CỤM VĂN BIA CHÙA ĐẠI BI

CỤM VĂN BIA CHÙA ĐẠI BI
(ĐÔNG HƯNG, THÁI BÌNH)

 

MAI HỒNG

Tại chùa Đại Bi còn gọi là chùa Cả thôn Hữu xã Mê Linh huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, hiện có một cụm văn bia bao gồm 8 văn bản thời Mạc - Lê thế kỉ XVI - XVII. Đây là nguồn tư liệu quý về lịch sử ngôi chùa Đại Bi, cũng như sinh hoạt tín ngưỡng của một làng quê đất Thái Bình có bề dày lịch sử.

Bài viết này giới thiệu khái lược nội dung của các văn bia chùa Đại Bi và một số nhận xét bước đầu về giá trị nguồn tư liệu này.

 

1. Nội dung văn bia

Bia số 1 (B1): Tân tạo thiết kinh đăng thiết luyện hoa thạch bệ Đại bi tự bi , do Quốc tử giám Giám sinh khoa Bính Tý Nguyễn Duy Thuần soạn, và người ở Tây Am, Vĩnh Lại tên là Nguyễn Bá san khắc chữ, dựng ngày 01 tháng 8 niên hiệu Hồng Ninh thứ 2 (1592) thời Mạc Hậu Hợp. Kích thước 0,90 x 0,60m, 24 hàng chữ, trung bình mỗi hàng 30 chữ.

Nội dung: Chép về sự kiện các sãi vãi ở chùa Đại Bi, xã An Lạc, huyện Thần Khê tạo tác cây đèn sắt, bệ đá hoa cửa chùa để thay thế cây đèn trước, bệ cửa chùa trước đây làm bằng gỗ đã bị hư hỏng. Chùa Đại Bi là ngôi chùa cổ, một trong những danh lam vào bậc nhất nước Nam. Cảnh chùa vốn là một danh lam bậc nhất nhưng chưa kịp đúc chuông thì nay tình cờ bắt được quả chuông nổi ngoài sông, lại thêm cây đèn sắt, thềm cửa đá hoa đẹp đẽ. Đúng là những sự kiện trọng đại, là công đức lớn lao, góp thêm vào những chỗ còn thiếu khuyết của bàn tay tạo hóa. Đèn trăm năm tỏa sáng, tượng Phật vàng son rực rỡ, bệ hoa xán lạn sớm chiều bên lâu đài chất ngất ngào ngạt mùi hương. ở cái thời kỹ nghệ rèn đúc, sắt thép chưa cao, mà chùa đã có cây đèn sắt, sắt là kim. Vậy thì, kim mang ý nghĩa Ngũ hành 5 yếu tố cấu thành vũ trụ đi đầu ở chốn này. Chùa vốn mang tên Đại Bi là mở rộng lòng lành, làm việc nhân nghĩa. Từ Bi còn mang ý nghĩa Từ ái của đạo nho. Từ bi, từ ái là việc làm ở thời vua nhân, bề tôi nhân nghĩa, cha từ con hiếu, anh nhường em kính, phu xướng phụ tùy (chồng hô vợ ủng). Đó cũng là những ứng xử rất mực thước của mọi người trong thường nhật.

Người làm phúc, tích phúc là âm công thì ắt có dương báo, có phúc lành tới chẳng riêng gì đời mình hưởng mà muôn đời con cháu cũng được hưởng phúc lành. Vậy mới đem khắc bài minh vào đá để lưu truyền dài lâu.

Danh sách những người công đức mà đứng đầu ông Hội chủ là Viên quan Khâm sai Ngự dinh Phó tướng kiêm Đông đạo quân dinh binh sự, Bắc quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc, Chưởng phụ sự thời Mạc, Dũng Nghĩa công...

