KIẾN THỤY NƠI HỘI TỤ KHÍ THIÊNG MUÔN THUỞ

KIẾN THỤY NƠI HỘI TỤ KHÍ THIÊNG MUÔN THUỞ

            Ai đã đến Kiến Thụy nơi hội tụ khí thiêng muôn thuở này, trong một buổi chiều nhìn trời xanh biếc trên cao và biển cả mênh mang trước mặt, thì người ấy sẽ không thể không có những cảm nghĩ về mảnh đất và con người nơi đây.

 

Tôi cũng đã về đây trong một buổi chiều, thả hồn theo mây xanh, nước biếc và chợt nhớ đến mấy câu tuyệt diệu của nhà thơ trẻ tuổi và tài năng của thời Đường là Vương Bột, người đầu tiên sử dụng thành ngữ địa linh nhân kiệt.

Vương Bột, người huyện Long Môn, đất Giang Châu, có thiên tài làm văn không bao giờ phải viết nháp. Thủa còn ít tuổi, một hôm vào ngày 9 tháng 9, Vương đi chơi qua huyện Nam Xương được mời dự yến của quan Đô đốc Hồng Châu là Diêm Bá Tự tại gác Đằng Vương. Trong bữa tiệc chủ nhân mời các tân khách viết giúp cho bài phú về Đằng Vương các. Mọi người đều ngại, không ai dám làm. Đặc biệt là khi nghe đến hai câu mô tả cảnh đẹp của trời nước Hồng Châu thì mọi người đều đứng dậy và nhiệt liệt hoan nghênh. Câu ấy là:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

( Trên bầu trời mênh mông một áng mây chiều cùng bay với con cò lẻ.

Nước mùa thu hòa lẫn với bầu trời cùng một sắc)

Phải chăng câu thơ tuyệt tác này lại rất phù hợp với màu trời và sắc nước hôm nay của đất Kiến Thụy chúng ta?

Tôi muốn nhắc đến Vương Bột vì chính ông là tác giả thành ngữ địa linh nhân kiệt và sử dụng thành ngữ này để đánh giá mảnh đất và con người Hồng Châu.

Vật hoa thiên bảo, long quang xạ Ngưu Đẩu chi khưu

Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp

Hai câu này có ý nghĩa như sau:

Thanh gươm Long Tuyền của vua Văn Vương ngày xưa là một vật của trời , dù vùi sâu trong lòng đất vẫn còn bắn thẳng ánh sáng lên sao Đẩu, sao Ngưu. Đó là nói đến tính chất linh thiêng của mảnh đất.

Mảnh đất đã linh thiêng như thế, còn con người thì sao? Đây là nơi vốn sinh ra nhiều hào kiệt, lại còn là nơi hiếu khách nơi biết quý trọng hiền tài. Giống như danh sĩ Trần Phồn biết Từ Trĩ là một hiền tài đã kết bạn với Từ Trĩ và sắm riêng cho ông ta một cái giường. Khi Từ Trĩ chưa đến chơi hoặc đến chơi rồi đã ra đi thì Trần Phồn treo giường lên, đợi khi nào bạn về chơi lại hạ nó xuống để bạn nằm ý nghĩa về cái giường của Trần Phồn đã được Yên Đổ sử dụng trong bài viềng người bạn quý của mình là ông nghè Dương Khuê: Giường kia treo những hững hờ, đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Từ mấy câu văn trên của Vương Bột, tôi suy nghĩ về mối quan hệ địa linh với nhân kiệt hay nói chung là giữa thiên nhiên với con người trong lịch sử nhân loại, cũng như trên đất nước ta và ở địa phương Kiến Thụy.

Từ khi trái đất có con người thì con người vốn là sản phẩm của trái đất lại tác động trở lại trái đất. Trái đất tiếp tục nuôi dưỡng con người, con người ngày càng làm đẹp thêm cho trái đất và cho bản thân mình.

Trên tổ quốc Việt Nam, mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người đã tạo ra sự phát triển không ngừng của dân tộc, tuy nhiên có những lúc con người đã phá hoại môi trường thiên nhiên và thiên nhiên cũng nhiều lúc hủy hoại cuộc sống của con người.

