CÓ PHẢI PHÙNG KHẮC KHOAN LÀ BẠN HỌC CỦA NGUYỄN DỮ ?

CÓ PHẢI PHÙNG KHẮC KHOAN LÀ BẠN HỌC CỦA NGUYỄN DỮ ?

Cũng trong những công trình, tài liệu đã nêu ở mục hai, các cụ ngày xưa và các nhà nghiên cứu hôm nay y cứ mà viết theo khi cho rằng Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Dữ là bạn học, tức bạn đồng môn nơi trường học của danh sư Nguyễn Bỉnh Khiêm tại am Bạch Vân.

Việc này lại càng lạ hơn và chúng tôi không hiểu tại sao các cụ tiên Nho lại viết như thế, rồi các nhà nghiên cứu khoa học Ngữ văn hôm nay lại y cứ viết theo, trong đó có những vị GS khả kính mà chúng tôi đã từng có may mắn được thụ giáo. Có lẽ là do quý Thầy không để ý đó thôi?

Ở trên chúng tôi đã nói Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện… đúng là những học trò xuất sắc làm rạng danh cho Thầy giáo lỗi lạc, nhà hiền triết vĩ đại, nhà thơ lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng với Nguyễn Dữ thì không phải, mà ông là người sống cùng thời với cụ Trạng Trình, thành danh đỗ đạt trước Bạch Vân tiên sinh. Thế thì Phùng Khắc Khoan làm sao lại là bạn học với Nguyễn Dữ được?

 

Hãy trở lại tiểu sử các vị thì sẽ rõ. Hiện chưa có chứng cứ minh định về năm sinh và mất của Nguyễn Dữ, nhưng những ghi chép còn lại của Hà Thiện Hán, của Vũ Khâm Lân, của Lê Quý Đôn, của Vũ Phương Đề mà ở trên có nêu cũng đủ chứng minh cho vấn đề nêu ra. Ta thừa nhận Nguyễn Dữ thi Hương đỗ Hương cống vào hồi cuối Hậu Lê sơ, từng nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, có ra làm quan cho nhà Hậu Lê được một năm, sau đó lấy cớ mẹ già cáo quan về ẩn cư ở quê, cũng có thể là ở Thanh Hoá, suốt đời không bước chân đến chốn thị thành vào trước năm 1527 hoặc trong năm 1527, khi họ Mạc lên thay nhà Lê. Trong khi đó thì Phùng Khắc Khoan lại sinh năm 1528. Như vậy, khi Phùng tiên sinh còn là hạt bụi thì cụ Nguyễn Dữ đã là nho sinh lặn lội nơi trường thi rồi hoặc đang làm quan và một năm trước khi họ Phùng mới oe oe cất tiếng khóc chào đời thì cụ Nguyễn Dữ đã rũ áo từ quan về quê để phụng dưỡng mẹ già! Lại nữa, theo tiểu sử của Phùng Khắc Khoan thì thuở nhỏ ông học ở cha mẹ, đến năm 16 tuổi thì khăn gói đến trọ học tại nhà thầy, ước tính vào năm 1543, đó cũng là năm Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa mới cáo quan về quê dựng am Bạch Vân dạy học, lập quán Trung Tân để cứu giúp người cơ nhỡ. Chi tiết lịch sử này lại rất chính xác với tiểu sử hành trạng của Trạng Trình và Trạng Bùng. Thời điểm mà Phùng tiên sinh đến thụ giáo tại am Bạch Vân vào năm 1543 thì đó cũng là lúc Nguyễn Dữ đã yên vui tuổi già nơi thôn quê tĩnh lặng hay nơi núi rừng thanh vắng, lấy đâu ra hình ảnh một ông đầu bạc cùng ngồi học ê a với chàng tóc xanh nơi Bạch Vân am !?