Bia số 2 (B2): Tân tạo các bi minh ký (新 記) (Bài minh ký bia về việc tân tạo gác chuông chùa), do Quốc tử giám Giám sinh Minh Luân đường Nguyễn Duy Thuần soạn, Nguyễn Bá người ở Tây Am huyện Vĩnh Lại san khắc chữ vào bia ngày 3 tháng 10 năm Hưng Trị 2 (1959) thời vua Mạc Hậu Hợp. Bia 2 mặt, khổ 1,75 x 0,75m, 24 hàng chữ, mỗi hàng 30 chữ.

Nội dung: Chép về việc xây dựng gác chuông Đại Bi, thôn An Lạc, thuộc huyện Thần Khê xưa (nay thuộc xã Mê Linh, huyện Đông Hưng) có ngôi chùa Đại Bi cổ kính, ngày xưa nhân vớt được quả chuông nổi mà chùa có tên là chùa Chuông. Chùa ở về phía đông có gác cao, nên chùa được liệt vào hạng danh lam bậc nhất ở nước Nam do các tăng ni đứng ra quyên góp tiền bạc trắng tiền bạc đỏ xây đắp nên.

Nói về qui mô chùa Đại Bi cũng không lớn như Linh Sơn(1), Qui Tàng(2). Thế nhưng nơi đây là chốn đất đai phúc khánh dài lâu. Bởi lẽ nơi tôn linh phá đi rồi lại xây, bế tắc ắt lại hanh thông, càng vùi càng dập đi rồi sau lại dấy lên, cũng do non sông ta vẫn vĩnh tồn như xưa, nhưng dẫu vũ trụ có đổi thay dâu bể gì thì vẫn như câu chuyện cổ Trung Quốc “Rừng bồ đào mọc lại” “Bồ lâm tái châu”(3). Trước hết phải kể tới công của tăng ni dốc lòng xây đắp từ không thành sắc, từ vô thành hữu. Chùa có thêm gác chuông do con người tạo lập mà đẹp thêm, qui mô càng thêm rộng, tiện nghi lễ bái ngày càng sầm uất hơn xưa. Bởi nhờ có gác mà chuông cũng được tô điểm. Tiếng chuông vang vọng xa hơn, sớm chiều nghe tiếng ngân nga khiến lòng người thêm phấn chấn mà cũng đưa lại lạc phúc cho nhân quần thế thái. ở thời có từ bi, bác ái, có nghĩa, có nhân thì từ chốn triều ca tới nơi đồng nội xóm thôn ai ai cũng đều hưởng cái phúc yên hàn. Vua buông tay rủ áo mà trị nước, triều thần an thân mà phụng sự; cha mẹ yên vui vì có con hiếu cháu hiền, anh em hòa thuận trên kính dưới nhường, vợ chồng hòa thuận, tớ thày vui vẻ... tất thảy đều từ nhân nghĩa mà có.

Danh sách những người công đức gồm có các ông Nguyễn Bệ, tự là Phúc Hải, Hội chủ Nguyễn Bích, đạo hiệu là Đức Trung và đứng đầu danh sách các tăng ni là Nguyễn Đình Quí pháp hiệu là Tuệ Phúc. Trên trán bia mặt sau có hai chữ lớn: Tín thí, danh sách những người công đức thập phương có người ở mãi huyện Kinh Môn... người tên ở cuối của bia mặt sau với dòng chữ trang trọng: Khoái Châu phủ, Phù Hoa huyện, Diên Linh xã Tỳ Khưu - Huệ Nhân.

Bia số ba (B3): San kinh bi minh ký (刊 記), do Nguyễn Duy Thuần soạn và dựng bia vào ngày tiết Trùng dương năm Quang Hưng thứ 17 (1594) đời vua Lê Thế Tông. Bia 2 mặt, kích thước 1,10 x 0,81m, 23 hàng chữ, trung bình mỗi hàng 29 chữ.