Thiên nhiên Việt Nam là một bà mẹ không chỉ hiền từ mà còn nghiêm khắc. Thiên nhiên Việt Nam vừa cung cấp cho con người những của cải vô giá từ rừng vàng biển bạc đến ruộng đất phì nhiêu. Thiên nhiên ấy còn đòi hỏi con người phải phát huy mọi nỗ lực phi thường, để vượt qua được mọi thử thách. Muốn hưởng thụ được những thành quả mà thiên nhiên đem lại, con người phải làm thế nào khắc phục được đầm lầy, rừng rậm, khai hoang lấn biển để xây dựng xóm làng, tổ chức cuộc sống hạnh phúc. Sau đó lại làm thế nào để chống lại bão lụt, bảo vệ mùa màng, rồi còn phải tiêu diệt mọi giặc cướp, bảo vệ quê hương và lãnh thổ nước nhà.

Đó là mối quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt đã diễn ra trên đất nước Việt Nam, càng đậm nét hơn nữa trên mảnh đất Nghi Dương- Kiến Thụy.

 

TỪ ĐỊA LINH ĐẾN NHÂN KIỆT TRÊN MẢNH ĐẤT NGHI DƯƠNG – KIẾN THỤY

 

Tôi muốn đem tên mới của huyện chúng ta là Kiến Thụy gắn liền với tên huyện cũ là Nghi Dương. Nói Nghi Dương – Kiến Thụy cũng như ta nói Thăng Long – Hà Nội.

Đã vừa đúng 100 năm, từ ngày huyện chúng ta mang tên Kiến Thụy. Truyền thống Nghi Dương tiếp tục phát huy sức mạnh của nó làm cho Kiến Thụy ngày một tráng lệ hơn và con người ngày thêm thông minh tài giỏi. Tôi nghĩ rằng những giá trị tinh thần của Nghi Dương vẫn tồn tại trên đất Kiến Thụy và Kiến Thụy vẫn tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị của Nghi Dương trên tầm cao mới.

Kiến Thụy vốn là một mảnh đất linh thiêng kể từ khi con người Việt cổ đặt chân lên mảnh đất này. Cho đến nay đã có bao nhiêu thơ ca, bài hát bản nhạc ca ngợi Kiến Thụy. Cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tìm hiểu quá trình phát triển và biến đổi của Kiến Thụy qua các thời kỳ lịch sử. Nhiều tài liệu của Đảng bộ và chính quyền địa phương, nhiều công trình phóng sự và điều tra không những phản ánh bộ mặt hiện nay của Kiến Thụy, mà còn dự báo Kiến Thụy trong viễn cảnh của ngày mai.

Tôi không tóm lược và cũng không nói thêm về những nét chung của Kiến Thụy nữa mà chỉ nhấn mạnh đến Kiến Thụy từ khi còn mang tên Nghi Dương, nhất là từ thời điểm Kiến Thụy là kinh đô thứ 2 của triều Mạc. Tôi nghĩ rằng: Nghi Dương, Dương Kinh và triều Mạc là những dấu son quan trọng trong lịch sử phát triển của Kiến Thụy. Đó là một niềm tự hào chính đáng của những con người trên mảnh đất này.

Cách đây gần 30 năm, tôi đã có vinh dự thay mặt Uỷ ban Khoa học Xã Hội Việt Nam phối hợp với lãnh đạo thành phố Hải Phòng để chủ trì một cuộc hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà triết học nổi tiếng của Việt Nam, đồng thời là danh sĩ lớn nhất đã đi theo nhà Mạc đến phút cuối cùng. Hội nghị đã xóa bỏ những quan điểm sai lầm muốn tách Nguyễn Bỉnh Khiêm ra khỏi nhà Mạc và phủ nhận sự sáng suốt của ông khi ông không theo nhà Lê mà lại theo nhà Mạc.

Cuộc hội thảo về Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc ấy cũng là dịp để khẳng định tính chính thống của nhà Mạc, coi như một triều đại đã mở ra một định hướng mới cho sự phát triển của dân tộc.

Từ đó, các nhà lãnh đạo thành phố Hải Phòng và huyện Kiến Thụy tiếp tục quan tâm tới những địa điểm lịch sử và những danh nhân kiệt suất tại Nghi Dương coi như những bài học về tấm gương mà quá khứ để lại. Từ đường nhà Mạc được sửa sang. Ngày giỗ Mạc Thái Tổ được tổ chức long trọng. Khu tưởng niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm được trùng tu, được xây dựng thêm., ngày một khang trang hơn.

