CỘI NGUỒN CỦA DÒNG HỌ ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG CÂU ĐỐI THỜ GIA TIÊN

CỘI NGUỒN CỦA DÒNG HỌ ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG CÂU ĐỐI THỜ GIA TIÊN

Từ trước tới nay đã có không ít các vị túc nho, các nhà nghiên cứu khi sưu tầm, giới thiệu câu đối trên các sách, báo trong nước đã từng đề cập tới nhiều khía cạnh đặc sắc, tân kỳ của câu đối Việt Nam như Lãng Nhân, Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch, Tạ Phong Châu, Hoa Bằng, Tảo Trang… Phải công nhận rằng nhờ những công trình, những bài viết của các vị trên mà kiến văn của chúng ta được nâng lên nhiều; Chúng ta không chỉ biết thời điểm xuất xứ của câu đối Việt Nam mà còn biết phương pháp làm câu đối theo lối cổ điển của tiền nhân, biết phân loại câu đối thờ, câu đối tức cảnh, câu đối về nghề nghiệp, câu đối về tính cách tự tình, câu đối chơi chữ.. làm khi “trà dư tửu hậu”, khi mừng nhau được “thăng quan tiến chức”, khi lên lão bảy, tám mươi…, khi “hai năm mươi”, khi bị giam trong tù ngục v.v.. thật là đa dạng. Ở đây, tôi không có tham vọng đi sâu về những khía cạnh nêu trên, mà chỉ muốn bước đầu đề cập tới loại Câu đối thờ gia tiên (chứ không phải câu đối thờ nói chung ở đến miếu đình chùa lăng tẩm…).

Tôi nhớ trên Tạp chí Hán Nôm số 4 (17) năm 1993 ông Tảo Trang trong bài Câu đối Tết, câu đối Xuân trước Cách mạng tháng Tám có điểm qua về loại câu đối thờ (nói chung) như sau:… “Câu đối làm sáng đẹp khu trung tâm trang trọng nhất của căn nhà, nhưng chủ yếu là tỏ lòng biết ơn các bậc tiên tổ, và bầy tỏ ước nguyện giữ vững nếp sống tốt đẹp của dòng họ, bồi đắp đức tốt để tạo phúc lâu dài” (HL nhấn mạnh). Điều đó hoàn toàn đúng, rất đúng, nhưng tôi e rằng chưa đủ, mà còn phải nói thêm một chi tiết khác nữa: còn là bức thông điệp của dòng họ. Sở dĩ tôi dám mạnh dạn nói thêm điều đó vì trong thực tế hơn thập kỷ của thế kỷ này tôi và một số nghiên cứu viên, PTS của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có làm công trình Thư mục Gia phả, chúng tôi đã gặp khá nhiều câu đối thờ gia tiên được sao chép lại cùng với Sắc vua ban, văn tế… trong gia phả của các dòng họ. Ngoài ra trong nhiều chuyến đi sưu tầm tại các làng xã của nhiều huyện tỉnh… chúng tôi cũng đã ghi chép và in rập được thác bản văn khắc trên bia đá, biển gỗ và trên tường cửa của một số nhà thờ họ.

Dưới đây, tôi xin viẹn dẫn một số câu đối thờ gia tiên để làm minh chứng cụ thể:

- Tại Từ đường họ Thạch ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội có 4 câu đối gỗ sơn đen thếp vàng, chữ chạm khắc rất đẹp (số câu đối mới làm của bà con trong họ cung tiến, không kể) tôi chú ý 2 câu. Câu 1:

Lan Khê chi tỏa, mạch văn dài

Thiên Thủy dòng phân, nguồn phúc rộng

Ở câu này có 2 địa danh khiến ta phải chú ý, đó là Lan Khê tên làng thuộc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương xưa (nay thuộc huyện Nam Thanh, Hải Dương). Theo Gia phả họ Mạc thì cháu của Mạc Đĩnh Chi (đời Trần) là Mạc Tung (con của Mạc Thúy) đã di cư tránh nạn về đây. Một địa danh khác là Thiên Thủy tức sông Thiên Đức (tên Nôm là sông Đuống) nằm kề xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Hà Nội) nơi cư trú của họ Trạch. Vậy họ Trạch ở đất này có liên quan gì với họ Mạc ở xã Nam Tân, huyện Nam Thanh không? Từ câu đối đó gợi ý cho ta tìm đọc 2 cuốn gia phả và cũng từ đó mà ta biết họ Thạch ở Ninh Hiệp vốn gốc họ Mạc ở Hải Dương ra đi và đổi thành họ mới. Nhưng ra đi từ bao giờ và lí do thì không thể nói rõ được (có lí do nhất định). Song câu đối thứ 2 lại hé mở cho ta hay thời điểm về Ninh Hiệp và từ Tổ nào. Câu đối đó như sau:

Danh gia nối đời, tự thuở nhà Lê trở lại

Ban đầu gây dựng, vốn từ Thịnh Đức tới nay

Có người cho rằng Thịnh Đức là niên hiệu của vua Lê Thần Tông từ năm 1653 đến 1654 trên dưới 60 năm nhà Mạc thất thủ Thăng Long phải chạy lên Cao Bằng và nhiều nơi khác? Gia phả họ Thạch thì ghi như sau:

“… Riêng ta đổi thành họ Thạch và làm nhà sư trông coi ngôi chùa lớn. Các tăng ni đặt hiệu cho ta là Thịnh Đức thiền sư. Sau không ở chùa nữa. Sinh hạ được 6 con trai lập nên 6 chi… “Vậy là đã rõ Tổ đầu tiên của họ Thạch là Thịnh Đức vốn từ họ Mạc đổi sang và đến từ thời Lê Trung hưng. Từ những năm 50-60 của thế kỷ 20 này các vụ Thạch Văn Vĩnh, Thạch Văn Quế… đã dày công tìm về cội nguồn Lan Khê và Lũng Động để “vấn Tổ tầm Tông”; từ đó mà con cháu các họ này đã có mối liên hệ mật thiết với nhau hàng năm đi lại giỗ Tổ.

Một dẫn chứng khác về họ Vũ ở tỉnh Thái Bình. Họ Vũ này rất lớn, phân tán ở nhiều huyện trong tỉnh, mỗi chi họ có thêm chữ đệm khác nhau: Vũ Tiến…, Vũ Đình…, Vũ Thế…, Vũ Như…, Vũ Trọng… v.v.. Tại Từ đường họ Vũ Tiến ở Trực Nội, huyện Đông Hưng khi tu sửa nhà thờ đã phát hiện một đôi câu đói thờ đắp, bị nhiều lớp vôi phủ kín, cạo đi thấy hiện đủ chữ như sau:

Phiệt duyệt gia thanh, Trần triều Mạc Trạng nguyên chi hậu.

Nguyên lưu thế phả, Đông Hải Thanh Hà quận dĩ lai.

Tạm dịch:

Dòng dõi gia phong, Trạng Mạc triều Trần sau nối tiếp.

Ngọn nguồn thế phả, Thanh Hà Đông Hải lại từ đây.

Câu đối đó quả là bức thông điệp ngắn gọn súc tích gửi cho con cháu, nhờ đó họ Vũ càng thấy khớp với lời truyền lại của Tổ tiên khi “nhắm mắt xuôi tay”. Họ Vũ đã tập họp lại được 3 cuốn phả viết chữ Hán vào các năm Gia Long 2 (1803), Minh Mệnh 16 (1836), Bảo Đại 8 (1933) đem dịch ra, viết Diễn ca gia phả gặp gỡ các chi và cùng tìm về gốc tổ, quê Trạng nguyên triều Trần là Mạc Đĩnh Chi ở Lũng Động, Nam Thanh, Hải Hưng (xưa là Thanh Hà, Đông Hải).

Câu đối tại nhà thờ họ Vũ Tiến.

Câu đối tại nhà thờ họ Vũ Tiến.

Xin xem một đoạn trích Diễn ca gia phả họ Vũ thay cho điều cần giải thích việc chuyển đổi họ trong lịch sử:

… Bởi nhà Lê chiếm giữ Cao Bằng

Trả thù báo oán lẽ làng

“Được vua, thua giặc” đâu rằng chuyện xưa

Dòng họ Mạc diệt trừ gần hết

Cả trẻ già tru diệt còn ai

Biết bao máu chảy đầu rơi!

Pháp luật phong kiến ngập trời thảm thương.

Còn bốn ông tìm đường lánh nạn

Mỗi ông đều phiêu bạt phương xa

Lênh đênh bốn bể không nhà

Trông vời quê cũ lòng đà xót thương!

Ông con cả chạy sang Cao Lạng

Ông thứ ba lần bước tỉnh Nam

Nương mình Thượng Phúc, Phú Nhai

Sinh cơ lập nghiệp nối đời lửa hương.

Ông thứ tư về làng Trực Nội.

Cũng tỉnh nhà gần gũi đâu xa

Ông thứ hai tổ họ ta

Là ông Thông Đạo chạy ra Tứ Kỳ

Họ Mạc ta đôi đi họ Vũ…

Ngày nay nếu ai về huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định đến 3 xã Kiên Lao, Ngọc Tĩnh, Hoành Tứ (xưa kia thuộc cửa Lạt Môn, phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam) sẽ thấy 3 nhà thờ lớn của 3 chi họ Phạm. Nơi đây còn lưu giữ được thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, nặng 25,6 kg. Phát hiện năm 1972 công bố trên báo Quân đội Nhân dân số ngày 31-5-1986. Ở nhà thờ có câu đối cổ nói về gốc gác xưa của họ này vốn là họ Mạc:

Câu 1:

Đức chỉ thiên tài lan quê mậu

Mạc triều hệ xuất đế vương cơ.