Nội dung: Chép về sự kiện in kinh Phật tại chùa Đại Bi, xã An Lạc, tổng An Lạc, huyện Thần Khê, nêu rõ lý do chùa Đại Bi được in kinh Phật vốn là vì ở đây có Phật (tức vua Trần Nhân Tông), có Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Thuận nuôi ngài khi còn là Hoàng tử Thuyên, bà đã dựng nên ngôi chùa Đại Bi. Khi khánh thành chùa, Hoàng Thái hậu đã mời sư Pháp Loa (vị tổ thứ hai đạo Thiền Tông Trúc Lâm) về lập trai đàn. Chùa nhờ có Phật mà nổi tiếng, sư sãi nhờ có Phật mà lừng danh. Nhân đấy sư sãi ở đây họp nhau lại để in kinh bổn và in được nhiều kinh hơn các chùa khác để cống hiến cho thiên hạ.

Những vị sư năng nổ trong công việc in ấn kinh Phật như: Nguyễn Bích hiệu Đức Tung, Nguyễn Thị Bãi, Nguyễn Bổng tự hiệu là Phúc Tiến, Nguyễn Lạn tự là Phúc Đức và các vị sư sãi khác. Việc in kinh Phật của các sư sãi ở đây cũng là một việc thiện, là để quảng bá cái đức nhân nghĩa cho quảng đại chúng sinh, khiến họ tự ngộ mà hướng tới chỗ chí thiện trong cuộc sống.

Bia số bốn (B4): Đại Bi tự bi ký (大 記), do Tiến sĩ cập đệ khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo (1556) thời Mạc Tuyên Tông, Binh bộ Hữu thị lang kiêm ứng Vương phủ Triều liệt đại phu Đỗ Uông soạn. Trưởng tràng môn đệ của Bảng nhãn Đỗ Uông chép chữ khắc bia năm Sùng Khang thứ 9 (1574) thời Mạc Hậu Hợp. Bia 2 mặt, kích thước 1,30 x 0,79m, 26 hàng chữ mỗi hàng trung bình 130 chữ.

Nội dung: Chép sự tích chùa Đại Bi. Chùa Đại Bi, xã An Lạc huyện Thần Khê quả đúng là danh lam bậc nhất của phủ Tân Hưng (sau đổi là phủ Tiên Hưng). Ngày trước chùa vớt được một quả chuông đẩu nổi ở sông, trên chuông có khắc dòng chữ Hoàng Thái hậu thời vua Trần Anh Tông (1290 - 1292) đúc. Tiếng chuông vang vọng rất xa, nay còn ghi ngày soạn bài minh chuông.

Mùa xuân năm Giáp Tuất, niên hiệu Sùng Khang thứ 7 (1572) xây gác chuông lại đào được tấm bia đá thời Trần, mặt bia không thấy chữ (có lẽ chữ bị rêu phong làm mòn). Đầu xuân năm ấy đúc tượng làm nhang án và mở hội lớn. Danh lam thắng cảnh cả nước ta so ra đâu cũng không bằng chùa nơi đây cả về vẻ đẹp và cả về sự linh dị nữa. Bởi bắt được chuông nổi ở sông, đào được cả bia đá ở trong lòng đất, đó là do thần phật tạo ra. Và đó cũng là ý trời khởi phát tâm thiện cho mọi người mà tạo nên cái đẹp cho quốc gia.

Vậy nên làm điều nhân không phải chỉ là nhu cầu vật chất ở bên ngoài mà còn là sự đòi hỏi ở trong tâm hồn của chúng ta cũng phải là cái đẹp và sáng trong vậy.

Bia số 5 (B5): Đại Bi tự chú đồng Phật bi (大 碑) (Ghi việc đúc tượng đồng của chùa Đại Bi), do Quốc tử giám Giám sinh Trung xá sinh Trúng thức khoa ất Mão Tô Vũ Lan soạn văn bia vào ngày tốt tháng 9 năm Vĩnh Tộ thứ nhất (1621) đời vua Lê Thần Tông. Bia 2 mặt, kích thước 1,10 x 0,70m, 30 hàng chữ, mỗi hàng trung bình 34 chữ.