Giới sử học và các nhà nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tra cứu và tìm hiểu thêm, tiếp tục bổ sung những tài liệu mới về truyền thống quang vinh của Kiến Thụy.

Phải hiểu rằng: Những thành kiến sai lầm với Nghi Dương, với nhà Mạc và cả đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm được hình thành từ hơn bốn thế kỷ không thể nhanh chóng được xóa bỏ hết. Trách nhiệm của các nhà nghiên cứu là tiếp tục trên cơ sở khách quan và khoa học, nhìn nhận một thời kỳ lịch sử của 65 năm Dương Kinh để đánh giá đúng đắn những ưu điểm và  nhược điểm, những thành công và thất bại của Mạc Đăng Dung và cả triều đại của ông.

 

VỀ SỰ XUYÊN TẠC CỦA CÁC VƯƠNG TRIỀU LÊ TRỊNH VÀ CÁC NHO SỸ ĐƯƠNG THỜI

 

Sự thất bại của triều Mạc và sự dựng lên cơ đồ của vua Lê, chúa Trịnh đã tạo ra những sự xuyên tạc khó tránh khỏi .

Để trả thù, chúa Trịnh đã cho quân về đây phá nát Dương Kinh của nhà Mạc, đập tan cung điện lâu đài, đền miếu của nhà Mạc, truy bắt con cháu nhà Mạc ở khắp nơi, trừng phạt nhân dân Nghi Dương- Kiến Thụy. Trong tình hình này, còn ai dám nói về công tích của nhà Mạc nữa. Hiện nay, có một số xuyên tạc chưa hẳn đã được xóa hết trong ý nghĩ của nhiều người.

Coi triều Mạc là thoán nghịch đối với nhà Lê. Đây là ý nghĩ của một số nhà nho chịu ảnh hưởng của tinh thần ngu trung trong Nho giáo, nhất là của Tống nho. Thời Khổng Mạnh, nho giáo đề cao chữ trung coi như yêu cầu đạo đức cao nhất của con người. Nhưng chữ trung thời Khổng Mạnh không có tính chất mù quáng như ở thời Tống nho. Mạnh Tử nói: Vua coi dân như cỏ rác, thì dân coi Vua như kẻ thù, Mạnh Tử lại nói: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh nghĩa là con người trước hết phải coi dân là trên hết, sau đó mới đến xã tắc tượng trưng cho đất nước, còn vua chỉ là một thứ đáng coi nhẹ mà thôi. Nhưng đến thời Tống nho thì chữ trung trở thành mù quáng và vô nghĩa: Vua bảo bề tôi chết mà không chết là bất trung, cha bảo con chết mà con không chết là bất hiếu. Cái điều cực kỳ ngu xuẩn này lại được các nhà nho Việt Nam tôn sùng.

Nhân dân ta từ lâu đời đã rất sáng suốt đối với đạo trung của con người. Triều đại nào, con người nào hết lòng bảo vệ tổ quốc và chăm lo đời sống của nhân dân thì sẽ nhiệt tình ủng hộ và chiến đấu đến cùng để bảo vệ triều đại ấy và con người ấy. Từ thời xa xưa, khi vua An Dương Vương gạt bỏ triều đại vua Hùng để lập nên triều đại vua Thục, xóa bỏ quốc hiệu Văn Lang thay bằng quốc hiệu Âu Lạc thì nhân dân thời đó chưa bị ảnh hưởng của nho giáo. Vẫn một lòng ủng hộ An Dương Vương, cùng An Dương Vương chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Rồi sau này, đất nước chuyển từ nhà Ngô sang nhà Đinh, từ nhà Đinh sang nhà Lể, từ nhà Lê sang nhà Lý, từ nhà Lý sang nhà Trần thì toàn thể nhân dân Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của nho giáo, đã nhiệt liệt hợp tác và ủng hộ triều đại mới, bởi triều đại mới tiêu biểu cho thế đi lên của dân tộc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thanh bình của nhân dân.