Nhân đây xin nói thêm, tác giả sách Phùng Khắc Khoan cuộc đời thơ văn, NXB VHTT, HN, 2005, tại chương 2, mục 2, đã lẩm cẩm khi biện luận loanh quanh để phản biện lại ý kiến nghi ngờ của Nguyễn Quân và của Bùi Duy Tân khi các vị này bàn về quan hệ anh em giữa Trạng Trình và Trạng Bùng, thì tác giả sách có nói cần khảo cứu lại năm sinh của hai ông, nhất là năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm (31); cũng ở trang này, tác giả đã khẳng định bà họ Nhữ lấy chồng lúc 20 tuổi (tác giả sách trên lại lẩm cẩm nữa!)

Như vậy, ý kiến cho rằng Nguyễn Dữ là bạn đồng môn với Phùng Khắc Khoan cần phải được đính chính (nếu là sách xưa) và cần loại bỏ ngay (nếu là giáo trình văn học sử, sách giáo khoa Ngữ văn hôm nay). Bởi đó là ý kiến thiếu cơ sở khoa học, nếu không muốn nói là hoàn toàn phi lý và hoang tưởng!

CÓ PHẢI NGUYỄN DỮ LÀ HỌC TRÒ CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM ?

 

1. Từ thế kỷ XIX về trước đã có nhiều sách xưa khẳng định vấn đề này như Đại Việt sử loại tiệp lục (có bài Phả ký đã dẫn) của Vũ Khâm Lân; Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề; Công dư tiệp ký tục biên mà có nhà nghiên cứu nghi vấn tác phẩm này chính là Cát Xuyên tiệp bút của Trần Tiến?; Tục Công dư tiệp ký của Trần Trợ (Trần Quý Nha) là con trai của Trần Tiến; Toàn Việt thi lụcKiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn; Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ; Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích; rồi Lịch triều hiến chương loại chí - Mục Nhân vật chí và Văn tịch chí của Phan Huy Chú (16) v.v.. Tất cả đều ghi “Nguyễn Dữ cùng với Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thì Cử, Đinh Thì Trung, Nguyễn Quyện … là những học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm”.

Sang thế kỷ XX đến nay, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu; Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 2, (thế kỷ X đến hết thế kỷ XVII); Đinh Gia Khánh, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Ngọc San trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (thế kỷ X - thế kỷ XVII); Bùi Văn Nguyên với Lịch sử văn học Việt Nam tập 2 và Văn học Việt Nam thế kỷ X - giữa thế kỷ XVIII; Đinh Gia Khánh với Văn học cổ Việt Nam và Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII; Thúc Ngọc Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm tập 1 và Lược truyện các tác gia Việt Nam; Lê Trí Viễn (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam; Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Truyện ngắn; Nguyễn Nam, Phiên dịch học lịch sử - văn hoá Trường hợp Truyền kỳ mạn lục (công trình này có dịch và đăng lại bài viết của M. Tkachov “Bậc thầy của những chuyện kỳ diệu sáng tạo từ đất Hải Dương”); Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học, Bộ mới, các mục từ viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm, về Nguyễn Dữ, về Phùng Khắc Khoan; Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan cuộc đời – thơ văn; Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam, tập 1; Đoàn Thị Thu Vân (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam (thế kỷ X - cuối thế kỷ XIX) (17). Đó là chưa kể những bài viết trên các báo, tạp chí, các chuyên khảo v.v.. khi đề cập đến Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Dữ cũng đều cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy học của Nguyễn Dữ; và Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Những công trình nghiên cứu về Nguyễn Dữ và Truyền kỳ mạn lục của các học giả ở nước ngoài như ở Nhật Bản có Xuyên Bản Bang Vệ “Truyền kỳ mạn lục tiểu khảo”, Nghệ văn nghiên cứu, số 27 (18), tr. 379; ở Trung quốc có La Hoài “Nho học tại Việt Nam”; Trịnh Vĩnh Thường “Hán văn văn học tại An Nam đích hưng thệ”, Đài Loan Thương vụ ấn thư quán, thiên 4, chương 3 (19); Trần Ích Nguyên “Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục tỷ giảo so sánh”, chương 2, tiết 2, Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc, 1990 (20); ở Nga có M. Tkachov, Bậc thầy của những chuyện kỳ diệu sáng tạo từ đất Hải Dương (21) v.v.. Tất cả đều dựa vào tư liệu cổ ở ta mà tin theo và viết rằng: Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm

 

Từ nửa đầu thế kỷ XVIII đến nay, những người đời sau đều căn cứ vào bản “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Công Văn Đạt phả ký” của Vũ Khâm Lân và Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề là những tài liệu xưa nhất nói về mối quan hệ này mà cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm và là bạn học của Phùng Khắc Khoan. Trong bài Phả ký, Vũ Khâm Lân đã viết: “Nói về môn sinh của ông sự thực không biết bao nhiêu mà kể, nhưng nói riêng những người đã có tiếng tăm lừng lẫy thì có những ông như Phùng Khắc Khoan, như Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ và Trường Thì Cử…, đều đã nhờ ơn truyền thụ, số học từng đi đến chỗ uyên thâm, và sau đều là những bậc danh thần thời trung hưng” (22).

Thực tế có phải như vậy không?

Đứng trước một khối tư liệu có thể nói là lớn và nhiều như trên (mà chúng tôi liệt kê chưa đủ hết) để giải đáp một vấn đề rất nhỏ như tiêu đề đã nêu, thì có nên không? Việc chẻ sợi tóc ra làm tư có đáng hay không? Chúng tôi băn khoăn mãi, nhưng cuối cùng đành phải làm cái việc thật dại dột là đặt lại nghi vấn về vấn đề này. Mặc dù chúng tôi biết rằng mình là hậu sinh lại học thuật, kiến văn nông cạn, mà những tư liệu trên đều là của những danh sĩ lỗi lạc thời phong kiến, hay của những nhà nghiên cứu bậc thầy, của những vị giáo sư lỗi lạc thời hiện đại đã viết ra, thì làm sao mà phản biện cho được!

Đức Khổng Tử từng căn dặn đồ đệ: “Tận tín thư bất như vô thư” (Hoàn toàn tin ở sách, thà không có sách còn hơn). Có nghi vấn này là nhờ bắt nguồn từ lời dạy trên của bậc Vạn thế sư biểu.

Chúng tôi thiển nghĩ, muốn đặt lại vấn đề đã được khẳng định và sàng lọc qua mấy trăm năm như trên, có lẽ cần trở lại tiểu sử lai lịch của hai cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ. Về cuộc đời và tiểu sử cụ Trạng Trình thì đã rõ. Còn cuộc đời và tiểu sử Nguyễn Dữ hiện vẫn còn là khoảng trống, chưa được lấp đầy vì tư liệu xưa quá ít ỏi, chỉ có dăm ba dòng.

2. Trước hết, cần xác định lại năm sinh của Nguyễn Dữ.

Trên cơ sở tư liệu hiện còn, người đọc hôm nay chưa biết gì thêm về Nguyễn Dữ ngoài những thông tin mà các cụ xưa như Hà Thiện Hán trong Lời tựa sách Truyền kỳ mạn lục; Vũ Khâm Lân trong bài Phả ký ở sách Đại Việt sử loại tiệp lục; rồi Vũ Phương Đề, Trần Tiến, Trần Trợ đã viết tiếp trong sách của các vị. Đến Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục Toàn Việt thi lục; Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển Hoàng Việt văn tuyển; Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí v.v.. cũng có nhắc đến tiểu sử Nguyễn Dữ dù chỉ rất sơ lược.

Lời tựa Truyền kỳ mạn lục của Đại An Hà Thiện Hán viết năm 1547 là tư liệu sớm nhất có ghi chép về Nguyễn Dữ như sau: “Lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi thi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, từng được bổ Tri huyện Thanh Tuyền (Toàn). Mới được một năm, ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi ông viết ra tập lục này để ngụ ý” (23). Lời Tựa trên của Hà Thiện Hán đều có chép trong bản Cựu biên năm 1712 và bản Tân biên năm 1763, năm 1774, tuy còn sơ lược nhưng rất đáng tin cậy, bởi nó được viết lúc Nguyễn Dữ còn sống, và tác giả bài tựa lại là người sống đồng thời với Nguyễn Dữ.