Nội dung: Ghi việc đúc tượng Phật bằng đồng của chùa Đại Bi xã An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng (nay thuộc xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Chùa Đại Bi là một thắng tích chế ngự cả một vùng sơn thủy Bắc Hà, từng là danh lam bậc nhất của nước Nam ta, bởi có chuông đẩu vớt tự dưới sông lên, lại có bia chìm trong lòng đất khai quật lên được. Cảnh thắng ấy là do cơ trời tạo tác, là bởi đất ứng mà nên lâu đài nguy nga, gác điện lộng lẫy. An Lạc một vùng địa linh sinh nhân kiệt: tướng võ thần văn khoa danh lừng lẫy người trước kẻ sau kế tiếp đời đời. Đều do thần Phật phù trì mà người gia tâm làm việc phúc lành: đúc cây đèn sắt, thềm lát đá hoa, lập thêm hương án làm chốn dâng hương. Phật thánh, in khắc kinh văn để lưu truyền ở đời. Đầu đời Sùng Khang đã xây gác chuông ở Liên Bình để treo quả chuông vàng, kế đó dựng chùa Lan Châu, lại trồng cây to làm bóng mát cho dân sinh hóng gió lành; đào giếng, bắc cầu mở mang xây dựng chùa miếu không chỉ một nơi mà đã lên trên hàng chục. So với thời Hoàng Thái hậu (của Trần Thánh Tông) khởi tạo thì qui mô tăng gấp bội. Đặc biệt là có điện rồng càng thêm lộng lẫy nghiêm trang. Nơi tôn thờ ngày càng có nhiều kiểu dáng xinh đẹp và đông đặc san sát hơn xưa.

Tới đầu năm Tân Dậu các sãi vãi lại phát tâm xuất gia tư thu mua đồng tốt, để đến ngày 12 tháng 3 đúc xong thêm 10 pho tượng đồng. Việc làm ấy không phải chỉ có ý nghĩa làm đẹp nhất thời mà còn để cho đời sau chiêm ngưỡng. Khiến họ nhìn vào đây nghĩ vào đây, sẽ thấy công đức của tiền nhân là vô bờ bến vậy. Đúng là người tích thiện sẽ được hưởng nhiều phúc lành. Không chỉ cho bản thân mà còn lưu truyền cho con cháu muôn đời được hưởng an lạc vinh hoa.

Hội chủ và chủ trì việc công đức Lưu Giang bá Trùm phủ Trần Công Triều, tự là Phúc Quảng cùng các sãi vãi và tên tuổi các vị gia tâm công đức trong việc đúc tượng Phật trọng đại này.

Bia số sáu (B6): Tạo Đại Bi tự hành lang lưỡng vu bi ký (造 記) (Tạo dựng hai hành lang (tả vu hữu vu) chùa Đại Bi). Bia do Cống sinh (Cử nhân) khoa Mậu Tý Thuần phu Nguyễn Duy Thuần soạn vào năm Quang Hưng thứ 17 (1594) đời vua Lê Thế Tông (Duy Đàm). Bia 2 mặt, kích thước 1,10 x 0,70m, 22 hàng chữ, trung bình mỗi hàng 34 chữ.

Nội dung: Chép về sự kiện các chức sắc quan viên lớn nhỏ ở xã An Lạc, huyện Thần Khê đứng dựng quyên góp công đức của nhân dân trong xã và thập phương để xây hai dãy hành lang (tả vu hữu vu) chùa và xây hai gian cánh gà cổng chùa chùa Đại Bi.