Nhưng đến khi đất nước đã tạo ra ở khắp nơi những người học tập và thực hiện nho giáo thì sự thay đổi của các triều đại không còn giống như ngày xưa nữa. Triều đại cũ dù đổ nát, và đã được thay bằng triều đại mới như nhà Hồ thay nhà Trần, nhà Mạc thay nhà Lê, thì các nhà nho đã vận động nhân dân chống lại triều đại mới. Chính vì thế mà nhiều nhà nho thời ấy đã xuyên tạc nhà Mạc. Họ vừa xuất phát từ lợi ích cá nhân mình, vừa dựa vào thái độ ngu trung của Tồng nho để phủ nhận hết công lao của nhà Mạc. Họ muốn khôi phục lại nhà Lê đã đổ nát với những tên vua quỷ, vua lợn. Đó là những ông vua mà chính Mạc Đăng Dung đã hết lòng phụ tá, nhưng không sao cứu vãn được nhà Lê nữa.

 

THÁI ĐỘ NGUYỄN BỈNH KHIÊM TRƯỚC SỰ NGHIỆP VÀ CON NGƯỜI MẠC ĐĂNG DUNG

 

Việc bôi nhọ Mạc Đăng Dung và triều Mạc trước hết vấp phải sự chống đối của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một ngọn núi cao sừng sững bảo vệ nhà Mạc. Vì sao nhà trí thức kiệt suất này, suốt cuộc đời cho đến lúc gần 50 tuổi vẫn nhất định không chịu đi thi, không chịu cộng tác với nhà Lê, không nhận bất cứ công việc gì của nhà Lê để cuối cùng chọn Mạc Đăng Dung như minh chủ của mình?

Theo những người xuyên tạc nói thì Nguyễn Bỉnh Khiêm bất đắc dĩ phải theo nhà Mạc mà thôi. Thực ra trước những thành công và tiến bộ nhất định của nhà Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự vui mừng, tin tưởng ở một xã hội thanh bình và thịnh trị do triều đại mới đem lại:

Mừng thấy thời vần đời mở trị

Thái bình thiên tử, thái bình dân

Ông quyết định ra phục vụ nhà Mạc, coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của bậc trượng phu và người quân tử:

Quân tử mới hay nơi xuất xứ

Trượng phu cũng có chí anh hùng

Những người xuyên tạc cỏn nói: Ông đã nửa chừng bỏ triều Mạc để về quê. Thực ra không phải như thế, ngược lại ông đã suốt đời đem hết tâm lực phục vụ triều Mạc trên mọi lĩnh vực văn học, chính trị, quân sự coi như nghĩa vụ lớn lao của mình:

Ba đời chúa được phúc tình cờ

Ơn nặng chưa từng báo tóc tơ

Cho đến lúc ông bảy mươi tuổi dù được về nghỉ ở quán Trung Tân, ông vẫn bày tỏ thái độ chung thủy với các vua Mạc vẫn nhiều lúc về thăm vua, nhiều lúc theo vua ra mặt trận:

Xem lại tuổi đời ngoài bảy chục

Chỉ vì già yếu há quên vua

Tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm và thái độ của ông do chính ông tự tay viết ra và còn để lại đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc vô căn cứ về ông. Những lời tâm huyết trong thơ của ông khiến người đời sau phải suy nghĩ vì sao ông lại gắn bó với Mạc Đăng Dung và triều Mạc đến thế.

Hôm nay, nói về mối quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt trên đất Kiến Thụy, tôi chỉ nói về khía cạnh Mạc Đăng Dung chính là sản phẩm của dải đất địa linh, và là nhân kiệt lớn nhất của quê hương Kiến Thụy. Mạc Đăng Dung ra đời trong sự trì trệ của xã hội đã kéo dài suốt bao nhiêu thế kỷ trong lịch sử Việt Nam. Xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một xã hội xây dựng trên cơ sở phương thức sản xuất còn mang nặng tính chất công xã nông thôn. Nhà nước là người sở hữu lớn nhất đã thông qua bộ máy làng xã, giao khoán ruộng đất cho nông dân và thu hoa lợi từ thành quả lao động của họ. Chế độ quan liêu phù hợp với điều kiên kinh tế xã hội này có nhiệm vụ thực hiện sự giao nộp từ bên dưới và cấp phát từ bên trên. Trong khuôn khổ gò bó này, nông nghiệp lạc hậu không có điều kiện phát triển đã hạn chế cả công nghiệp và thương nghiệp. Trong tình hình này, Mạc Đăng Dung đã cố gắng giúp vua Lê xây dựng một trật tự cần thiết cho sự đổi mới của xã hội. Ông trấn áp những thế lực bảo thủ, phản động và ủng hộ tích cực cho sự phát triển của công nghiệp và thương nghiệp. Tiếc rằng, ông không thể làm gì hơn trong một triều đại bị lật đổ và tiêu vong. Lịch sử đã ghi lại nhiều bằng chứng nói lên công lao của Mạc Đăng Dung cả trước và sau khi ông lên ngôi vua.

