, dẹp nội loạn, sáp nhập hơn 50 nước nhỏ, sửa chính sự, trị nước theo đạo Nho, chế tác lễ nhạc…

- Bá Di, Thúc Tề là anh em ruột, con vua nước Cô Trúc. Khi Vũ Vương đánh vua Trụ, hai ông can không được. Vũ Vương diệt Trụ, lập nhà Chu, hai ông không thèm ăn thóc nhà Chu, nhịn đói chết ở núi Thú Dương.

(9)

“Dụng chi tắc hành…” trích lời dạy của Khổng Tử trong Luận ngữ.

(10)

Lê Văn Đình, tr.377-379.

(11)

CDTK tập II, tr.108-109.

(12)

Kiến văn tiểu lục, tr.448. Bản của Lê Văn Đình chép cũng giống bản của Lê Quý Đôn.

Sách tham khảo:

1. Đào Trinh Nhất, Từ những câu đối Mạc Đĩnh Chi đến bài thơ Nguyễn Tân trước khi chết chém - Trung Bắc Chủ Nhật số 234, 31/12/1944.

2. Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc), Giai thoại làng Nho toàn tập, Nam Chi Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1966. Tái bản ở Mỹ.

3. Lê Văn Đỉnh, Giai thoại văn học đời Tống, NXB Văn Học, Hà Nội, 1996.

4. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977. Bản dịch của Phạm Trọng Điềm.

5. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương, khoa mục chí, NXB Văn Học, Hà Nội, 1961. Tổ biên dịch: Viện Sử học Việt Nam.

6. Vũ Phương Đề, Công dư tiệp ký tập II. Dịch giả Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962.

Tác giả: Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Nguồn: www.honviet.com

Viết bình luận