Trong danh sách những người phát tâm công đức ấy thấy những 15 vị làm quan to, tước vị lớn, tước hầu tước bá, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cai quản vệ Triều Đông, Thụy Khê bá Nguyễn Ngọc Trân (hưu quan tại bản xã) Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Vạn hiệu Vệ quân Tri Xuyên hầu Nguyễn Quang Tiến (dưỡng cư bản xã); Quốc Tử giám Trung xá sinh Nguyễn Duy Thuần; Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Chấn Chưởng vệ Giảng Khê hầu Nguyễn Đình Thu; Đặc tiến Kim sự Ty quan Cai vệ Triều Đông, Phù An bá Nguyễn Khắc Minh; Thư ký bản huyện Trung Nghĩa bá Trần Tông; Quan Cai quản huyện người bản xứ Triết Giang bá Trần Công Triều; Quan Cai quản địa phương Công Phú bá Nguyễn Văn Chương; Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Quản Cai vệ Triều Đông; Hùng Sơn bá Trần Văn Minh; Hữu Sơn bá Nguyễn Như Quản; Nhi Kim bá Nguyễn Thế Hiệu; Liệt Sơn bá Phạm Toản; Chánh tổng Nguyễn Quang Vũ cơ phó tướng Thắng Đô công Mai Vĩnh, Quang Hòe Thọ Xuân bá Nguyễn Duy An; Tập ấm Bảng Đông hầu Xã chính Nguyễn Khoan Nhân...

Bia số bảy (B7): Tân tạo Phật tượng Đại Bi (新 悲) (chùa Đại Bi đúc tượng mới). Bia không ghi người soạn, còn người san khắc chữ là ông Nguyễn Bá, người xã Tây Am, huyện Vĩnh Lại, vào ngày mùng Một tháng 8 năm Hưng Trị nguyên niên (1588) đời vua Mạc Hậu Hợp. Bia 2 mặt kích thước 1 x 0,60m, 16 hàng chữ, mỗi hàng trung bình 24 chữ.

Nội dung: Ghi việc làm nhân tu đức của các sãi vãi chùa Đại Bi, xã An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tân Hưng vào ngày 27 tháng 12 năm Đoan Thái thứ 2 (1587) đời vua Mạc Hậu Hợp đứng làm Hưng công Hội chủ đúc tác 16 pho tượng mới và tô lại 6 pho tượng cũ. Đến ngày 15 tháng 2 năm sau Đinh Hợi, công việc hoàn tất, các pho tượng cũ mới đều được sơn son thếp vàng óng ánh huy hoàng, mở hội mừng công. Đến ngày 15 tháng 8 năm ấy mua đá làm bia khắc chữ ghi công.

Nguyễn Đình Quý tự Huệ Phúc (tu đạo), Nguyễn Chiêu tự là Phúc Điền, Trần Công Thứ tự Huyền Phúc, Nguyễn Duy An tự Phúc Ngộ, Trần Công Triều tự Phúc Quảng, Hùng Sơn bá Nguyễn Văn Minh tự Phúc Xuyên, Nguyễn Thừa Đản tự Phúc Độ, Quan viên tử Nguyễn Kim chi tự Phúc Toàn, Bùi Đàm tự Phúc Đa, Lão vãi Trần Thị Ngọc Minh tự Phúc Tiên; Tín thí Nguyễn Bệ tự Phúc Hải, Cung Sơn bá Nguyễn Thiệu hiệu Trường Thọ, Sĩ tổng Trần Tiềm tự Phúc Thượng sĩ, Nguyễn Đình Hưu tự Huyền Phúc, Nguyễn Duy Thuận, Nguyễn Bích, Quan viên tử Trần Tú, Nguyễn Quang Tiến, Trùm phủ Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Trưng, Trần Bảo, Chánh tổng Nguyễn Đình Siêu, Xã chính Nguyễn Quang Hanh, Xã trưởng Nguyễn Vinh Bang...

Bia số 8 (B8): Hậu Phật bi ký (後 記). Bia không ghi tên người soạn, dựng ngày 25 tháng 6 năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời Lê Huyền Tông. Bia 2 mặt, kích thước 1 x 0,50m, 24 hàng chữ, trong mỗi hàng có 30 chữ.