 

Còn đây là thông tin của cụ Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục: “Ông người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, Hải Dương. Cha là Tường Phiêu, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496), làm quan Thượng thư bộ Hộ. Nguyễn Dữ lúc còn bé thông minh lanh lợi, xem rộng, nhớ lâu, văn chương có thể nối dõi được gia phong, thi đỗ Hương cống, thi Hội nhiều khoa trúng kỳ đệ tam, được bổ Tri huyện Thanh Tuyền, làm quan mới được một năm, liền lấy cớ là xa nhà, xin từ chức về nhà hầu cha mẹ"

Cần lưu ý là hai thông tin cổ xưa trên của hai bậc tiên Nho danh tiếng không hề nói đến quan hệ thầy – trò, hay mối quan hệ thiết thân nào khác giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ.

Xin nêu lại ở đây ý phỏng đoán về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên cứu người Nga M. Tkachov trong bài viết giới thiệu về Truyền kỳ mạn lục ở nước Nga, sau khi biện giải và thiết lập sơ đồ, M. Tkachov đã đi đến ức đoán: “Nguyễn Dữ sinh khoảng 1496” (25). Đây cũng là năm thân phụ ông là Tường Phiêu (Phiếu) đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp, lúc này ông Phiêu ở độ tuổi khoảng ngoài 20 đến 30, vì căn cứ vào sách Đăng khoa lục và sách Lược truyện các tác giả Việt Nam của cụ Thúc Ngọc Trần Văn Giáp mà biết. Còn việc Nguyễn Dữ thi đỗ Hương tiến (đúng ra lúc này phải là Hương cống), thi Hội nhiều lần trúng tam trường, có thể có ra làm quan Tri huyện được một năm và từ quan trước hoặc trong năm 1527, lúc nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê. Lúc này, có thể Nguyễn Dữ đã ở tuổi ngoài 30 (vì thi Hội nhiều lần, mà triều Lê theo lệ cứ 3 năm mở một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi hội, thi Đình). Những ngày ẩn cư, cụ đã viết và hoàn thành bộ Truyền kỳ mạn lục gồm 4 quyển, mỗi quyển 5 truyện, cộng 20 truyện (26) từ năm 1527 và trước năm 1547 là năm mà Hà Thiện Hán viết lời tựa, sau đó Đại Hưng hầu Nguyễn Thế Nghi đã dịch Nôm.

Ức đoán suy luận về năm sinh Nguyễn Dữ của nhà nghiên cứu M. Tkachov, theo chúng tôi là có lý. Nếu quả đúng như thế thì Nguyễn Dữ chỉ nhỏ hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm khoảng 5 tuổi. Chúng tôi còn nghĩ rằng, cũng có thể Nguyễn Dữ được sinh ra trước đó vài năm, tức trước khi cụ Nguyễn Tường Phiêu thi đỗ Tiến sĩ dưới đời Hồng Đức Lê Thánh Tông (1496). Vì ngày xưa, các cụ thường lập gia đình sớm, nhiều người có con khi chưa đến 20 tuổi, mà gia đình Nguyễn Dữ là danh gia vọng tộc. Ông còn là con trai cả của cụ Thượng thư Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu (Phiếu) đời Lê sơ.

