Đình Kim Sơn- Di tích lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng

Đình Kim Sơn- Di tích lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng
 
Đình Kim Sơn ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) được xây dựng vào thế kỷ 19. Đây là một trong những di tích cách mạng của Hải Phòng được Bộ Văn hoá-Thông tin xếp hạng sớm nhất (ngày 12-6-1986).
 
 

 

Đình Kim Sơn
Đình Kim Sơn
 
Di tích lịch sử đình Kim Sơn-công trình kiến trúc nổi tiếng thời Nguyễn, kiểu chữ Đinh. Theo các bậc cao niên trong làng, đình thờ Nam Hải Đại Vương là thần Hoàng làng (tên húy là Thiên quan Vũ Muối (thần Muối)), ngày chạp thần là ngày 18 tháng Chạp hằng năm. Trải qua thăng trầm thời gian, biến cố lịch sử dân tộc, hiện nay đình Kim Sơn còn 3 gian hậu cung. Đình bằng gỗ lim, lợp ngói mũ. Đến năm 2005 toàn bộ nền đình và nhà được nâng cấp lên cao 0,7m, phần khuôn viên cây cảnh trên diện tích toàn bộ di tích là 4341m2, trong đó diện tích hiện trạng 3 gian hậu cung đình là 150m2. Đình Kim Sơn hiện là một kiến trúc khá đẹp, duyên dáng giữa làng quê thanh bình. Đình có kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng mái đao cong, lợp ngói mũi, bộ khung làm bằng gỗ lim. Trong đình Kim Sơn còn lưu giữ 17 di vật, hiện vật Mộc đá có từ hàng trăm năm. Trước đây đình Kim Sơn thường hay mở hội lớn thể hiện tính thượng võ, như vật cầu, chọi gà... vào những ngày đầu tháng Giêng âm lịch. 
 
Trong những năm tháng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày 12-7-1945, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy chính thức ra mắt nhân dân tại đình làng Kim Sơn. Sau sự kiện lịch sử trọng đại này, đình Kim Sơn là địa điểm diễn ra các cuộc mít tinh, biểu tình, kêu gọi quần chúng nổi dậy chống Nhật, đốt phá kho thóc chia cho dân nghèo. Làng Kim Sơn là nơi đầu tiên châm ngòi cho cuộc cách mạng của huyện Kiến Thụy. Trong đó, ngôi đình Kim Sơn trở thành minh chứng lịch sử cho tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân ta chống phát xít Nhật. 
 
Cùng với việc được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia năm 1986, Đình Kim Sơn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy và thành phố. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên nhiều hạng mục công trình hiện xuống cấp. Người dân xã Tân Trào mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư trùng tu, sửa chữa điểm di tích lịch sử cách mạng quan trọng này, phát huy giá trị nơi đây trở thành thành điểm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
 
Hoàng Linh

Viết bình luận