Nội dung: Mặt tiền là bức phù điêu tượng hậu Phật, người đã gia tâm công đức góp phần xây lại ngôi chùa Đại Bi, đó là bà Nguyễn Thị Huy. Mặt sau ghi việc các quan viên sắc mục xã An Lạc đứng làm Hội chủ quyên góp công đức của nhân dân bản xã và thập phương xây lại chùa Chuông, bấy giờ người bản xã là bà Nguyễn Thị Huy, hiệu là Từ Lãng bàn bạc cùng con cháu phát tâm cúng tiến 45 quan. Quan viên đem 45 quan tiền mua được 4 thửa ruộng với diện tích 2 mẫu để làm ruộng hương hỏa cho nội tự. Nay toàn thể quan viên chức sắc trong xã họp mặt để chứng kiến công việc này. Các vị ấy đều có ký tên vào văn bản rồi khắc vào bia đá để lưu truyền vĩnh viễn đời đời vậy.

Ngoài 8 tấm bia ở chùa Đại Bi còn có 2 quả chuông: một đúc lại vào thời Minh Mệnh (1820) vì chuông đẩu đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh thu đi để đúc đạn dưới thời Trịnh và Tây Sơn và không rõ lý do gì đến năm Tự Đức 7 (1854) đúc lại chuông. Hai quả chuông này hiện còn treo tại chùa, cây đèn đá (cây hương đá dựng năm Chính Hòa thứ 25 (1704) thời vua Lê Hy Tông mà (B1) niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592) gọi là “Cây đèn sắt” và bia tưởng niệm quan Nghè Tân, tức Nguyễn Thành húy là Quý Nha, thụy là Bồ Giản đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn triều Hồ (đồng khoa với Nguyễn Trãi), làm quan tới chức Thái trung Đại phu Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh diên Quốc tử giám Tế tử, Thái tử Tân Khách. Văn bia do Tú tài Hội trưởng Hội Tư văn, Phó Giáo trường huyện Thần Khê, người thừa tự hương hỏa họ Nguyễn của cụ Nghè ở An Lạc là Nguyễn Kim Quế soạn vào năm Chính Hòa thứ 15 (1604). Bia dựng tại nhà tưởng niệm quan Nghè Nguyễn Thành cùng trong sân chùa Đại Bi thôn Hữu xã Mê Linh. Lăng mộ miếu đền quan Nghè hiện ở thôn An Vĩnh bản xã. Văn bia còn tên tuổi chức tước một số người có quan hệ thân thuộc với quan Nghè như:

- Trung thư sảnh Khởi cư trú xã Trần triều á hi Đại phu Nguyễn Tốn Am (thân phụ quan Nghè).

- Quốc tử giám Giám viên Trí sĩ Hội trưởng Hội Tư văn phủ Tiên Hưng quán tại Tiên Lữ, Hưng Yên Đào Nhân Khê Tiên sinh (Thầy học của quan Nghè).

- Thần đồng học sinh của phủ Tiên Hưng, Giáo thụ phủ Tiên Hưng Nguyễn Đạt Đạo (em họ của quan Nghè).

- Quốc tử giám Giám sinh Nguyễn Phục Đạo (em Đạt Đạo).

2. Một vài nhận xét về những bài văn bia này:

- Chùa Đại Bi được khởi dựng từ thời Trần do bà phi Trần Anh Tông là Nguyễn Thị Thuận xây dựng.

- Nếu tính thời Trần khi Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Thuận khởi dựng chùa Đại Bi đến năm 2000 cuối thế kỷ XX là 700 năm. Nếu tính từ bài văn bia đầu tiên ở thời Lê - Mạc là (B4) vào năm Trùng Khang 9 (1574) đến việc đúc lại quả chuông vào thời Nguyễn Tự Đức 7 (1854) thì ta có 280 năm. Nhưng không tính việc đúc lại chuông lần cuối mà chỉ tính văn bia đầu thời Lê - Mạc đến cuối thời Lê - Mạc (1574 - 1694) thì ta có thời gian 124 năm.