3. Thứ đến, thử so sánh thời điểm hiển vinh, thi đỗ và làm quan của Nguyễn Dữ và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, chúng tôi xin lưu ý thêm, Nguyễn Dữ đỗ Hương tiến (đúng ra phải là Hương cống) và Thi Hội nhiều lần, đã trúng Tam trường dưới thời Lê sơ, cụ thể lúc này là các đời Uy Mục (1505-1509), Tương Dực (1510-1516), Chiêu Tông (1516-1522), Cung Hoàng (1522-1527); có thể ông đã từng làm quan một năm và đã từ quan trước hoặc trong năm 1527 là năm vua Mạc Đăng Dung lên ngôi lập ra triều đình nhà Mạc. Điều đó có nghĩa là Nguyễn Dữ hiển đạt, thành danh trước Nguyễn Bỉnh Khiêm ít ra cũng đến 10 hay hơn 10 năm, và lúc này Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là một nho sĩ bình dân, nghèo túng (thơ chữ Hán của cụ có nói nhiều về cảnh bần hàn này). Vì tình thế bức bách, Bạch Vân tiên sinh mãi đến năm 44 tuổi mới đi thi và đỗ đầu kỳ thi Hương và năm sau, lúc 45 tuổi thi Hội rồi thi Đình, đỗ Trạng nguyên năm 1535 dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, bắt đầu nổi danh. Từ đó, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mới xuất chính giúp nhà Mạc. Trong khi đó, tại thời điểm này thì Nguyễn Dữ từ lâu đã là một ẩn sĩ nơi quê nhà hoặc nơi núi rừng Thanh Hoá, đang viết dở hoặc đã hoàn thành bộ thiên cổ kỳ bút Truyền kỳ mạn lục!

Nếu như các thư tịch cũ cho rằng Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng với Phùng Khắc Khoan, Đinh Thì Trung, Trương Thì Cử, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyện…thì chúng tôi nghĩ là chưa hẳn đúng như thế. Điều chắc chắn là các vị trên là những học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn Nguyễn Dữ thì không.Sau khi làm quan cho vương triều Mạc được khoảng 8 năm, ông đã xin về quê dựng am Bạch Vân dạy học, mở quán Trung Tân để chữa bệnh, cứu giúp người khốn khó cơ nhỡ. Chuyện này cụ thực hiện từ năm 1543 về sau. Nhà nghiên cứu Tkachov, trong bài viết của ông, có đưa ra thông tin: Trong số những môn đồ thành đạt hiển vinh của danh sư Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ có 2 người ứng thí năm 1538, tức là 5 năm trước khi Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan. Thế có nghĩa là ông dạy học trước năm 1538 (27). Ở đây, trong bài viết của mình, Tkachov dù có nêu ra một số chứng lý nhưng rồi ông vẫn tin Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chúng tôi nghĩ, giả sử, nếu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước khi đỗ đạt và làm quan cho nhà Mạc (trước 1535) thì đã từng là một thầy đồ nghèo có mở trường dạy học ở quê, thì chưa chắc cụ Thượng thư đã cho Nguyễn Dữ theo học. Bởi lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong gia đình nho sĩ bình dân nghèo. Ông cụ thân sinh là Nguyễn Văn Định tuy học hành thông minh hay chữ nhưng vẫn là bạch diện thư sinh, may mà cụ Thượng thư Nhữ Văn Lan thương tình gã con gái đã luống tuổi cho, thì lúc này về lý lịch nhân thân của gia đình ông có thay đổi đôi chút. Trong khi đó, cụ Nguyễn Dữ lại xuất thân là thế gia vọng tộc, khoa hoạn, thân phụ ông từng đỗ Tiến sĩ đời Hồng Đức vào năm 1596, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ. Và chắc chắn rằng với nhiệm vụ và thân thế này, cụ quan Thượng thư có nhiều bạn bè đỗ đạt, học rộng tài cao, vì lý do nào đó mà họ không làm quan hoặc từ quan về nhà dạy học, lẽ nào cụ Thượng không cho con trai cưng của mình theo học những vị này mà lại cho theo học thầy đồ Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa qua kinh nghiệm trường thi, chưa nổi tiếng và cũng chưa đỗ đạt học vị gì vào lúc này ? Đây là điều mà nhiều năm nay chúng tôi thường thắc mắc. Hơn nữa, căn cứ vào những gì cụ Hà Thiện Hán trong lời Tựa Truyền kỳ mạn lục và cụ Bảng nhãn Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục thì có thể suy luận thêm là Nguyễn Dữ có thể đỗ Hương cống trước năm 1520 hay trong năm 1520, chứ khó có thể là sau năm này, vì sau đó cụ còn dự thi Hội nhiều khoa (cứ cho nhiều tức là thi 2 khoa, thì cũng mất đến 6 năm !) mới trúng Tam trường, ra làm quan một năm rồi từ quan trước năm 1527 hoặc trong năm 1527. Tất cả đều diễn ra vào thời Hậu Lê sơ, trước khi nhà Mạc lên ngôi. Như vậy Nguyễn Dữ đã hiển vinh đỗ đạt (tuy chưa phải là đại khoa) và làm quan trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đến hơn 10 năm (Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ thi Hương năm 1534, đỗ thi Hội, thi Đình năm 1535 dưới thời Mạc). Dĩ nhiên, chúng tôi rất biết chuyện thi cử dưới thời phong kiến ở ta rất nhiêu khê và rắc rối nhưng có điều là không kể tuổi tác, sĩ tử từ 14, 15 trở lên, nếu đủ học lực và trình độ, trúng tuyển kỳ khảo hạch ở địa phương thì có đủ điều kiện dự thi Hương; đỗ kỳ thi Hương thì năm sau được vào thi Hội; và trúng cách thi Hội mới vào thi Đình (Điện thí).