Từ khi ông lên ngôi vua, triều đại ông đã giúp cho sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Thủ công nghiệp được phát triển nhất là đồ gốm, đồ dệt. Trật tự an ninh được đảm bảo. Không còn người cầm giáo mác và binh khí đi ngoài đường. Không còn trộm cướp ban đêm. Người đi lại buôn bán được an toàn. trâu bò thả chăn không phải mang về. Chính Đại Việt sử ký toàn thư vốn lên án tội thoán nghịch của Mạc Đăng Dung cũng phải thừa nhận những thành công của ông: “ Trong khoảng vài năm, đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”.(Đại Việt sử ký toàn thư, bản thực lục quyển XV).

Ngoài việc phát triển công nghiệp và thương nghiệp, nhà Mạc đã quan tâm sử dụng và ưu đãi trí thức. Nhiều tri thức triều Lê đã theo nhà Mạc. Nhà Mạc đã liên tục mở các khoa thi, tuyển lựa rất nhiều trí thức từ tiến sĩ đến trạng nguyên. Lịch sử còn ghi nhớ những tên tuổi của nhiều ông trạng thời Mạc: Nguyễn Thiến (trạng nguyên 1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm(trạng nguyên 1535), Giáp Hải(trạng nguyên 1538).

Ở đây, cần nói thêm và hiểu thêm ông về việc ông xây dựng kinh đô thứ hai tại chính quê hương của mình trên đất Nghi Dương gọi là Dương Kinh. Không chỉ nhìn việc này ở những tình cảm sâu sắc, ở tấm lòng luôn luôn gắn bó với quê hương, phải nói rằng đây chính là tầm nhìn xa thấy rộng của ông.

Ông muốn xây dựng một hải cảng, mở ra một con đường giao lưu với thế giới bên ngoài, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển công nghiệp và thương nghiệp, không bị bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở rộng ra thế giới.

Nhìn lại những tư tưởng và việc làm của Mạc Đăng Dung ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyên tuyết, chọc thủng lớp dày băng giá mùa đông để chào đón mùa xuân của đất nước.

Mấy thế hệ con cháu còn gần gũi ông, đã cố gắng tiếp tục sự nghiệp của ông cùng với một đội ngũ trí thức tiến bộ. Tiếc rằng chưa được vài chục năm, các triều đại tiếp theo đã ngày một suy thoái.

TIỀM NĂNG VÔ TẬN CỦA KIẾN THỤY TRÊN CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN HÔM NAY VẦ NGÀY MAI

Triều đình Lê Trịnh dù muốn đập nát  mảnh đất Nghi Dương, vẫn không thể nào xóa tan được khí thiêng bất diệt của mảnh đất và con người Kiến Thụy. Nhân dân Kiến Thụy lại lần lượt trở về, lại lấn biển khai hoang, lại khôi phục sản xuất, lại vươn cao phẩm chất con người, khôi phục lại một quê hương hùng vĩ về cả con người và mảnh đất. Khí thế chống ngoại xâm từ thời Hai Bà Trưng, những tấm gương anh hùng cứu nước của Trương Nữu trong cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, của Trương Liễu, một tướng tài trong sự nghiệp của Mai Hắc Đế, chiến công oanh liệt của Vũ Hải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên sẽ còn mãi mãi thôi thúc lòng người Kiến Thụy. Chúng ta càng hiểu vì sao hai cuộc khởi nghĩa lớn nhất chống triều đình Lê Trịnh của Nguyễn Hữu Cầu, rồi của Phan Bá Vành, đều chọn Nghi Dương làm căn cứ.