Trong quãng thời gian ấy đã có bao nhiêu biến cố bể dâu triệt phá lại dựng xây, rồi lại triệt phá lại tạo dựng... trên một ngôi chùa ở làng quê. Đó cũng nói lên tính kiên cố bền chắc và bất diệt một di sản, văn hóa của một cộng đồng làng xã và tính đấu tranh ngoan cường bảo vệ nó của các thế hệ các thành viên của cộng đồng trong tiến trình lịch sử.

Các bài văn bia hầu hết luôn nhấn đi nhấn lại cái đức tính từ bi, từ thiện nhân ái, nhân nghĩa đúng với tên gọi của chùa Đại Bi.

- Nhà Phật lấy từ bi làm nền tảng cho mọi hành vi tốt đẹp của con người. Kinh Phật nói rõ nghĩa lý giữa “nghĩa” và “lễ” làm cho nghĩa tình bầu bạn anh em như muôn chim cùng hót cùng bay cùng hòa trong tháng ngày thanh bình vằng vặc trăng sao. Đó là sự hòa hợp ở chốn hương đảng, là qui củ mẫu mực của chốn rừng Bồ, của dòng Sa - di cõi Phật ấy. Làm việc thiện là âm công tất được dương báo - đó là tâm khí trong thân thuộc - lòng người hòa thuận thì ý trời lòng đất cũng hòa thuận theo.

- Trong vòng 18 năm: tính từ bia (B4) năm Sùng Khanh 9 (1574), B7 năm Hưng Trị 1 (1588), B2 năm Hưng Trị 2 (1589) đến B1 năm Hồng Ninh 2 (1592) đã xuất hiện 4 tấm bia thời Mạc ở trong phạm vi của một ngôi chùa làng quê đã nói lên một điều rằng vương triều nhà Mạc cũng là một triều đại sùng thịnh văn hóa (nói riêng về văn hóa).

Văn bia triều Mạc của TS. Đinh Khắc Thuân một công trình nghiên cứu công phu khá thành công và đã có tiếng vang, trong đó anh thống kê tổng số bia hiện lưu giữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 155 tấm bia mà trước đây Viện Viễn đông Bác cổ đã sưu tầm, thì nay chúng tôi phát hiện thêm 4 tấm nữa, âu cũng là một đóng góp nhỏ vào di sản văn bia quý giá của thời Mạc. Chắc rằng 155 tấm bia cộng với 4 tấm đây cũng chưa phải con số cuối cùng của kho bia triều Mạc.

M.H

CHÚ THÍCH

(1) Linh sơn: Phật gia gọi Thướu Sơn là Linh Sơn. Linh Sơn là nơi Thích Ca Mâu Ni ở. Có một lần Thích Ca trong khi thuyết pháp bằng thị phạm cầm bông hoa vê vê trên tay (niết hoa) ngài thấy Ca Diếp mỉm cười mà đức Thế Tôn liền giao phó và phong cho là Chính pháp nhãn tạng.

 

(2) Qui tàng (Qui tàng lục): Tức A - Hàm kinh của nhà Phật ) ôm rít cả đầu z¤ ¥³có chép: Có con rùa bị con thú tên là Dã can ( đuôi rùa không cho nó thở. Sau Dã can giận dữ buông cho rùa đi. Phật kể chuyện cho các Tì khưu nghe. Từ đấy có Qui Tàng lục.

(3) Đạo Phật ở Trung Quốc thời sơ kỳ cũng bị vùi dập bài xích nhưng sau khôi phục lại ở rừng bồ đào một ngôi chùa nổi tiếng thời Đường./.

Viết bình luận