Nhân đây, chúng tôi xin đính chính lại một chỗ nhầm lẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Phạm Hùng trong bài viết Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục (28), và thắc mắc của Trần Ích Nguyên về học vị của Nguyễn Dữ trong Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục tỷ giảo so sánh (29). Trong bài viết rất công phu và có vài ý mới của Nguyễn Phạm Hùng mà chúng tôi rất thích thú, nhưng tiếc là ở trang 126, mục 3 Những vấn đề đặt ra từ quan điểm của các nhà khoa học nước ngoài, Nguyễn Phạm Hùng ghi: “Ông đỗ Hương tiến (Cử nhân), thi Hội đỗ Tam trường (Tiến sĩ)…” (xin được in đậm để nhấn mạnh). Chúng tôi nghĩ, học vị đỗ đạt kỳ thi Hương vào đời Trần - Hồ là Hương tiến, người đỗ đầu là Hương nguyên; đời Hậu Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và triều Nguyễn Gia Long là Hương cống (điểm cao) và Sinh đồ (điểm thấp), đời Nguyễn Minh Mệnh trở đi là Cử nhân (điểm cao) và Tú tài (điểm thấp). Còn thi Hội từ thời Hậu Lê sơ trở về sau không xếp loại, mà chỉ lấy Chánh trúng cách và Thứ (Phó) trúng cách, coi như đó là điều kiện để vào kỳ thi Đình (Điện thí) làm bài Văn sách Đình đối để nhà vua đích thân lấy đỗ xếp loại Tiến sĩ theo ba bảng: Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (gọi là Hoàng giáp); Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, gọi chung là Tiến sĩ. Đó là thi Đình. Còn kỳ thi Hội, các Cống sĩ phải qua bốn trường. Nguyễn Dữ trong mấy lần thi chỉ đỗ được Tam trường (tức đậu trường 3), rớt Tứ trường (trường bốn) thì làm sao đủ điều kiện để vào dự thi Đình mà lấy học vị Tiến sĩ ? Dĩ nhiên, cũng có vài kỳ thi, do điều kiện nào đó mà triều đình chỉ cho thi Hội rồi xếp loại Tiến sĩ luôn, nhưng trường hợp này rất ít. Anh Nguyễn Phạm Hùng nhầm chỗ này, tuy vậy, việc ấy không làm giảm đi chất lượng bài nghiên cứu của anh.