Truyền thống quý báu nói trên lại được nhân lên gấp nhiều lần dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tôi không muốn nói thêm về những gì đã diễn ra suốt 100 năm từ ngày mảnh đất linh thiêng này mang tên Kiến Thụy từ năm 1909 đến nay. Quãng thời gian vừa tròn một thế kỷ này là một bản anh hùng ca, không chỉ đối với huyện Kiến Thụy hôm nay, mà còn đối với hồn thiêng sông núi suốt mấy ngàn năm lich sử. Bao nhiêu công sức và mồ hôi đã đổ xuống nơi đây để cho xóm làng ngày một trù phú. Bao nhiêu xương máu của hàng ngàn anh hùng liệt sĩ ở Kiến Thụy đã hi sinh để vừa bảo toàn mảnh đất quê hương, vừa góp phần giải phóng đất nước.

Ngày hôm nay, từ nhũng thành tựu vẻ vang trên con đường giàu mạnh của tổ quốc, Việt Nam như con thuyền từ những dòng sông nhỏ bé giương buồm ra biển cả đại dương. Một tương lai rực rỡ đang chờ đón dân tộc Việt Nam cũng như quê hương Kiến Thụy. Nhưng trước mắt còn muôn vàn khó khăn, thử thách đang rải suốt trên con đường chúng ta đi.

Ngày hôm nay, thế giới chưa ổn định, máu nhân loại còn tiếp tục đổ xuống ở nơi này, nơi khác. Các nước siêu cường còn sâu sé lẫn nhau. Nhân loại ở khắp mọi nơi còn rất nhiều đau khổ. Gần đây, sự đổi thay của khí hậu toàn cầu đang thường xuyên gây ra những trận giông bão khủng khiếp,đem lại đau thương chết chóc cho hàng vạn,hàng triệu con người. Sự tàn phá hung bạo của thiên nhiên đang gây nên những tác hại ngày một thường xuyên và trầm trọng trên khắp mọi nơi trên hành tinh.

Gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng  đang trở thành một trận bão lớn, đang gây ra những sự đảo lộn từ lĩnh vực tài chính đến toàn bộ đời sống xã hội.

Những khó khăn trên phạm vi toàn thể giới cũng đang là những thử thách cực kỳ lớn lao mà dân tộc ta nhất định phải vượt qua để tồn tại và phát triển. Nhân tố tinh thần đang đóng một vai trò quyết định trong hoàn cảnh biến động của thể giới hôm nay. Kinh tế của toàn cầu đang chuyển thành kinh tế tri thức. Trí tuệ đang trở thành nhân tố quyết định để giải quyết mọi khó khăn. Thất bại hay thành công, diệt vong hay tồn tại, đang phụ thuộc vào trình độ tri thức của mỗi dân tộc, của mỗi con người.

Nếu những điều kiện trên đây đang là thử thách lớn nhất của nhân loại thì dân tộc ta lại có một sức mạnh vô tận để vượt qua thử thách đó. Đó là sức mạnh của một dân tộc không chỉ anh hùng trong chiến đấu và sản xuất mà còn đầy tính sáng tạo trong mọi suy nghĩ và hành  động. Đó là dân tộc không chỉ sống với tình thần lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo mà còn là một dân tộc vốn đã thông  minh lại luôn luôn ham học và học giỏi. Về mặt này, Kiến Thụy có đầy sức sống để phát huy những tiềm năng vô tận của mình trên lĩnh vực tinh thần mà truyền thống Nghi Dương đã để lại. Kiến Thụy đã lâu đời có truyền thống hiểu học. Lịch sử còn ghi lại tên tuổi nhiều hoàng giáp, tiến sĩ,cử nhân với bao nhiêu công hầu, khanh tướng của Dương Kinh – Kiến Thụy. Ngày hôm nay, chính là thời buổi Kiến Thụy phải khôi phục lại và nâng cao hơn nữa truyền thống học giỏi, tài cao của mảnh đất này.

Từ những nhận định nói trên về dân tộc ta, về mảnh đất Kiến Thụy của ta, tôi nghĩ rằng nhất định toàn thể nhân dân ta trong toàn quốc, cũng như ở Kiến Thụy  sẽ đánh thức dậy mọi tiềm năng của mình để khắc phục mọi khó khăn, vươn tới một tương lai vô cùng rực rỡ, không then với quá khứ huy hoàng của mình.

Để kết thúc bài này, tôi xin ghi lại đôi câu cảm xúc của tôi:

 Đất nước canh tân, đánh thức tiềm năng thiên cổ dậy

Toàn cầu hội nhập, vươn cao trí tuệ vạn trùng xa!

Tác giả : Vũ Khiêu

Viết bình luận