Đầm Bầu

Đầm Bầu

Đầm Bầu là tên một đầm nước ở thôn Kính Trực, xã Tân Phong. Tại đây ngày 22/9/1944, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Kiến Thụy đã được thành lập. Do vậy, Đầm Bầu đã đi vào lịch sử cách mạng và kháng chiến của xã Tân Phong nói riêng, huyện Kiến Thụy nói chung như một địa chỉ đỏ, đánh dấu sự ra đời và vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Kiến Thụy trong tiến trình lịch sử.

Khu vực Đầm Bầu vào cuối thế kỷ 19 vẫn là một đầm nước, lau sậy um tùm, hoang vu không có người đến khai thác sử dụng. Do vậy, các chiến sỹ cách mạng đã lợi dụng địa hình hiểm trở này để hoạt động, tổ chức các cuộc họp bí mật. Ngay từ những năm 1935 – 1936, phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Tân Phong và huyện Kiến Thụy đã phát triển rất mạnh mẽ. Xứ ủy Bắc kỳ cũng như Đảng bộ Hải Phòng, Kiến An đã cử cán bộ về đây hoạt động để gây dựng cơ sở. Phong trào đấu tranh cách mạng ở Kiến Thụy ngày càng lên cao với xu hướng chuyển từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo thành lập tổ chức Đảng đầu tiên ở Kiến Thụy. Vào ngày 22/9/1944. Trên chiếc thuyền nan nhỏ len lỏi giữa đám lau sậy um tùm, trên cánh Đầm Bầu đồng chí Phạm Thuyên (tức Mai Côn) đã chủ trì cuộc họp quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Kiến Thụy. Chi bộ gồm các đảng viên Đặng Quang Chất (tức Dương Thủy), Đinh Văn Kỷ (tức Thành Nam), Đặng Quang Mạc(tức Đặng Quang Thiết). Đồng chí Đặng Quang Chất được chỉ định làm Bí thư. Đây là những đảng viên thuộc lớp đảng viên Hoàng Văn Thụ đầu tiên của huyện Kiến Thụy, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng tại địa phương.

Khu di tích Đầm  Bầu được xây dựng là biểu tượng ghi nhớ nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Kiến Thụy và đã được thành phố công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng năm 2006.

 

Viết bình luận