Câu thứ 2 rút trong Gia phả:

Mạc Đăng Thận hố tích Kiên Lao

Phạm Công Úc bốc cư Ngọc Tỉnh

Kiên Lao là địa danh như đã dẫn giải ở trên. Còn Mạc Đăng Thận là ai vậy? Đó là một vị thân vương nhà Mạc, người đã hóa trang lăng tẩm, đem bảo vật là thanh đại đao của Mạc Thái Tổ, cũng như hài cốt của các vua nhà Mạc  cùng thuộc hạ thân tính và 500 quân chạy ra trấn giữ Đồ Sơn. Về sau tình thế không chống giữ được mới giong buồm thuyền ra khơi về cửa biển Ba Lạt, Thiên Trường rồi đổi là Phạm Đình Trú. Ông sinh ra Phạm Công An, Phạm Công Úc, Phạm Đình Tú…

Câu đối trên là tín hiệu mách bảo ta cần tìm đọc kỹ gia phả mới hiểu rõ, hiểu đúng về dòng họ đó thì dịch câu đối mới chuẩn xác.

Những câu đối thờ gia tiên mang đậm màu sắc thông điệp cho con cháu trong dòng họ biết rõ lai lịch gốc tích như vậy quả thật là nhiều. Tôi xin đưa thêm câu đối ở Từ đường họ Nguyễn (Mạc) tại Đại Đồng thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An:

Phúc khánh Đại Đồng thực lại nhất thành Chân Cảm

Gia đình Yên Lạc toàn bằng tiên tổ Chí Linh.

Các từ Đại Đồng, Chân Cảm, Yên Lạc, Chí Linh ở 2 vế câu đối trên đã khiến các nhà Hán Nôm từng dịch đúng mà vẫn cứ là sai, bởi không ngờ đó là các tên đất. Đại Đồng thuộc huyện Thanh Chương Nghệ An, Chân Cảm tức Kẻ Gám thuộc huyện Yên Thành chứ không phải cái nghĩa yên ổn vui vẻ, còn Chí Linh càng không phải là rất thiêng mà là tên huyện thuộc tỉnh Hải Dương cũ. Nơi gốc tổ của họ Mạc, Vương triều Mạc khi đã chấm hết sự nghiệp đế vương, họ Lê lại phục hưng, con cháu nhà Mạc muốn tránh họa tru diệt của chúa Trịnh và muốn thực sự yên ổn làm ăn (chưa nói đến cơ hội khôi phục lại nghiệp đế) thế tất phải thay tên đổi họ mới tồn tại phát triển được… Mạc Phúc Thanh là con thứ sáu của vua Mạc Mậu Hợp khi tộc nạn xảy ra, cụ lánh đi ẩn ở huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa. Ở đây không yên, cụ lại đem vợ con vào xã Hưng Lập (nay là Quỳnh Lập) huyện Quỳnh Lưu rồi sau lại chuyển đến Tiên Nông huyện Yên Thành rồi đến Diễn Kim, huyện Diễn Châu.. Tương truyền câu đối trên là của Mạc Mậu Giang, một trong 3 vị thủy tổ họ Mạc ở Nghệ An mà ngày nay là các họ Phạm, Phan (có Phan Đăng Lưu), Hoàng (có Hoàng Hanh), họ Thái, họ Nguyễn…

Để kết thúc ý kiến của mình về Câu đối thờ gia tiên – bức thông điệp của dòng họ: Tôi cũng xin đưa ra một câu đối khác chạm gỗ treo ở Từ đường họ Lều ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây. Tương truyền là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đại thần nhà Mạc danh nhân văn hóa lớn của dân tộc mà tiếng tăm ngài ai cũng biết.

Tứ bách niên tiền, chung phục thủy

Thập tam thế hậu, dị nhi đồng.

Nghĩa là:

Bốn trăm năm trước, cuối cùng lại như ban đầu.

Mười ba đời sau, khác nhau mà vẫn cùng một

Phải chăng đó là sự tiên đoán về dòng họ Mạc trong lịch sử? Con cháu họ Mạc càng ngẫm càng thấy đúng. Nếu kể từ năm 1592 đến nay thì đúng là hơn 400 năm phải li tán, mai danh ẩn tích và bị nhìn nhận đối xử không công bằng lịch sử… nhưng nay thời thế thay đổi, dưới ánh áng khoa học của thời đại và ánh sáng soi đường của Đảng, Nhà nước, vương triều Mạc được đánh giá đúng đắn khách quan công bằng hơn, từ đó họ Mạc càng phấn khởi tự hào với những gì đã đóng góp cho lịch sử dân tộc. Theo Phả hệ cũng vào đời thứ 13 tuy mang nhiều họ khác nhau ở nhiều miền của đất nước nhưng đã gặp lại nhau, nhận họ và thành lập nhiều Ban liên lạc họ Mạc.

Tác giả: TS Hoàng Lê

Nguồn: homacvietnam.vn

 

Viết bình luận