Cũng vậy, ở trang này, đoạn dưới, anh có dẫn lại ý kiến thắc mắc của Trần Ích Nguyên trong công trình so sánh Tiễn đăng tân thoại Truyền kỳ mạn lục ở trang 49, 50 của sách. Do ông Trần và anh Hùng (người thuật lại) chưa hiểu đúng danh hiệu Tam trường nên đã cố công đi tìm tên Nguyễn Dữ trong các sách viết về khoa bảng như Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục; Các nhà khoa bảng Việt Nam v.v..hay sách nào đi nữa kể cả Khoa mục chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là sách chép tương đối đầy đủ nhất trong các sách ghi về khoa bảng, thì làm gì có và cũng không bao giờ có tên Nguyễn Dữ đỗ đại khoa ! Bởi ở các công trình này, xưa cũng như nay, nhà sưu tầm nghiên cứu chỉ chép tên những người đỗ đại khoa (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ nếu là đời Lê trung hưng về trước đến Hậu Lê sơ Lê; còn đời Nguyễn thì có thêm học vị Phó bảng nữa). Như trên có nói, kỳ thi Hội chỉ xếp Chánh và Thứ (phó) trúng cách thôi, chứ chưa xếp học vị. Nguyễn Dữ chỉ trúng Tam trường, chưa qua được Tứ trường nên chưa Trúng cách Hội thí. Ngày trước, thi Hương, thi Hội thường phải qua bốn kỳ (bốn trường); trúng trường nhất mới vào trường nhì; trúng trường nhì mới vào trường ba v.v.. cứ thế tiếp tục. Tên gọi Nhất trường, Nhị trường, Tam trường …là để chỉ những sĩ tử đã thi trúng các trường ấy. Còn nếu trúng cả 4 trường thì khảo quan cộng điểm theo ưu, bình, bình thứ, thứ, thứ thứ mà xếp loại học vị thi đỗ; còn liệt là bị hỏng thi. Vì hiểu nhầm như thế mà bài viết đi đến kết luận là “Vì thế việc chép Nguyễn Dữ trúng Tam trường là không chính xác” (30). Chúng tôi nghĩ, tác giả bài tạp chí đã vội vàng rút ra kết luận không chính xác thì có, chứ các cụ Hà Thiện Hán, Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề, Lê Quý Đôn đã chép đúng và rất chính xác đấy (vì chúng tôi đã kiểm tra lại các trang 49, 50 của sách, ông Trần Ích Nguyên không viết câu kết luận trên). Còn thắc mắc của Trần Ích Nguyên về địa danh huyện Thanh Tuyền không biết chính xác ở đâu, trang 50 của sách, thì xin thưa, huyện này nay chính là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú.

4. Như vậy, theo chúng tôi, thông tin Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ là lời các cụ tiên Nho theo truyền thuyết dân gian mà ghi lại chứ các cụ không kiểm chứng, cũng có thể do các cụ nhầm, hoặc vì quá yêu mến và ngưỡng vọng, muốn tôn vinh nhà tư tưởng - hiền triết, nhà thơ đạo lý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà gán cho? Từ đó, các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ở thế kỷ XX và mấy năm đầu thế kỷ XXI lại y cứ mà viết theo. Thiết nghĩ việc này chúng ta nên tỉnh táo, nếu không thì vẫn còn sẽ tiếp tục truyền đạt lại (giảng hoặc viết) những truyền thuyết, giai thoại dân gian, thiếu tính khoa học cho các thế hệ tương lai.

 

Trên cơ sở đó, chúng tôi đi đến kết luận Nguyễn Dữ là người sống cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, lớn hơn hay bằng hoặc nhỏ hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm vài ba tuổi, lại hiển vinh đỗ đạt trước Nguyễn Bỉnh Khiêm đến hơn 10 năm. Như vậy, ông sinh khoảng trong mười năm cuối thế kỷ XV, và mất tại nơi ẩn cư Thanh Hoá khoảng giữa thế kỷ XVI, xuất thân trong gia đình có truyền thống văn chương khoa cử, thế gia vọng tộc, nên ông không thể là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như các cụ ngày xưa và các học giả thế kỷ XX đã viết.

Nguyễn Công Lý

Viết bình luận